Ông Obama nhấn mạnh một lần nữa cam kết với người dân Mỹ: “Tôi sẽ không để lính Mỹ đặt chân xuống Syria. Tôi sẽ không đeo đuổi một hành động dẫn tới cùng kiểu Iraq hay Afghanistan hoặc một chiến dịch không kích kéo dài như ở Libya hay Kosovo”.
Phóng to |
Người dân Syria được chấp nhận cho tị nạn vào Thổ Nhĩ Kỳ sáng 11-9 - Ảnh: Reuters |
So phát biểu này với phát biểu cách đây hơn hai năm là “Đã đến lúc Tổng thống Assad bước qua một bên” cũng của ông Obama (hôm 18-8-2011), có thể thấy ông Assad sẽ... an toàn ở lại sau khi giao nộp vũ khí hóa học theo một đề xuất từ phía Nga.
“Yếu tố Nga” đã định đoạt số phận ông Assad, không chỉ trong lúc này mà từ mấy năm nay. Những cự tuyệt liên tiếp của Nga ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trước bất kỳ dự thảo nghị quyết nào đòi trừng phạt Syria, đều không chỉ “bằng lời” mà còn được minh chứng bằng những chuyển động quân sự cùng những lần cung cấp vũ khí cho Syria (và Iran).
Chẳng hạn, cuối tuần này siêu chiến hạm Matxcơva - được giới chuyên môn gọi là “sát thủ của tàu sân bay” - sẽ đến Syria, góp mặt với năm chiến hạm khác của Nga đã lởn vởn tại đây. Sự xuất hiện này của hải quân Nga không chỉ để bảo vệ Syria, mà là trong kế hoạch phải trở lại Địa Trung Hải cùng Trung Cận Đông sau 20 năm vắng bóng (và cả trên Thái Bình Dương).
Trong thế trận đó, cùng với Iran ở vùng Vịnh, Syria chính là đầu cầu của sự “trở lại” này. Nếu biết rằng Nga đã xóa 9,8 tỉ USD trên tổng số 13,4 tỉ USD nợ cho Syria vay, thì có thể hiểu tại sao nay quân cảng Tartus của Syria lại trở thành một căn cứ hậu cần thường trực của hải quân Nga, mà theo tư lệnh hải quân Nga Vladimir Vysotsky từng hé lộ rằng “căn cứ này có khả năng tiếp nhận các tàu tuần dương và cả tàu sân bay”.
Từ đó, có thể hiểu tại sao dù đã xảy ra những vụ đàn áp năm 2011, Nga vẫn cung cấp đến 1 tỉ USD vũ khí cho ông Assad, từ những máy bay tấn công hạng nhẹ Yak-130 rẻ tiền, có thể không đủ sức đương đầu không quân Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ nhưng thừa đủ để dập các ổ kháng cự của phe nổi dậy, đến các hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2E có khả năng tiêu diệt tên lửa hành trình, các loại bom chính xác, máy bay các loại và hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P. Tất nhiên, theo Igor Korotchenko - giám đốc Trung tâm phân tích thương mại vũ khí (WATAC), “hệ thống Bastion ở Syria là để bảo vệ căn cứ Tartus của hải quân Nga”!
Nhưng chừng đó thôi cũng đủ để khống chế hoạt động của hải quân Mỹ và NATO trên phần phía đông của Địa Trung Hải. Do lẽ đây là những vũ khí đã được “thử lửa”. Trong cuộc chiến tranh chớp nhoáng Gruzia - Nga tháng 8-2008, tên lửa Buk-M2E của phe ly khai Abkhaz thân Nga đã bắn hạ bốn máy bay không người lái của Gruzia. Ngược lại, cũng các tên lửa này của Gruzia đã bắn hạ ba chiếc Sukhoi Su-25 và một máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-22M của Nga. Còn hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion với tên lửa đối hạm Yakhont có tầm bắn 300km, theo Igor Korotchenko, “hiện tại không một loại tên lửa phòng không trang bị trên các tàu chiến có thể bắn hạ tên lửa Yakhont”.
Tất nhiên, vào lúc ông Assad đang bị cáo buộc đã sử dụng hơi độc sát hại thường dân, phía Nga cũng không muốn để mang tiếng là bao che, nên một mặt yêu cầu bằng chứng rõ rệt, một mặt đề xuất “thôi được, để tụi tui biểu Assad nộp vũ khí hóa học”! Một “lối ra” trong danh dự cho Mỹ, một “quyền lưu cư” trong danh dự cho Nga và cũng là một hợp đồng “bảo hiểm nhân thọ” cho ông Assad.
Cuộc nội chiến Syria, bất quá chỉ là cuộc chạm trán mà các “ông lớn” “ủy quyền” cho các “chú em”. Tiếc rằng trong cuộc chiến đó, người dân Syria vô tội cũng như cuộc đấu tranh chính trị năm 2011 chẳng là gì cả!
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận