11/06/2005 22:31 GMT+7

Núi Ấn sông Trà: bắt gặp hồn Nguyễn Cư Trinh

Theo SGTT
Theo SGTT

Không hy vọng tìm lại được 10 danh thắng xưa của vùng đất cũ Cẩm Thành (thành gấm), tên gọi của Quảng Ngãi xưa đã lưu danh sử sách.

EelXhOPL.jpgPhóng to

Trải bao năm lịch sử thăng trầm, những đợt Nam tiến mở đất… cho đến ngày sát nhập vào bản đồ VN, miền đất Quảng đã bao lần thay đổi.

Từ Cẩm Thành đến Cổ Luỹ Châu, Tư Nghĩa phủ, Quảng Nghĩa phủ, Hoà Nghĩa phủ, Quảng Ngãi doanh, Quảng Ngãi trấn, Quảng Nghĩa, Nghĩa Bình (gồm hai tỉnh Bình Định - Quảng Nghĩa) và ngày nay là tỉnh Quảng Ngãi.

Ở thời nào, núi Ân sông Trà cũng là biểu tượng của Quảng Ngãi với địa danh mà cụ Nguyễn Cư Trinh (1714 - 1767) lúc làm trấn phủ ở đây đã gọi tên một trong 10 danh thắng (Cẩm thành thập thắng) của Quảng Ngãi là Thiên Ân Niêm Hà.

Tìm lại dấu xưa…

Từ quốc lộ 1A, ngang địa phận Quảng Ngãi, nhìn lên tả ngạn của sông Trà Khúc, du khách sẽ chiêm ngưỡng được núi Ân. Quả núi hình quả ấn như in dấu ngàn năm xuống dòng sông Trà lững lờ trôi theo dòng lịch sử.

Sông Trà đang mùa cạn nước, tiết lập hạ, khi nắng vừa đủ vàng toả xuống con sông như dát bạc, nước vừa đủ trong xanh để nhìn được cát trắng.

Núi ôm lấy sông, sông lượn lờ quanh núi, cảnh quan hoà quyện tạo nên ấn trời đóng xuống lòng sông, cổ nhân gọi cảnh này là Thiên Ấn Niêm Hà. Năm Minh Mạng thứ 13 (1830), núi được liệt vào hàng danh sơn và ghi vào điển tịch.

Khi "đăng cao" ngoạn cảnh, du khách sẽ khám phá những cảm giác khác của núi sông. Núi Thiên Ân nằm ở huyện Sơn Tịnh.

Men theo con dốc quanh co bằng xe máy, từ đường lộ lên núi khoảng 3 km, du khách sẽ đến đỉnh của ngọn núi Thiên Ấn. Thị xã Quảng Ngãi chỉ còn là mô hình thu nhỏ, khi nhìn từ đỉnh núi.

Con sông Trà Khúc trở thành những nét chấm phá giữa những cánh đồng xanh rì mạ non. Hàng dương liễu buông mình chênh vênh trên triền dốc, quyện vào cơn gió nồm, tấu lên những khúc nhạc yên bình của thiên nhiên.

Du khách có thể ngắm nhìn và hình dung ra 10 danh thắng xưa của đất Cẩm Thành. Nhìn xuống hướng đông có thể thấy cửa Ðại Cổ Lũy, nơi có cảnh đẹp "Cổ Luỹ cô thôn", một thôn nhỏ nằm trên cửa sông Trà Khúc, đây là nơi hợp lưu giữa sông Trà và sông Vệ. Sử cũ chép, nơi này xưa kia quân Chiêm Thành thường đóng đồn ngăn địch.

Giữa đồng lúa xanh tươi, dãy núi Long Ðầu (Long Đầu Hí Thuỷ) với hình ảnh mình rồng uốn lượn giỡn nước nổi lên giữa vùng trời Tây Bắc. Nhìn về hướng nam, núi Thiên Bút với mỹ danh "Thiên Bút phê vân” (Bút trời vẽ mây) hiện lên giữa phố phường tỉnh lỵ.

Phía tây, rặng Thạch Bích (Thạch Bích tà dương) như một bức tường thành trải dài che chắn cho vùng đất này, trong những ngày khói lửa binh đao.

Màu vàng nhạt nắng hoàng hôn trên đỉnh Thiên Ân cũng là hoàng hôn của một đế chế trong quá khứ, triều đại đã kiến tạo nên nền văn minh Chămpa, vương quốc Chiêm Thành.

Người viết cố dò la để tìm những dấu tích còn lại trong 10 danh thắng của đất Cẩm Thành xưa, nhưng vô vọng. Người mau chuyện ở đây, bảo rằng: "Thời gian, chiến tranh đã xoá nhoà tất cả, những cảnh vật này chỉ còn trên thơ ca của những nhân sĩ đất Quảng xưa thôi!".

Cảnh từ bi, hồn chí sĩ

cxk02onq.jpgPhóng to
Khi "mãn nhãn" với giang sơn cẩm tú trên đỉnh Thiên Ấn, lữ khách tản bộ vào ngôi chùa cổ nằm trên đỉnh núi.

Chùa toạ lạc trên núi Thiên Ấn, thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Chùa do thiền sư Pháp Hoá dựng vào năm 1694.

Gắn với chùa có sự tích quả đại hồng chung linh thiêng đúc vào năm 1845 bởi các nghệ nhân của làng đúc đồng Chú Tượng (huyện Mộ Đức). Khi mới đúc ra, chuông đánh không kêu, thiền sư Bảo Ân đã chú nguyện và sau đó đánh tiếng chuông ngân nga khắp vùng. Chùa được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban biểu ngạch "Sắc tứ Thiên Ấn Tự" năm 1716.

Chùa Thiên Ân có "giếng Phật" sâu 21 mét, nước mát trong, đào từ lúc khai sơn, phá thạch. Câu chuyện về nhà sư đào giếng và lễ khai chuông của thiền sư Bảo Ân đã lưu truyền rộng rãi trong dân gian, được ghi lại trong các thư tịch cổ, nhà Phật xem là những Phật thoại.

Tương truyền rằng, giếng Phật phải đào mất 20 năm mới hoàn thành, đây cũng là giếng nước đầu tiên của vùng núi Thiên Ấn. Sau nhiều năm vỡ núi tìm nguồn nước, vị sư trụ trì đã đụng đến viên đá tảng chắn ngang nguồn nước, tưởng đã vô vọng.

Đêm về, sư được báo mộng, nạy hòn đá lên sẽ có được nguồn nước thiêng. Khi nguồn nước phụt lên từ đáy giếng, vị sư cũng "hoá" theo dòng nước.

Về sau, người dân núi Ấn có thơ rằng: "Ông thầy đào giếng trên non, đến khi có nước không còn tăm hơi". Giếng xưa vẫn còn nguyên vẹn, nước vẫn xanh trong, thành giếng phủ đầy rêu phong, du khách có thể quay nước từ giếng Phật lên, uống một ngụm mát lành, khoả nước giếng khơi để gột rửa bớt bụi trần.

Giã từ bảo tháp, chuông thần, giếng Phật… trong tiếng chuông chùa tịch liêu của buổi chiều tà, du khách tản bộ theo con dốc nhỏ giữa rừng dương thắp một nén hương nơi mộ phần của cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947).

Chí sĩ họ Huỳnh người huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), là nhà yêu nước, người lập ra báo Tiếng Dân, tham gia Chính phủ cách mạng năm 1945, được cụ Hồ cử làm đại diện Chính phủ ở Liên khu V, mất tại Quảng Ngãi ngày 21.4.1947, được an táng trên đỉnh núi này.

Trên đỉnh Thiên Ấn, gió sông từ mạn dưới thổi lên lồng lộng. Ông Trần Phiên, người hơn mười năm giữ mộ cho cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Ấn, cắm một nén hương lên mộ cụ Huỳnh.

Đôi mắt ông Phiên vẫn ánh lên một niềm tin về vùng đất, quê hương của ông sẽ mãi lưu giữ những gì còn lại của tiền nhân.

Theo SGTT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên