Lúc đó, lãnh đạo tỉnh này nói đây là địa phương thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Nhiều xã ở Thuận Nam phải dừng gieo trồng trên diện rộng từ năm 2014 đến nay.
Trong mỗi phần quà trị giá gần 700.000 đồng bạn đọc Tuổi Trẻ tặng bà con gồm: gạo, nhu yếu phẩm, tiền mặt... có món quà đặc biệt là một thùng nước. Hôm đó, đi trên những con đường “gió như phang, nắng như rang” ở huyện Thuận Nam, chúng tôi và các cán bộ Tỉnh đoàn Ninh Thuận đều đau đáu về chuyện thiếu nước của người dân. Rồi cùng bàn làm sao đưa nước sinh hoạt đến cho bà con, trong đó có cả phương án thuê xe bồn chở nước đi phát cho dân.
Dài dòng như vậy để thấy rằng tại vùng đất mà HSG chuẩn bị xây nhà máy thép đang “đói” nước trầm trọng như thế nào. Không chỉ nước cho trồng trọt, chăn nuôi mà nước sinh hoạt tối thiểu cũng thiếu gay gắt.
Vậy nên, không khỏi giật mình trước việc Ninh Thuận, trong văn bản gửi các bộ ngành trung ương, đã “quyết tâm” đảm bảo đủ nước cho HSG sản xuất thép. Trong khi dân trong vùng dự án đến cả nước sinh hoạt còn thiếu thì việc tỉnh này quả quyết cung cấp đủ hàng chục ngàn mét khối nước/ngày đêm để sản xuất thép là điều phải suy nghĩ. Bởi trên giấy tờ, tỉnh nói đảm bảo nước cho sản xuất thép, còn trên thực tế đã ba năm qua hạn hán kéo dài và người dân nơi đây đang khô khốc vì “đói” nước.
Đúng là đang có nhiều công trình, dự án được triển khai để đưa nước từ nơi khác về. Nhưng dù có xây thêm hồ đập, chặn dòng tích nước hay nỗ lực xoay chuyển lớn đến mức nào thì nước cũng chỉ có bấy nhiêu thôi. Nước ở đây khan hiếm, chỉ riêng dùng cho sinh hoạt của người dân, sản xuất nông nghiệp còn chưa đủ thì san sẻ cho ai?
Vậy thì chia nước thế nào, bớt ai để có phần dành cho nhà máy thép? Rồi chưa kể đến tình huống xấu nhất là hạn hán kéo dài, nước về không đủ thì lúc đó phải tính làm sao? Bớt nước cho trồng trọt, sinh hoạt của dân dồn cho nhà máy thép hay ngược lại? Chọn cách nào cũng không ổn.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đang nỗ lực để có được những cơ sở công nghiệp, trong đó có dự án thép. Nhưng người dân vùng hạn Ninh Thuận rất vui nếu lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng sốt sắng, hành động quyết liệt để đưa nước về cho dân như cách mà tỉnh đã làm với HSG, thậm chí có được cam kết lo đủ nước cho dân phục vụ sinh hoạt và sản xuất thì hay biết mấy.
Chắc chắn, thời gian qua, chính quyền Ninh Thuận cũng đã “lao tâm khổ tứ” để lo nước cho dân. Nhưng tiếc rằng trên thực tế, nhiều người dân vùng này vẫn chưa đủ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Nước ở vùng hạn Ninh Thuận cũng như chiếc chăn chỉ đủ đắp một người mà kéo đầu này thì hụt đầu kia. Chiếc chăn đó không thể “khéo co thì ấm”. Nếu phải co kéo thì ai sẽ co: doanh nghiệp hay người dân? Chính quyền tỉnh phải tính cho vẹn cả đôi đường. Chắc phải là ưu tiên cho dân “ấm” chứ đừng bắt dân phải “co” để doanh nghiệp “ấm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận