03/01/2019 06:19 GMT+7

Núi lửa xuất hiện vết nứt mới, Indonesia kêu gọi người dân cảnh giác sóng thần

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Chính quyền Indonesia kêu gọi người dân sống ở khu vực lân cận núi lửa Anak Krakatau cảnh giác đề phòng trường hợp các mảng đất đá trên ngọn núi này sạt lở xuống biển gây ra sóng thần sau khi xuất hiện các vết nứt trên sườn núi.

Núi lửa xuất hiện vết nứt mới, Indonesia kêu gọi người dân cảnh giác sóng thần - Ảnh 1.

Núi lửa Krakatau xuất hiện 2 vết nứt mới khiến Indonesia lo ngại có thể có thêm trận sóng thần khác - Ảnh: REUTERS

Người đứng đầu cơ quan Địa vật lý và Khí tượng Indonesia (BMKG), tiến sĩ Dwikorita nói với các phóng viên ngày 2-1 rằng: "Dĩ nhiên chúng tôi hi vọng rằng sự việc sẽ không xảy ra như ngày 22-12 nhưng chúng tôi yêu cầu người dân cảnh giác khi họ ở trong khu vực 500m quanh bờ biển".

Vào ngày 22-12, một mảng của núi lửa Anak Krakatau đã rơi xuống biển và gây ra trận sóng thần cao 5m càng quét qua các khu dân cư đông đúc trên đảo Java và Sumatra.

Tiến sĩ Dwikorita cho biết 2 vết nứt xuất hiện sau khi núi lửa Krakatau giảm độ cao từ 338m xuống còn 110m sau các đợt phun trào.

"Từ lần cuối chúng tôi quan sát bầu không khí, ngọn núi đang nghiêng dần và khói bốc lên từ bên dưới mặt nước biển. Và trên sườn núi chúng tôi có thể thấy các vết nứt tiếp tục tỏa khói ra xung quanh. Vết nứt chắc chắn rất sâu chứ không như bình thường" - bà Dwikorita nhận định.

Hai vết nứt sâu lại nằm gần nhau trên núi lửa Krakatau khiến BMKG lo ngại. "Điều chúng tôi lo lắng là nếu có một vụ phun trào khác, các vết nứt có thể kết nối với nhau và khiến một phần của ngọn núi sụp đổ lần nữa" -bà Dwikorita thông tin thêm.

Tờ Straits Times cho biết tuy các vết nứt mới xuất hiện nhưng hoạt động của núi lửa Krakatau đã giảm dần. Chính quyền Indonesia vẫn đang giám sát chặt chẽ tình hình xung quanh núi lửa này.

Tuần trước BMKG đã lắp đặt 6 máy đo địa chấn dành riêng để giám sát hoạt động của núi lửa Krakatau. Tiến sĩ Dwikorita nói rằng các cảm biến sóng và lượng mưa cũng đã được lắp đặt trong ngày 1-1 để đánh giá tác động của các đợt phun trào lên chiều cao các con sóng.

Trong khi đó Bộ Giao thông vận tải Indonesia vẫn đang theo dõi tro bụi từ núi lửa Krakatau để quyết định các tuyến đường bay an toàn.

Tổng thống Joko Widodo đã đến Lampung trên đảo Sumatra trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Đây là một trong những khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất trong trận sóng thần khiến hơn 430 người thiệt mạng hồi cuối năm ngoái.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên