Phóng to |
Sản xuất... cạnh nhà vệ sinh!
Trong vai người đi mua hệ thống làm đá viên tinh khiết, chúng tôi tìm đến một cơ sở vừa sản xuất vừa dẫn mối máy móc trên đường Láng. Một bộ máy công suất 5 tấn/ngày đêm giá 290 triệu đồng, 3 tấn giá 240 triệu đồng. Người đại diện cơ sở này còn dẫn chúng tôi xuống xem hệ thống lọc “đạt chuẩn”.
Hai chiếc bình cao khoảng 2m đặt song song... ngay trước cửa khu vệ sinh được ngăn bằng một tấm liếp mỏng. Chị chủ nhà nói có hai bộ lọc nhưng cơ sở chỉ dùng một, cái còn lại để... trưng bày vì “nước máy là nước đã qua lọc từ nhà máy rồi”.
Chị còn “bật mí” thêm, máy lọc này đòi hỏi phải dùng muối sinh học thay 3-6 tháng một lần, mất khoảng 100.000 đồng, nhưng người làm đá hoàn toàn có thể “triệt tiêu” chi phí này bằng cách thả muối thường vào là xong (?).
Ban đầu cơ sở này khăng khăng 100% đá tinh khiết ở đây được làm từ nước máy có lọc. Vì nếu dùng nước giếng khoan chắc chắn sẽ “lộ hàng” ngay, đá không trong, tinh ý sẽ phát hiện mùi tanh nữa.
Nhưng đến khi thấy chúng tôi chần chừ không biết có nên mua máy hay không vì lo khu vực đặt máy nước phập phù, phải dùng bù cả nước giếng khoan, cậu thanh niên suốt nãy giờ hùng hục bê đá, xay đá dẫn ngay chúng tôi vào phòng lạnh -5OC lấy ra hai bọc đá 5kg đóng gói chẳng khác gì nhau để trấn an: “Chị yên tâm mà mua máy đi, nước giếng khoan đấy. Cứ 4-5 tiếng một mẻ thì đá lại trong veo và chẳng có mùi gì!”.
Bụi bặm bám vào
Ông Nguyễn Việt Cường, phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết trên địa bàn thành phố hiện có đến hàng trăm cơ sở sản xuất đá cây, nước giải khát. Tuy nhiên, chỉ có 17 cơ sở đăng ký sản xuất cả đá cây, đá sạch có đăng ký chất lượng và thuộc quyền quản lý của sở.
Thanh tra từ đầu năm đến nay mới phát hiện hai cơ sở làm đá vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. “Nhưng họ chỉ vi phạm điều kiện vệ sinh ngoại cảnh. Chủ yếu là không có điều kiện bảo hộ, không găng tay. Còn đá thành phẩm lấy mẫu đi kiểm tra chất lượng vẫn khớp so với đăng ký”.
Theo ông Cường, mất vệ sinh về chất lượng đá phần nhiều là do quá trình vận chuyển, bụi đường, bụi xe bám vào và do các đại lý bán đá lẻ không đủ điều kiện đảm bảo chỉ số an toàn ban đầu của đá.
Cốc trà đá, ly nước mía ngoài đường có thể dính vi khuẩn, nhưng sở không thể lấy mẫu kiểm tra được vì có khi không phải do đá mà do khâu vận chuyển, do ly, cốc mất vệ sinh. Ông khuyến cáo người dân nên chủ động chọn dùng đá tinh khiết để bảo đảm an toàn, vì đá cây chỉ đủ tiêu chuẩn để ướp lạnh bảo quản thực phẩm và dùng để làm lạnh cho dễ chạm khắc một số vật liệu.
Khi chúng tôi đặt vấn đề vẫn có những cơ sở sản xuất đá không bảo đảm vệ sinh, sử dụng nước giếng khoan không đúng tiêu chuẩn..., ông Cường khẳng định: dù là đá ướp lạnh hay đá tinh khiết đều phải sử dụng nước máy. Trường hợp dùng nước giếng khoan cho đá ướp lạnh thì phải lọc thật kỹ theo những tiêu chuẩn chặt chẽ.
Tuy vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều khu vực ở đường Minh Khai, Vĩnh Tuy..., các cơ sở sản xuất đá cây chỉ có một nguồn nguyên liệu duy nhất: nước giếng! Một chị bán quán nước trên đường Minh Khai cười nhạt khi tôi hỏi về nguồn gốc nước đá: “Cả vùng này dùng giếng khoan lấy đâu nước máy làm đá. Cho vào trà thì cũng một màu vàng cả, có ai hỏi han, vặn vẹo gì đâu”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận