Sáng 10-9, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại cầu Phong Châu, lực lượng chức năng vẫn túc trực, phân luồng giao thông, hướng dẫn người dân đi đường tránh từ Lâm Thao đến Tam Nông và ngược lại.
Lắp cầu phao tạm thay thế cầu Phong Châu chưa thể tiến hành do nước lũ chảy xiết
Để đảm bảo an toàn giao thông và hoạt động lưu thông, vận chuyển trên địa bàn, chiều 9-9, đại tá Nguyễn Minh Tuấn, giám đốc Công an Phú Thọ, cho hay sẽ có phương án khắc phục lâu dài như xây dựng cầu mới, có giải pháp như cầu phao, phà cho di chuyển.
9.50h, Trung tướng Phạm Đức Duyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2 thông tin về công tác cứu hộ, cứu nạn và lắp đặt cầu phao tại vị trí chân cầu Phong Châu.
"Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng, và bộ đã chỉ đạo Binh chủng Công binh chuẩn bị, khảo sát dòng chảy để tiến hành lắp đặt cầu phao khi đủ điều kiện cho phép, bảo đảm việc đi lại, sinh hoạt cho người dân, với tinh thần cố gắng cao nhất, trách nhiệm lớn nhất, thi công không quản ngại ngày đêm, ngày nghỉ để sớm hoàn thành lắp đặt cầu phao".
Đến sáng 10-9, mặc dù chỉ có mưa nhỏ tại khu vực huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ nhưng dòng nước chảy xiết, mức nước dâng cao khiến công tác xây lắp cầu phao chưa thể tiến hành.
Theo đó, dự kiến cầu phao sẽ được lắp đặt cách vị trí cầu khoảng 1km, tại vị trí xã Hương Nộn, huyện Tam Nông và xã Kinh Kệ, huyện Tam Nông. Đây cũng là hai bến đò cũ, đã có sẵn lối xuống phà trước đó.
Tại khu vực xung quanh, lực lượng chức năng đã bắt đầu lắp đặt đèn chiếu sáng, chặt bớt cành cây để sẵn sàng vận chuyển thiết bị, vật tư lắp đặt cầu phao.
Có mặt tại ven sông nơi sắp lắp đặt cầu phao, nhiều người dân ngóng chờ cầu được lắp đặt. Do dòng nước chảy xiết, một số người dân có thuyền neo đậu dưới sông cố gắng đưa thuyền lên bờ.
Ông Huấn - người dân xã Hương Nộn, chia sẻ nếu không có cầu người dân muốn qua Lâm Thao phải đi đường vòng với quãng đường gần 30km. Vì vậy, người dân rất mong chờ cầu phao được lắp đặt sớm để đi lại thuận tiện hơn.
"Khi nghe tin cầu Phong Châu bị sập, tất cả người dân đều rất ngỡ ngàng. Hôm qua nghe thông tin nhiều người bị rơi xuống sông khi cầu sập, ai cũng thương xót. Chỉ mong sao còn người được cứu và sẽ không còn thảm họa nào như vậy nữa", ông Huấn nói.
Sau 24 giờ cầu Phong Châu bị sập, do dòng nước chảy rất mạnh nên mặc dù các lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn đã chuẩn bị hết tất cả các phương tiện vật tư nhưng vẫn chưa thể thực hiện.
Đến nay cơ quan chức năng đã sơ bộ xác định có 8 người mất tích, 3 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện trong vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ sáng 9-9.
Phương án phân luồng giao thông như sau:
Xe từ cầu Đồng Quang, cầu Trung Hà, các huyện Thanh Thủy, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi đường Hồ Chí Minh → qua cầu Ngọc Tháp hoặc qua quốc lộ 2 → đi Lâm Thao, Việt Trì. Các xe từ Lâm Thao, Việt Trì đi Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn, cầu Đồng Quang, cầu Trung Hà theo chiều ngược lại.
Các xe từ các huyện Thanh Thủy, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà → đi huyện Ba Vì, Hà Nội → đi cầu Văn Lang → đi Việt Trì, Lâm Thao. Các xe từ Lâm Thao, Việt Trì đi Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn theo chiều ngược lại.
Các xe từ các huyện Thanh Thủy, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo tuyến: quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà hoặc → đi tỉnh lộ 317G → đi tỉnh lộ 317E → đi cầu Đồng Quang → đi huyện Ba Vì, Hà Nội → cầu Vĩnh Thịnh → đi Vĩnh Phúc. Các xe từ Hà Nội, Vĩnh Phúc đi các huyện Thanh Thủy, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Sơn theo chiều ngược lại.
Các xe từ các huyện Thanh Thủy, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Sơn đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại có thể đi theo tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoặc tuyến quốc lộ 2: quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi đường Hồ Chí Minh → đi quốc lộ 2 → đi Vĩnh Phúc, Hà Nội hoặc quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi đường Hồ Chí Minh → đi nút giao IC9 → cao tốc Nội Bài Lào Cai → đi Vĩnh Phúc, Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận