Đeo khẩu trang ở Anh hầu như không còn bắt buộc sau khi các biện pháp phòng dịch được dỡ bỏ - Ảnh: REUTERS
Tháng trước, Chính phủ Anh hứa sẽ kích hoạt "kế hoạch B" nếu dữ liệu cho thấy hệ thống Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) sắp chịu áp lực quá mức. Các chuyên gia nói thời điểm cho việc đó chính là lúc này.
Theo các quan chức thuộc Liên đoàn NHS, các bệnh viện đang chứng kiến số bệnh nhân COVID-19 gia tăng đáng lo ngại giữa lúc họ đang chuẩn bị cho một mùa đông bận rộn (nhiều người mắc bệnh), nhân viên y tế thì gần kiệt sức, trong khi nhiều dịch vụ khám chữa bệnh bị dịch làm gián đoạn cần phải phục hồi.
Theo Đài CNBC, Anh hiện ghi nhận 40.000-50.000 ca COVID-19 mỗi ngày, ca nhập viện và tử vong tăng dần mặc dù với tốc độ chậm hơn hồi đầu dịch nhờ có vắc xin. Trong 28 ngày qua có 223 ca tử vong mới.
Tại sao ca nhiễm ở Anh tăng quá cao?
Các biện pháp chống dịch ở Anh được dỡ bỏ vào ngày 19-7, quán rượu, nhà hàng và hộp đêm được mở cửa trở lại. Trừ những lúc như sử dụng phương tiện công cộng, đeo khẩu trang không còn bắt buộc mà chỉ là lựa chọn của mỗi cá nhân.
Thủ tướng Boris Johnson nhiều lần nhấn mạnh, áp dụng lại giãn cách là phương án cuối cùng khi không còn lựa chọn, và nước Anh phải học cách sống chung với virus. Tỉ lệ nhập viện và tử vong hiện nay thấp hơn những đỉnh dịch trước là lý do chính phủ Anh vẫn án binh bất động.
Tuy vậy, ca nhiễm tăng quá cao cũng làm nhiều người lo lắng.
Các chuyên gia liệt kê ra vài lý do dẫn đến bùng dịch ở Anh, từ thói quen ít dùng khẩu trang cho đến các sự kiện tụ tập đông người trong nhà dễ khiến virus lây lan. So với các nước khác, Anh còn ngần ngại tiêm chủng cho trẻ em, dẫn đến ca nhiễm tăng vọt sau mùa tựu trường tháng 9 vừa rồi.
Hiện nay ca nhiễm trong nhóm tuổi 0-18 đã giảm, nhưng lây nhiễm bắt đầu gia tăng trong thế hệ cha mẹ chúng.
Còn một lý do khách quan khác, do Anh bắt đầu tiêm chủng sớm, từ hồi tháng 12-2020, nên hiện tại mức đề kháng trong một bộ phận dân chúng đã giảm (sau 6 tháng). Tính đến nay đã có 78,9% dân số Anh trên 12 tuổi được tiêm ngừa đầy đủ.
Vì nhiều lý do, liên đoàn bác sĩ Anh cho rằng đây là lúc nên cảnh báo cho công chúng mức độ rủi ro đã tăng, cần áp dụng một số biện pháp kiểm soát tương tự các nước láng giềng châu Âu, ví dụ thẻ xanh vắc xin, bắt buộc đeo khẩu trang, khuyến cáo làm việc tại nhà nếu có thể...
"Bây giờ là giữa tháng 10, mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn. Dịch vụ y tế đang căng thẳng... nếu các ông trì hoãn chúng tôi sẽ không thể chăm sóc bệnh nhân tốt được", ông Matthew Taylor, lãnh đạo Liên đoàn NHS, cảnh báo.
Biến thể mới
Trong một diễn biến khác, các nhà khoa học Anh đang theo dõi sát một biến thể mới của chủng Delta lần đầu xuất hiện. Thứ sáu tuần trước, Bộ Y tế Anh công bố AY.4.2 - biến thể mang đột biến mới từ chủng Delta - đang lây lan ở Anh.
Việc hậu duệ của Delta xuất hiện ngày càng nhiều trong các mẫu xét nghiệm ở Anh làm dấy lên nghi ngờ rằng nó có thể đóng vai trò trong đợt bùng dịch này, mặc dù còn khá sớm để đi đến kết luận.
"AY.4.2 có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Nó chứa đột biến gai A222V và Y145H. Trong tuần lễ từ ngày 27-9, biến thể này chiếm khoảng 6% các mẫu phân tích. Đánh giá này có thể chưa chính xác, các nghiên cứu đang được tiến hành", Bộ Y tế Anh cho biết.
Trả lời Đài Sky News, người phát ngôn Thủ tướng Anh cho biết đang theo dõi sát AY.4.2, và hiện chưa có bằng chứng cho thấy nó dễ lây hơn chủng "Delta mẹ".
Bác sĩ Scott Gottlieb, cựu lãnh đạo FDA của Mỹ, chia sẻ ý kiến về diễn biến mới này: "Anh báo cáo số ca nhiễm cao nhất trong 3 tháng giữa lúc chủng Delta mới (AY.4) đã chiếm đến 8% số mẫu xét nghiệm. Chúng ta cần khẩn trương nghiên cứu liệu biến thể này có dễ lây hơn không, có khả năng tránh né hệ miễn dịch?".
Giáo sư Danny Altmann, Trường Imperial College London, cũng nêu một số băn khoăn: "Vì chủng Delta đã chiếm ưu thế ở nhiều nơi trong suốt 6 tháng qua mà không bị chủng khác lật đổ, có hy vọng rằng Delta có lẽ là 'đỉnh đột biến' của virus. Nhưng sự xuất hiện của AY.4 đang làm lung lay giả thuyết này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận