22/12/2015 06:43 GMT+7

Uống nhiều nước giải khát đóng chai giúp thanh nhiệt, mát gan?

LÊ ĐINH
LÊ ĐINH

TTO - Sau khi ăn các món chiên, xào, cay, nhiều người nghĩ sẽ bị “nóng trong người” nên uống nước đóng chai với hi vọng sẽ mát mẻ và tạo cảm giác sảng khoái. Nhưng không ngờ lại "bị nóng".

Nước ngọt đóng chai
Các loại nước giải khát đóng chai có mùi vị hấp dẫn được bán khắp nơi

“Nước đun sôi để nguội hiện nay còn khó tìm hơn là nước ngọt đóng chai nếu không ở nhà. Mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ em ngày nay đã quen với nước ngọt đóng chai. Cửa hàng thức ăn nhanh còn cạnh tranh nhau bằng chiêu ăn trả tiền mà uống thì mặc sức”, bà Đặng Thu Mỹ (55 tuổi, ngụ  Q.7) chia sẻ.

Nghiện cả nước ngọt, nước tăng lực

“Có lần con tôi đi học về miệng nó đỏ lè từ lưỡi đến môi. Hóa ra ông con đi học cứ buồn ngủ là lại xuống căn tin mua chai nước tăng lực vị dâu uống thay nước lọc”, chị Vũ Ngọc Anh (39 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) cho biết.

“Nghe có vẻ khó tin, mọi người chỉ quen với khái niệm nghiện cà phê, nghiện nước chè hoặc bia rượu nhưng ít ai biết giới văn phòng hoặc tài xế lại nghiện một thứ nước uống để đánh lừa những cơn mệt mỏi của mình trong thời gian ngắn. Đó là dòng sản phẩm nước tăng lực. Từ nghiện cái công dụng vi diệu ấy cho đến nghiện cả mùi vị của nó. Chồng tôi, tài xế taxi là một điển hình. Anh có thể run tay nếu không được tiếp nước tăng lực”, chị Thảo Cầm (nội trợ, ngụ Q.6) cho kể.

Trước đây, thức uống không thể thiếu trong các bữa tiệc nướng nhiều thịt, dầu mỡ, buffet hoặc đặc biệt sinh nhật của trẻ em chính là nước giải khát có ga.

Nhận thấy thức uống này cũng được cảnh báo là không tốt cho sức khỏe nên người tiêu dùng có xu hướng chọn thức uống mà họ cho là có khả năng giải khát, thanh nhiệt, mát gan, không lo bị nóng, không lo đau cổ họng, không nổi mụn.

Những dòng nước giải khát này được quảng cáo sẽ cung cấp năng lượng, vitamin, khoáng chất, được chiết xuất từ cam, chanh, trà xanh hoặc thảo mộc, có sản phẩm còn khuyến khích uống “một ngày một chai, khỏe khoắn yêu đời”.

Các sản phẩm này có hương vị thơm ngon và có thể mua được ở bất kì đâu.

“Với tâm lý không lo bị nóng như thế thì người tiêu dùng càng yên tâm, càng ăn. Càng ăn đồ nướng, chiên, xào nhiều, ăn nhiều thì lại càng uống nhiều”, anh Thanh Lâm (ngụ Q.10) hài hước.

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy - Ảnh: Thanh Đạm

“Không lo bị nóng” lại thành “bị nóng”

Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, phó trưởng Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, thành phần nước ngọt đóng chai nói chung chứa nước, đường, có thể có thêm muối khoáng, vitamin C, CO2, caffein, có thể kèm màu, axit citric, đường hoá học, chất tạo chua,...

Đường trong nước ngọt là đường tinh. Đây là loại thực phẩm được khuyến cáo nên hạn chế trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, sử dụng nhiều đường là tăng nguy cơ thừa cân béo phì, gây ra các bệnh thoái hoá mạch máu, lão hoá. Đường này cung cấp năng lượng rỗng vì không kèm vitamin.

Đường hoá học, phẩm màu nếu có có thể gây hại đến sức khoẻ. Chất khoáng có thể không cần thiết, có thể gây hại thận, phù thủng, cần hạn chế sử dụng ở người suy tim suy thận, đái tháo đường.

Caffein có thể gây "say", khó chịu, mất ngủ, táo bón, tăng mỡ máu,...

Lạm dụng nước ngọt đóng chai có thể gây tăng cân không mong muốn, hại sức khoẻ nếu có chứa những chất độc hại.

Cụ thể, trẻ em uống nhiều nước ngọt (từ 3-4 chai/tuần) kèm ăn nhiều năng lượng sẽ dễ lên cân quá nhanh gây thừa cân, béo phì. Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân làm trẻ dậy thì sớm. Hơn nữa, béo phì nặng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường hoặc tim mạch.

Nếu nước ngọt chứa nhiều phẩm màu độc hại hoặc chất hóa học gây ung thư thì việc uống nhiều và liên tục đương nhiên không tốt.

Để “không lo bị nóng” thì nước ngọt đó đầu tiên là cung cấp thêm nhiều nước cho người sử dụng. Tuy nhiên, trong nước ngọt lại có chứa nhiều đường tinh thì lại “bị nóng” vì đường gây nhiều mụn nhọt.

Trên bao bì mỗi chai nước ngọt đều có ghi hàm lượng dinh dưỡng. Tùy vào từng loại nước ngọt mà thành phần và hàm lượng dinh dưỡng nhiều ít khác nhau.

Tuy nhiên, với những thức uống được quảng cáo chiết xuất từ trà xanh hoặc cam tươi thì thực tế lượng trà hoặc cam rất ít. Thông thường, những loại nước ngọt này được chế biến từ các nguyên liệu bột với đường, vị, màu, mùi, bơm thêm gas…

Cũng theo bác sĩ Thủy, nước ngọt đóng chai chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết như đang đói khát mà không có gì ăn. Nếu chơi thể thao thì nên pha loãng ở tỷ lệ 1/2. Đặc biệt là không nên uống thường xuyên.

LÊ ĐINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên