Nước mắm truyền thống làm từ cá cơm ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tuổi thơ tôi gắn với sông Thạch Hãn. Mùa hè, ba tôi làm được rất nhiều cá, mẹ đem về làm và mắm dưa để dành ăn quanh năm. Mẹ được truyền nghề từ bà ngoại và bà nội vốn có tay nghề làm mắm rất cừ.
Nước mắm bà nội tôi làm ngon nổi tiếng trong xóm. Mùa đông lạnh buốt, mẹ tôi tháo mắm ra kho hay chỉ cần tao với hành mỡ chan cơm là cơm nấu bao nhiêu cũng vét sạch nồi. Nước mắm chan cơm cháy là món ngon của tuổi thơ tôi.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với cá và mắm như vậy.
Sang Úc học, việc tự đi chợ, mua được nước mắm và tự nấu những món ăn Việt Nam đã giúp tôi giữ được sức khỏe của mình, thân quen được rất nhiều bạn bè quốc tế bên những mâm cơm truyền thống. Một lần nữa, tôi biết mình thuộc về mắm.
Tôi vào thư viện trường truy cập hệ thống dữ liệu các nghiên cứu. Có rất nhiều bài báo khoa học viết về nước mắm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nước mắm cung cấp hệ vi sinh phong phú, giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn và có lợi cho sức khỏe.
Người ta tìm thấy đồng tiền La Mã ở Hà Giang và các thùng mắm ở châu Âu, và giả định rằng Việt Nam là nước khởi thủy của sản xuất mắm và có sự trao đổi nước mắm từ rất lâu trước đó.
Tôi học về phát triển bền vững và có niềm tin mãnh liệt rằng bền vững chỉ có thể đạt được khi truyền thống được lưu giữ và con người sống hòa hợp với thiên nhiên. Và tôi chọn đi bán nước mắm và các loại mắm.
Tôi đã đi dọc bờ biển từ Cát Bà đến Nha Trang tìm hiểu về các loại mắm và cách làm sao cho ngon. Tôi nhận thấy rằng những người lớn tuổi trong cộng đồng là nơi lưu giữ vốn kiến thức bản địa rất tốt và họ đã duy trì thói quen cũng như phương thức làm nước mắm truyền thống qua nhiều thế hệ.
Nhưng con cháu lớn lên, đi học, đi làm ở các thành phố lớn và khu công nghiệp nên nghề truyền thống này ngày càng mai một, không được duy trì. Nếu tiếp tục như vậy, nghề làm nước mắm truyền thống sẽ có nguy cơ mai một và biến mất.
Tôi muốn đóng góp một phần công sức rất nhỏ của mình trong việc bảo tồn văn hóa của nước mắm, giữ đúng nghĩa, nguyên chất và nguyên bản nhất có thể, và tin đó là nền tảng của phát triển bền vững. Mắm Thuyền Nan từ ngày ra đời cho đến nay là như vậy.
Bảy năm kinh doanh nước mắm và các loại mắm, dù chỉ là một số lượng nhỏ từ các lu hũ mắm của các mẹ, các chị quê mình, đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều trong tổ chức công việc và trong cuộc sống. Trong suốt bảy năm đó, tôi cũng không tăng giá, giữ ổn định như vậy để có mặt ngày càng nhiều trong các mâm cơm gia đình.
Những ngày gần đây có rất nhiều tin tức về nước mắm, những định nghĩa nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp. Riêng tôi, tôi xa lạ với chữ truyền thống, càng xa lạ với chữ công nghiệp, trong tôi chỉ có nước mắm mà thôi. Tôi không tham gia vào cuộc tranh luận, việc của tôi là làm tốt công việc của mình, giữ cho nước mắm của mình chỉ có đơn thuần là cá và muối mà thôi.
Đào Thị Hằng, được biết đến với cái tên Hằng Mắm Ruốc, là một nhân vật quen thuộc của bạn đọc báo Tuổi Trẻ từ nhiều năm nay.
Từ cô tân sinh viên bước lên từ con thuyền nan ven bờ Ái Tử (Quảng Trị), đến cô thủ khoa đại học ôm ước mơ vượt qua mảnh bằng đỏ, đến cô thạc sĩ công nghệ môi trường từ nước Úc quyết về vực dậy nghề làm nước mắm và các loại mắm quê mình, đến một đàn chị thường về góp những suất học bổng "Tiếp sức đến trường" cho đàn em.
Hiện nay Hằng đã có riêng cho mình nhãn hiệu Mắm Thuyền Nan, có làng Hama để truyền cảm hứng sống tích cực - hành động vì tương lai cho các em đi sau mình, có kênh phân phối những sản phẩm lành sạch quê hương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận