20/05/2014 03:15 GMT+7

Nước đến chân mới nhảy

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TT - Ông Ngô Đức Hòa, phó tổng giám đốc Tổng công ty dệt may Thắng Lợi, xác nhận thông tin các nhà đặt hàng từ Mỹ và châu Âu vừa thông báo chuẩn bị áp dụng một loạt tiêu chuẩn sản xuất mới cho các doanh nghiệp VN xuất hàng sang các thị trường này.

Theo đó, ngoài chuyện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các quy trình sản xuất theo chuẩn ISO, nhà sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường bền vững, như sản xuất sản phẩm xanh (không ô nhiễm môi trường, sử dụng các nguyên - vật liệu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng), xử lý nước thải khép kín đạt chuẩn không gây ô nhiễm môi trường... Thậm chí nhà nhập khẩu cũng yêu cầu nhà sản xuất có phương án xử lý cụ thể đối với bụi bông, vải phế phẩm... phát sinh trong quá trình sản xuất. Chẳng hạn, phương án tái chế thế nào, nếu không tái chế sẽ xử lý theo phương pháp gì?... Là một trong số rất ít doanh nghiệp có nhà máy sản xuất khép kín từ dệt nhuộm đến may hoàn chỉnh, nhưng ông Hòa thừa nhận chỉ mới đáp ứng được khoảng 70% yêu cầu nhà nhập khẩu. “30% còn lại, chúng tôi phải phấn đấu đầu tư bổ sung để đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, dù kinh phí không hề nhỏ” - ông Hòa nói.

Một chuyên gia của Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) cho biết lâu nay các nhà nhập khẩu luôn có hai tiêu chuẩn áp dụng đối với nhà sản xuất, gồm tiêu chuẩn riêng của nhà nhập khẩu và tiêu chuẩn quốc gia của nước nhập khẩu. Trong đó “chua nhất” là các tiêu chuẩn về môi trường do chi phí đầu tư giải quyết các vấn đề ô nhiễm trong sản xuất lên đến hàng chục tỉ đồng, thậm chí hàng trăm tỉ đồng tùy theo quy mô nhỏ hay lớn. Vị chuyên gia này cũng khẳng định hiện có rất ít doanh nghiệp dệt nhuộm trong nước có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường của đối tác. “Trước đây khi đầu tư, các doanh nghiệp trong nước thường có suy nghĩ cái nào không làm thì... đỡ tốn kém, nên bây giờ càng gặp khó. Không đầu tư bổ sung sẽ không xuất được hàng, nhưng nếu đầu tư thì chi phí đội lên, giá thành sản phẩm tăng, khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước chắc chắn sẽ giảm” - vị này nói.

Ngay cả với Vinatex, dù đang nắm trong tay khá nhiều doanh nghiệp hàng đầu của toàn ngành, nhưng số doanh nghiệp dệt nhuộm đáp ứng được các tiêu chuẩn mới của nhà nhập khẩu cũng chỉ đếm chưa đủ hai bàn tay, do chi phí đầu tư cho vấn đề xử lý ô nhiễm rất lớn trong khi tiềm lực tài chính còn rất hạn chế. Với doanh nghiệp ngành may, việc đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất tinh gọn, giữ môi trường lao động thông thoáng, ngăn nắp, sạch sẽ theo tiêu chuẩn 5S-7S..., dù chi phí đầu tư không quá lớn nhưng cũng gây không ít áp lực với các doanh nghiệp. Bởi lẽ, những nhà nhập khẩu từ Nhật Bản thường xuyên sang kiểm tra ở những doanh nghiệp VN mà họ có đặt hàng.

Theo ông Trần Quang Nghị - tổng giám đốc Vinatex, trong thời gian chờ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, nếu đã xác định Mỹ, Nhật cùng các quốc gia trong TPP là thị trường chiến lược, “thì đây sẽ là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp thay đổi và chuẩn hóa lại các tiêu chuẩn còn thiếu của mình, nếu muốn có một tương lai phát triển bền vững. Vì nó đã là xu thế gần như bắt buộc”.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên