Nước Đức không có chính phủ ?

LÊ QUANG 22/01/2018 21:01 GMT+7

TTCT - Câu hỏi tạm thời có lý, vì chưa bao giờ trong ngót 70 năm lịch sử CHLB Đức, có một chính phủ chiếm dưới 50% ghế nghị trường như hiện tại.

*** Error ***
Thủ tướng Merkel của nước Đức đang đứng trước thách thức lớn trong việc thành lập chính phủ mới

 

Nhưng cái khái niệm mà nhà lập pháp Đức sợ như ma quỷ sợ nước thánh - “chính phủ thiểu số” - là một thực tế hoàn toàn phù hợp với hiến pháp Đức. Mà họ sợ cũng đúng thôi, vì lúc đó quyền lực của chính phủ sẽ bị san sẻ quá nhiều cho quốc hội.

Merkel - ở nhà một mình

“Người đàn bà thép”, sau khi thừa kế danh hiệu mỹ miều của Margaret Thatcher quá cố, bỗng dưng chịu áp lực phải củng cố sự tôn vinh ấy.

Nhưng cuộc bầu cử nghị viện cuối năm 2017 với số phiếu thấp lịch sử của Liên đảng Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) đã phát ra tín hiệu khó chối cãi: đường lối của chính quyền Merkel đương nhiệm đang đi tới bước ngoặt kịch tính.

Dĩ nhiên, là chủ tịch Đảng CDU, bà nghiễm nhiên trụ lại trên ghế thủ tướng để có cơ may đuổi kịp tiền nhiệm Helmut Kohl với 16 năm trị vì, nhưng con số đầy tính số học ấy chắc chắn rỗng ruột về ý nghĩa, vì ông Kohl sẽ đi vào lịch sử như thủ tướng thống nhất nước Đức, trong khi học trò Merkel của ông thì quên khuấy bài học nằm lòng của giới showbiz: Hãy chấm dứt sự nghiệp khi đang ngự trên đỉnh cao, chứ đừng gục ngã trên sân khấu vì mất giọng.

Hiện tình Chính phủ Đức không chỉ xoay quanh “Người đàn bà thép”, mà còn ít nhiều khiến người ta nghĩ đến con rắn không đầu.

Với 1/3 số ghế nghị viện (246/709 nghị sĩ), chính phủ của Liên đảng Cơ Đốc giáo ở phe thiểu số sẽ không đưa ra được dự luật nào mà họ có thể chắc chắn ngay từ đầu sẽ được thông qua, vì số phiếu của lực lượng đối lập ở mức quá bán!

Tuy nhiên, hình ảnh “rắn không đầu” hay khái niệm “chính phủ thiểu số” đều chỉ là tên gọi bên bàn bia, vì sai về bản chất.

Những ai bàng quan về chính trị thì giật mình bởi kết quả bầu cử ở Đức, nhưng một chính phủ chưa đủ 50% số ghế nghị viện vẫn nắm quyền là không hiếm, cho dù phải dọn đường trước là họ sẽ rất vất vả để thuyết phục quốc hội phê chuẩn các quyết định của mình.

Cũng vì lý do đó mà bà Merkel bắt liên lạc với đảng lớn thứ nhì, Đảng Dân chủ xã hội (SPD - 153 ghế), để lập chính phủ liên minh như nhiệm kỳ trước. Rủi cho bà, tân chủ tịch SPD Martin Schulz do uất ức với thất bại bầu cử nên dỗi, quyết chuyển sang phe đối lập.

Ông Schulz từng là chủ tịch Nghị viện EU đầy hào quang, thậm chí còn định hướng đến một Hợp chúng quốc châu Âu, nay được Đảng SPD gửi kỳ vọng như đấng cứu thế. Nhưng cũng như bà Merkel, ông nhận kết quả bầu cử thấp tệ hại từ ngày thành lập đảng.

Và ông ngúng nguẩy. Ông không thích lặp lại Đại liên minh như trước năm 2017. Chưa kể các chủ tịch đảng trước ông, từ Willy Brandt huyền thoại cho đến Gerhard Schröder, luôn niệm câu thần chú “Erst das Land, dann die Partei” (Đất nước trên hết, rồi mới đến đảng).

Vậy là SPD tham gia phe đối lập để trước tiên cải tổ cái cơ cấu đã già cỗi, sau nữa là đỡ phải thỏa hiệp với đảng đa số, như vậy mới có ích cho đất nước hơn. Về lý thuyết là vậy, ta sẽ quay lại chủ đề này sau.

Gọi tên cho đúng

Cực chẳng đã, bà Merkel mời Đảng Xanh (67 ghế) và Đảng Dân chủ tự do (FDP - 80 ghế) vào bàn. Đây là thời điểm mà những người ít quan tâm chính trị nhất cũng phải nghĩ một cách nôm na: “Có nên không, khi mâm trên nguội tanh mới cúi xuống ngó ngàng đến mình?”.

Nói cho cùng, việc lập chính phủ liên minh cũng là một dạng chia chác các ghế trong nội các và lĩnh vực chủ chốt.

Hai đảng hợp tác như ở nhiệm kỳ từ năm 2013 đã là khó, nhưng các sử gia cận đại thống nhất rằng nước CHLB Đức hùng mạnh về kinh tế và xã hội là nhờ có hai, và chỉ hai chính đảng CDU/SPD thay nhau lãnh đạo từ ngày lập quốc, đó là các chính đảng trung dung và chú trọng đại cục hơn theo đuổi lợi ích riêng. Nay mọi việc giữa ba đảng ắt phức tạp hơn.

Quả nhiên, chính phủ liên minh ba đảng không thành, và bà Merkel nhận ngay “hóa đơn” cho bàn tay thép mềm nhũn của mình: Theo kết quả thăm dò ý kiến 5.120 cá nhân từ mọi tầng lớp đại diện xã hội của Viện Civey (báo mạng welt.de số 30-12-2017), đến 46% dân Đức muốn bà từ chức ngay hoặc chậm nhất vào giữa nhiệm kỳ tới.

Đáng chú ý là dân miền đông, quê cũ của bà Merkel, bỏ phiếu chống bà đến 54%.

Chính phủ (lâm thời) Đức dù sao vẫn tồn tại và hoạt động như xưa nay. Chỉ có điều là không thể đưa ra quyết định nào mang tầm cỡ, cải cách sâu sắc lại càng không.

Về lý thuyết, người Đức có thể đi bầu lại lần nữa. Nhưng để tránh tốn kém thì giờ và tiền bạc, điều 63 Hiến pháp Đức cho phép tổng thống Frank-Walter Steinmeier đương nhiệm đề nghị nghị viện thống nhất trực tiếp một ứng viên do ông đề nghị, ví dụ... Angela Merkel.

Nếu bà không được đa số tuyệt đối bầu làm thủ tướng thì nghị viện nghỉ hai tuần... để ngẫm nghĩ, rồi bầu lần nữa, rồi lần thứ ba.

Trong vòng thứ ba, bà Merkel chỉ cần đa số tương đối là thành thủ tướng. Đây là tình trạng mà dân gian quen gọi “chính phủ thiểu số”. Khái niệm này hơi thiếu chính xác và không hề có trong từ vựng chính thống của cơ quan lập pháp Đức.

Và thế là tốt, vì khái niệm “thiểu số” mang hơi hướm... kém cạnh, kém tài, kém được ủng hộ, thậm chí kém dân chủ. Có người dân nào muốn một chính phủ như thế nắm vận mệnh đất nước?

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Nước Đức chưa từng có chính phủ thiểu số ở tầng liên bang, chứ ở tầng bang và trong các nền dân chủ nghị viện toàn cầu thì đó là chuyện thường, thậm chí có những chính phủ thiểu số rất thành công.

Cũng có một hình thức tương tự như chính phủ thiểu số, đó là khi quốc gia bầu riêng chính phủ và quốc hội. Tình trạng cộng sinh (cohabitation) đó xuất hiện ở Pháp, khi tổng thống và thủ tướng thuộc hai chính đảng khác nhau.

Người Đức rút ra bài học và không muốn có chính phủ thiểu số, và ngay cả khi không cơm lành canh ngọt được với SPD để lập Đại liên minh thì bà Merkel cũng không đứng đầu một chính phủ thiểu số.

Trước sau họ sẽ phải tìm đối tác liên minh để có đa số, và thành phần của đa số đó có thể thay đổi liên tục, song vẫn là đa số! Có lẽ nên tìm một tên mới cho nó chính danh, ví dụ “chính phủ đa số linh hoạt”?

Chính phủ Đức sẽ mang diện mạo nào?

Tóm lại, Hiến pháp và Luật hiến pháp Đức đã lo liệu mọi trường hợp để không xảy ra tình trạng “rắn mất đầu”. Một chính phủ thiểu số, như đã nói và như thực tế trên thế giới cho thấy hoàn toàn có thể hoạt động tốt, chỉ kém linh hoạt và kém tốc độ, vì mỗi khi có dự định gì là phải vận động và thuyết phục một hoặc nhiều chính đảng khác trong nghị viện ủng hộ mình.

Trở ngại lớn nhất là các biện pháp tài chính và mọi quyết định về ngân sách. Cũng ở đây, Hiến pháp Đức đã đề phòng và có một điều khoản đặc biệt: Ngay cả khi luật ngân sách không được thông qua thì các khoản chi cần thiết vẫn được giải ngân như thường!

Trong những ngày này, mọi dấu hiệu đều cho thấy Đại liên minh CDU/CSU và SPD sẽ cùng nhau cầm quyền. Sau cuộc họp marathon dài 26 tiếng liền, khoảng 11h ngày 12-1-2018, chủ tịch ba đảng liên minh mắt thâm quầng, phờ phạc tiến ra trước rừng máy ảnh của phóng viên để tuyên bố kết quả đàm phán.

Do cuộc họp diễn ra ở trụ sở SPD nên chủ nhà Schulz được nói trước, và ông khẳng định “kết quả tuyệt vời”.

Khỏi phải nói ra, ai cũng biết kết quả không hề tuyệt vời. Bởi vì, nước Đức nay đã có một chính phủ đa số, song các vấn đề trọng đại vẫn lửng lơ như thanh gươm Damocles buộc dưới sợi lông đuôi ngựa.

Những gì ba chủ tịch đảng nhất trí chưa chắc đã được các chi bộ cơ sở thuận tình. Schulz sẽ chuẩn bị đón những câu hỏi hóc búa trong đại hội đảng bất thường sắp diễn ra ngày 21-1. Chắc chắn người ta sẽ hỏi ông vì sao chối đây đẩy hồi tháng 11 mà bây giờ quay lại nương nhờ cửa Merkel để cùng cai trị?

Kết quả của đại hội đảng bất thường đó mới chấp nhận hay từ chối một khế ước về liên minh với CDU/CSU, nói cách khác là cuộc đàm phán với “kết quả tuyệt vời” chỉ là bước đầu, còn lâu mới là chữ ký! Ngoài ra, SPD sẽ phải lo mất thêm đảng viên và cảm tình trong nhân dân.

Những mục tiêu lớn như thuế thu nhập, cải cách an sinh xã hội hay chỉ tiêu hạn chế khí nhà kính của SPD đã bị len lén quét xuống gầm bàn - liệu người ta có tha lỗi thỏa hiệp ấy không? Thị trưởng Berlin, cũng là thủ hiến bang quan trọng nhất về chính trị, đòi sửa lại các điều khoản đã ký, vì rõ ràng SPD đã rút bớt quá nhiều quyền lợi của người nhập cư và hạ thấp các biện pháp xã hội nhằm hòa nhập ngoại kiều...■

Chính phủ thiểu số, chuyện thường tình

Na Uy chẳng hạn, cuối năm 2017 họ cũng đau đầu giống Berlin khi lập chính phủ mới. Nữ Thủ tướng Erna Solberg liên minh với Đảng Tiến bộ thiên hữu, song cũng chỉ được 72/169 ghế nghị viện.

Từ hai nhiệm kỳ nay Na Uy có chính phủ thiểu số. Đó cũng là tình trạng bình thường trên bán đảo Scandinavia: chính phủ đương nhiệm của Đan Mạch có 53/179 ghế quốc hội, mỗi lần cần biểu quyết đa số lại phải gạ gẫm Đảng cánh hữu Dansk Folkeparti (37 ghế) hay Đảng Dân chủ xã hội (47 ghế).

Thụy Điển thì từ bảy thập kỷ trở lại đây hầu như chỉ có chính phủ thiểu số nằm trong tay Đảng Dân chủ xã hội. Để tránh cãi cọ trong các dự án cải cách lớn hay dài hơi, các đảng thống nhất là nếu thay đổi chính phủ thì vẫn giữ nguyên dự án!

Tây Ban Nha từ năm 2015 có chính phủ thiểu số dưới trướng Thủ tướng Mariano Rajoy, và không thể đưa ra nghị quyết nào ra hồn. Trái lại thì chính phủ thiểu số ở Bồ Đào Nha từ năm 2015 đạt được tiến bộ lớn khi vượt qua khủng hoảng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận