Nhiều người có thói quen uống nước là phải có đá, đặc biệt là các loại nước giải khát như bia, nước ngọt, thời tiết lạnh cũng dùng nước đá và thời tiết nóng càng phải dùng nhiều nước đá hơn. Nước đá ngoài việc dùng trong giải khát còn dùng để giữ lạnh, giữ tươi cho thực phẩm. Việc sử dụng nước đá hiển nhiên trở thành một phần tất yếu không thể thiếu trong cuộc sống của người dân.
Đặc tính của nước đá là lạnh, khi khát uống nước đá lạnh sẽ giúp làm giảm cơn khát nhanh tương tự như khi ta ăn kem, tuy nhiên đó chỉ là cảm giác còn trên thực tế nhiệt độ thấp của nước đá lạnh chỉ gây cảm giác tê tê làm mất nhanh sự khô cổ, làm giảm cảm giác khát tức thì chứ hoàn toàn không làm giảm thân nhiệt do nhiệt độ dưới da không thay đổi. Ít ai biết rằng khi khát uống nước ấm hoặc hơi nóng sẽ làm giảm cơn khát hơn.
Nếu lạm dụng uống nước đá thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, vì đặc tính lạnh của nước đá sẽ làm ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng như thận, phổi, dạ dày… lâu dần sẽ làm các bộ phận này suy yếu, gây ra các bệnh như suyễn, viêm dạ dày, viêm họng, viêm phế quản, viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, thấp khớp, hư men răng, nhức đầu, bệnh đường ruột…
Uống nước đá không chỉ làm tăng nguy cơ viêm họng mà khi gặp lạnh, sẽ làm co mạch máu, giảm máu đi nuôi niêm mạc, ảnh hưởng tiêu hóa, kích thích đường ruột, làm cho nhu động đường ruột có thể tăng nhanh, có thể dẫn đến co thắt ruột mà gây ra đau bụng, tiêu chảy.
Người ta chỉ nghĩ đơn giản rằng: nước đá lạnh, mát giúp giải khát và đem lại cảm giác sảng khoái hơn và nhiều người cho rằng trong môi trường đá lạnh các loại vi khuẩn sẽ chết nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Ban đầu đặc tính lạnh của đá sẽ chỉ làm ngưng hoạt động của các loại vi khuẩn hay nói cách khác chỉ làm cho vi khuẩn ngủ yên chứ không chết, khi đá rã (tan) ra, các loại vi khuẩn sẽ hoạt động trở lại, sinh sôi, nảy nở nhanh chóng và hoạt động càng mạnh hơn, thực phẩm sẽ dễ bị hư hơn, người uống nước đá có thể mắc bệnh hoặc dịch bệnh như lỵ, thương hàn, tả…
Một yếu tố khách quan khác để chúng ta phải lưu tâm khi sử dụng nước đá, đó là chất lượng của chúng. Thực tế ít ai nắm được nguồn gốc và cách thức làm nước đá như thế nào, do đó sẽ không biết gì về chất lượng nước đá mà mình đã và đang sử dụng.
Các cơ sở làm nước đá hiện nay khá nhiều, cở sở lớn thì ít, cở sở nhỏ lẻ thì nhiều, do đó việc kiểm soát chặt chẽ quy trình vệ sinh là điều khó thực hiện. Hiện nay đa số các cơ sở vẫn sản xuất đơn giản theo kiểu lấy nguồn nước từ nước giếng thậm chí nước sông hay nước ao, xử lý sơ bộ, cho chảy qua các vật liệu lọc như cát sỏi, than, thậm chí còn lấy trực tiếp không qua xử lý… rồi cấp vào hệ thống làm đá.
Chất lượng nước đá lại càng không đảm bảo khi đến tay người tiêu dùng vì trong quá trình vận chuyển thành phẩm được chứa đựng trong các dụng cụ không đạt yêu cầu vệ sinh, không được che đậy cẩn thận. Càng đáng lo ngại hơn cho chất lượng nước đá với hiện trạng ô nhiễm bề mặt các con sông, ao, hồ; bề mặt nguồn nước ngầm nhiễm bẩn như hiện nay.
Uống nước đá trở thành một thói quen khó bỏ, vì vậy việc bỏ thói quen này là điều không dễ, tuy nhiên cần phải biết và có những biện pháp giảm thiểu tác hại của vấn đề này, như hạn chế hết mức thói quen uống nước đá thường xuyên, những khi muốn uống nên uống nước đá tự làm bằng nước đun sôi để nguội hoặc từ nguồn nước đã được khử khuẩn đúng tiêu chuẩn và biết nguồn gốc rõ ràng.
Ngoài nước đá lạnh thì trong những ngày nắng nóng, nhiều người, nhất là trẻ em rất thích ăn kem bởi vì kem mang lại sự sảng khoái, niềm vui khi ăn chúng, nhưng nếu ăn quá nhiều kem cũng có thể gây bất lợi cho sức khỏe:
- Trong thành phần của kem chứa khá nhiều đường, các chất béo và phẩm màu khác nhau nên thay vì giúp cơ thể hạ nhiệt, chúng còn làm tăng thân nhiệt.
- Ăn kem lạnh còn làm ảnh hưởng “xấu” đến răng, đặc biệt là nếu ăn xong rồi lại ăn uống thức nóng ngay làm men răng bị nứt, hỏng.
- Có thể bị viêm họng, đau họng, cảm lạnh ngay giữa mùa hè nếu bạn ăn nhiều kem trong lúc nắng nóng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận