20/10/2020 08:42 GMT+7

Núi đổ xuống, những gia đình tan vỡ trong lũ miền Trung

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Chẳng thể đong đếm được nỗi đau đụng trời thấu đất của gia quyến 22 quân nhân Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 vừa hi sinh ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị trong cơn lũ lịch sử ở các tỉnh miền Trung.

Núi đổ xuống, những gia đình tan vỡ trong lũ miền Trung - Ảnh 1.

Chị Thiều Thị Phương Nhung - vợ thượng úy Trần Quốc Dũng - bật khóc khi nhìn thấy đoàn xe chở thi thể các cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 tại Hướng Hóa về tới TP Đông Hà (Quảng Trị) vào sáng 19-10 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hôm qua 19-10, người thân đã khóc nức nở khi những chiếc xe cứu thương đưa con, chồng, cha, anh mình từ miền biên giới về TP Đông Hà.

Nỗi đau đụng trời thấu đất

Hôm nay 20-10, nhiều phụ nữ sẽ được tặng quà hoặc lời chúc của chồng, con dành cho mình nhưng hôm qua 19-10, tại nhà thi đấu thể thao đa năng tỉnh Quảng Trị, các người mẹ, người vợ những quân nhân hi sinh ở miền biên giới Hướng Phùng chỉ mong được vào viếng tang chồng, con. Họ chẳng có niềm vui nào trong ngày tôn vinh mình. Chỉ có nỗi đau đang ngự trị.

Dọc tuyến đường Trường Chinh, TP Đông Hà chẳng có lấy một nụ cười, ai cũng đang hướng đôi mắt mình về phía trong nhà thi đấu. Chị Lê Thị Thủy - vợ quân nhân Lê Cao Cường - đến chờ chồng từ rất sớm. Khi xe cứu thương chở các quân nhân rẽ từ đường Hùng Vương vào, chị Thủy đã gào khóc, lao theo xe cứu thương gọi tên chồng. 

Chị Thủy kể cuộc đời quân ngũ chồng ở đơn vị nhiều hơn ở nhà, nhưng anh Cường luôn cố gắng sắp xếp chu toàn. Không có ngày 20-10 nào anh quên gửi những lời chúc khi phải ở đơn vị làm nhiệm vụ. Còn khi được nghỉ phép về nhà, anh sẽ tự tay tặng vợ một bó hoa và những món quà chúc mừng... "Có lần vào ngày 20-10, anh Cường cảm ơn tôi vì đã chịu khó chịu khổ lo cho các con để anh an tâm công tác" - chị Thủy nghẹn ngào.

Tổ ấm của chị Châu Lệ Huyền và quân nhân Lê Hương Trà cách Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 đóng quân không xa. Hôm hay tin, chị chạy xe máy lên, nhìn thấy núi đất đổ xuống, lòng chị vỡ nát theo. "21h tối 17-10, anh Trà điện thoại về hỏi thăm vợ con và an ủi chị rằng ngày

20-10 đến anh còn bận đi dọn sạt lở, giúp bà con nên không thể về được. Chị hiểu công việc của chồng nên an ủi ngược lại: Em chỉ cần anh cẩn thận, hết bão lũ về với em là món quà 20-10 lớn nhất rồi" - chị Huyền kể.

Gia quyến của quân nhân Trần Quốc Dũng vừa từ Hà Tĩnh vào đến Quảng Trị đúng lúc xe cấp cứu đưa thi thể các anh trở về. Chị Thiều Thị Phương Nhung, vợ anh Dũng, bám lấy một chiếc xe cấp cứu gào lên: "Anh Dũng ơi", dù chị chẳng biết bên trong xe có phải là chồng mình. 

Cưới nhau 10 năm, chừng ấy thời gian anh Dũng đi công tác, ba bốn tháng mới về nhà một lần, những lời hẹn rồi thất hứa với vợ nhiều lên theo thời gian. Lần gần nhất là bữa cơm chiều trước khi xảy ra vụ sạt lở đất ở xã Hướng Phùng, anh Dũng cũng điện và hẹn chị qua lũ sẽ về và tổ chức 20-10 muộn cho vợ. Đứa con nhỏ của anh chị chỉ mới 3 tuổi, anh lại đi công tác triền miên, bé chưa quen cha nên đợt về nhà vừa rồi chẳng cho bồng. 

Đợt này anh hứa với chị sẽ về nhà lâu hơn để hai cha con thân mật hơn. Rồi anh đi mãi...

Ra quân mua tôn lợp nhà cho mẹ, nhưng...

22 quân nhân hi sinh ở Hướng Phùng có những chiến sĩ còn rất trẻ, họ ra đi khi tuổi đời chỉ mới đôi mươi. Họ chẳng có vợ con đến đưa tiễn, nhưng nước mắt của những người mẹ thật sự khó diễn tả bằng lời.

Bà Trương Thị Quyên - mẹ chiến sĩ Lê Tuấn Anh - từ lúc hay con mất đã mặc kệ căn nhà ở quê đang bị lũ lụt nhận chìm cả mét. Bà cùng người thân chèo mấy lượt đò mới ra khỏi xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, Quảng Trị đến vùng cao ráo, rồi vợ chồng bà lên thẳng biên giới nơi Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 đóng quân chờ con. Hôm nay bà ngược về TP Đông Hà tiếp tục chờ con.

Ngồi trong lán trại dã chiến, bà Quyên nói như vô thức rằng con bà cao lớn vừa tròn 20 tuổi. Mấy hôm trước có điện về nhà nói với mẹ vài tháng nữa sẽ ra quân. "Hắn hứa với tôi là ra quân dư 21 triệu đồng sẽ cho mẹ mua tôn lợp lại mái nhà. Hứa mà không giữ lời với mẹ hả con!" - bà Quyên gào lên mà chẳng biết đang nói với ai, nhưng lời bà đã khiến mọi người bật khóc.

Bà Lương Thị Lý - mẹ chiến sĩ Lê Thế Linh - bảo rằng từ lúc hay tin con hi sinh, căn nhà trong một con hẻm nhỏ ở đường Tôn Thất Thuyết (TP Đông Hà) đã không còn êm đềm. Linh từng nghỉ học sớm, đi khắp nơi làm việc giúp mẹ trang trải những khoản nợ nần. "Tối hôm 17-10, Linh còn điện về hỏi thăm tôi và dặn dò em từ từ vào Đà Nẵng học vì đang lũ lụt, đi nguy hiểm" - bà Lý nghẹn giọng.

Rồi bà Lý kể chiến sĩ Linh nhiều năm qua đi xuất khẩu lao động ở tận Đài Loan, lúc thì qua tận Lào mưu sinh. Làm gì ở đâu cũng tích góp gửi về gia đình. Nhiều lần bà Lý mong con có người yêu, nhưng anh Linh bảo chưa sẵn sàng, khi nào ba mẹ ổn sẽ tính đến chuyện riêng tư. Những lắng lo của con càng khiến nỗi đau của người mẹ lớn hơn...

Hồi chuông vô vọng

Chị Linh - vợ quân nhân Phạm Ngọc Quyết - ngồi ôm con gái. Xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị - nơi chồng đóng quân - chị Linh cũng từng đến. Chị bảo thời tiết trên đó rất lạnh, mùa này càng lạnh hơn. Ngày nào anh điện về hỏi thăm vợ con, chị cũng dặn anh giữ gìn sức khỏe, anh thì luôn rắn rỏi: "Quân nhân bọn anh sức khỏe cường tráng, em khỏi lo. Mấy mẹ con nhớ chăm sóc mình".

Khoảng 1h sáng 18-10 xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp 22 quân nhân, đến 4h sáng cùng ngày chị Linh đã biết thông tin. Chị điện cho anh một số điện thoại không liên lạc được, số còn lại đổ chuông. Dù điện và nhắn tin liên tục anh không trả lời nhưng chị vẫn hi vọng. Nhưng rồi chị tuyệt vọng khi hay tin tối hôm đó anh làm nhiệm vụ, số máy hay dùng mang theo bên người và vùi theo thân xác anh. Số máy còn lại anh để ở bàn làm việc nên cứ đổ chuông mãi...

Hi vọng rồi vô vọng, chị đã khóc rất nhiều, nỗi đau càng dày hơn khi ở quê nhà của anh Quyết ở Quảng Bình lũ đang lên cao, chị không có cách nào thông báo tình hình cho nhà nội vào lúc này. Phía nhà ngoại ở Quảng Trị cũng chìm sâu, phải có canô mới thoát ra khỏi lũ để người nhà đến với anh.

Dân vừa ôm đồ ra khỏi nhà, cả ngọn núi đổ sập xuống Dân vừa ôm đồ ra khỏi nhà, cả ngọn núi đổ sập xuống

TTO - Rạng sáng 18-10, một khối núi bất ngờ ập xuống tại thôn thôn Ganil, xã A Xan (huyện Tây Giang, Quảng Nam) khiên ba căn nhà bị vùi. Vụ sạt lở này xảy ra chỉ ít tiếng sau khi chính quyền cho sơ tán khẩn cấp các hộ gia đình.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên