23/07/2021 09:07 GMT+7

Nước Anh tiệm tiến Biển Đông

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Nước Anh đang "nghiêng chiến lược" sang khu vực Đông Á, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự tại khu vực. Giới phân tích tin rằng vẫn còn nhiều lý do phía sau.

Nước Anh tiệm tiến Biển Đông - Ảnh 1.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tập trận chung với tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu tấn công đổ bộ USS Iwo Jim của Mỹ tại vịnh Aden vào ngày 12-7 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Một loạt tín hiệu đáng chú ý đã được các lãnh đạo quốc phòng Anh phát đi tuần này. Tại Hawaii (Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace xác nhận nhóm tàu sân bay Anh sẽ tập trận cùng 7 quốc gia khác trên biển Philippines. Trong chuyến thăm sau đó tại Nhật, ông Wallace thông báo Anh sẽ triển khai 2 tàu chiến thường trực tại châu Á.

Thông điệp tới Trung Quốc

Giới chức Anh luôn nhận thức rõ việc Anh tăng hiện diện quân sự tại khu vực Đông Á sẽ bị Trung Quốc phản đối. Tại Đông Bắc Á, Bắc Kinh đang tranh chấp với Nhật quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Xa hơn về phía nam, Trung Quốc đang đưa ra yêu sách hàng hải vô lý trên Biển Đông và ngang nhiên tranh chấp lãnh thổ với các nước Đông Nam Á. Với những tiến bộ quân sự và sức mạnh kinh tế, Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán và lấn lướt trên cả hai khu vực.

Trong bối cảnh đó, việc Anh đưa tàu chiến đến Đông Á, như một số người bi quan ví von, chẳng khác nào "đụng ổ kiến lửa". Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã làm rõ quan điểm trong cuộc phỏng vấn với tờ The Times vào ngày 20-7. Ông nhấn mạnh nước Anh "có nghĩa vụ" duy trì quyền tự do hàng hải và Trung Quốc sẽ không xua đuổi được Anh ra khỏi các vùng biển quốc tế. "Anh cam kết hiện diện lâu dài hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Bộ Quốc phòng Anh nhấn mạnh trong thông cáo ngày 20-7.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Nguyễn Thế Phương (khoa quan hệ quốc tế Trường đại học Kinh tế tài chính TP.HCM) nhận định sự hiện diện của Anh sẽ không làm thay đổi quá nhiều cán cân quân sự tại khu vực. Tuy nhiên, động thái này mang ý nghĩa và thông điệp lớn, đánh dấu sự xuất hiện của một nhân tố mới trong các vấn đề khu vực.

Theo ông Phương, việc Anh đến Đông Á một mặt sẽ giảm gánh nặng cho Mỹ, mặt khác tăng cường thêm liên minh tình báo Ngũ Nhãn và phù hợp với tầm nhìn "Nước Anh toàn cầu", bao gồm kế hoạch gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Phó giáo sư Cheung Mong, thuộc Đại học Waseda (Nhật Bản), cũng chia sẻ quan điểm Anh muốn chứng minh năng lực với các nước CPTPP trong bài viết trên báo South China Morning Post.

Không ngạc nhiên khi truyền thông Trung Quốc tìm cách hạ thấp ý nghĩa động thái của Anh. Thời báo Hoàn Cầu trích ý kiến chuyên gia cho rằng nhóm tàu sân bay của Anh không thể tạo ra đe dọa quân sự với Trung Quốc. Nhưng tờ báo này cũng thừa nhận hành động của Anh "tạo ra mối đe dọa chính trị". Nhà bình luận quân sự Trung Quốc, ông Song Zhongping, lo ngại Úc hoặc Canada có thể noi theo Anh và thành lập nhóm tàu chiến thường xuyên hoạt động trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Thận trọng thăm dò

Theo kế hoạch Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo tại Hawaii và Tokyo, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ băng ngang Biển Đông và hội quân với 6 nước khác tập trận trên biển Philippines vào tháng 8 trước khi đến Nhật Bản.

Sau nhóm tàu sân bay, Anh sẽ triển khai hai tàu tuần tra xa bờ của hải quân là HMS Spey và HMS Tamar tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ cuối tháng 8. Trong thời gian đó các tàu này sẽ không đồn trú tại một nơi cố định và sẽ "được hỗ trợ từ các đối tác bao gồm Úc, Nhật Bản và Singapore", theo Bộ Quốc phòng Anh.

Thạc sĩ Lục Minh Tuấn, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) tại TP.HCM, cho biết Quỹ Đầu tư quốc phòng Anh nhận 16,5 tỉ bảng Anh trong năm 2020 và sẽ được bổ sung 24 tỉ bảng cho 4 năm tới. "Nước Anh dường như đã sẵn sàng năng lực tài chính cho các hoạt động dài hạn ở châu Á trong ngắn hạn và trung hạn", ông Tuấn nhận định với Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, theo ông, Anh vẫn chọn cách tiệm tiến thay vì triển khai ồ ạt, với khởi đầu chỉ là hai tàu thuộc loại OPV mà không phải tàu khu trục hay khinh hạm.

"Để đảm bảo thông điệp ôn hòa cho sự tăng cường hiện diện, nước Anh đã phát đi một số tín hiệu hạ nhiệt cho căng thẳng Anh - Trung, chẳng hạn lộ trình của nhóm tàu sân bay tránh các điểm nhạy cảm ở Biển Đông và không đi qua eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, với tâm thế lo ngại về sự hiện diện cùng lúc từ đông đảo các cường quốc bên ngoài, Trung Quốc chắc chắn sẽ bỏ qua những dấu hiệu này. Tình hình Biển Đông sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều diễn biến phức tạp trong giới hạn cạnh tranh - đối trọng", ông Tuấn dự báo.

Anh chia sẻ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông

Ngày 22-7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đại tướng Phan Văn Giang, tại trụ sở Bộ Quốc phòng (Hà Nội). Theo TTXVN, ông Wallace đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không và thượng tôn pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Hai bên thống nhất trong thời gian tới sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam ủng hộ Anh tham gia Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).

Lãnh đạo Việt Nam, Philippines bàn về Biển Đông và phối hợp tiếp cận vắc xin COVID-19 Lãnh đạo Việt Nam, Philippines bàn về Biển Đông và phối hợp tiếp cận vắc xin COVID-19

TTO - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 19-7 hoan nghênh và đánh giá cao đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính liên quan đến tiếp cận bình đẳng nguồn vắc xin COVID-19.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Biển Đông nước Anh