17/04/2025 09:35 GMT+7

Nửa thế kỷ văn học, nghệ thuật TP.HCM: Dấu son truyền thống, sôi động hôm nay

Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 16-4 Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo "50 năm văn học, nghệ thuật TP.HCM - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai".

Nghệ thuật - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội thảo “50 năm văn học, nghệ thuật TP.HCM - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai” - Ảnh: H.HẠNH

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường; Phó ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Lê Hồng Sơn; Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy; Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật TP. Dương Cẩm Thúy cùng chủ trì hội thảo.

Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi thông tin lễ hội Đường sách Tết; Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam; hội sách thiếu nhi tổ chức thường niên ở TP.HCM thu hút nhiều lượt khách tham quan. Đặc biệt Hội sách TP.HCM luôn giới thiệu nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đáng chú ý.

Thị trường nghệ thuật sôi động, nhiều dấu ấn

Nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo nhận định trong những năm đất nước đổi mới, dòng chính của văn học, nghệ thuật là yêu nước, nhân văn, khắc họa cuộc sống, chiến đấu hào hùng, cổ vũ, động viên nhân dân chung tay xây dựng cuộc sống mới.

"Thời điểm này thị trường văn hóa ở thành phố diễn ra vô cùng sôi động do có sự đóng góp không nhỏ của khu vực tư nhân. Năm 2010, giá trị sản xuất các ngành này là 20.000 tỉ đồng, sau 10 năm con số này tăng lên gấp đôi với gần 40.000 tỉ đồng" - TS Vũ Thị Mai Oanh góp thêm.

Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long chỉ ra trong thập niên 1980, Xưởng phim Tổng Hợp TP.HCM (nay là Hãng phim Giải Phóng) có những bộ phim lừng lẫy như Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Ván bài lật ngửa, Mùa xuân cho em, Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ...

Ở lĩnh vực sân khấu, đạo diễn Trần Minh Ngọc cho biết với các đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng có nhiều vở diễn được khán giả ca ngợi như Người ven đô, Sóng Rạch Gầm, Cho tình yêu mai sau, Xa thành phố yêu dấu...

"Hiện nay sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM hầu hết do các nghệ sĩ trẻ đầu tư nghệ thuật. Phần lớn họ được đào tạo chính quy nên khi ra trường đã có nghề, kính trọng tổ nghiệp chứ không chỉ màng mục đích doanh thu" - ông Ngọc nói.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân, 50 năm qua hàng vạn truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký, hàng trăm kịch bản sân khấu thuộc nhiều thể loại xuất bản bằng nhiều hình thức: sách, báo, sóng phát thanh, điện tử... được độc giả tìm đọc và thưởng thức theo thị hiếu thẩm mỹ của mình. Với số lượng lớn, tác phẩm văn học giữ vai trò trọng yếu trong nhiều loại hình nghệ thuật âm nhạc, sân khấu, điện ảnh.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liêm, phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, nói: "Bên cạnh các ca khúc ngợi ca, nói về công cuộc xây dựng đất nước, đấu tranh bảo vệ quê hương, TP.HCM còn có những tình khúc tuyệt đẹp của nhiều tên tuổi lớn như Hoàng Hiệp, Xuân Hồng, Nguyễn Lang, Phan Huỳnh Điểu, Phạm Minh Tuấn, Trịnh Công Sơn...".

Về lĩnh vực xuất bản, "Sau năm 1975, TP.HCM có số lượng nhà xuất bản lớn nhất cả nước. Nhiều nhà xuất bản tại đây có những đóng góp quan trọng trong việc lưu giữ, phổ biến và giới thiệu các tác phẩm văn học đến độc giả", ThS Bùi Thị Hoàng Phúc chia sẻ.

Nghệ thuật - Ảnh 2.

Họa sĩ Đặng Ái Việt (phải) và nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nga - Ảnh: HỮU HẠNH

Xây dựng thiết chế thành phố sách, thành phố phim

Tại sự kiện, TS Hồ Bá Thâm đặt vấn đề khiến nhiều đại biểu trăn trở: "Công cuộc đổi mới, đổi đời dù khiêm tốn cũng thấy là vĩ đại nhưng sao chưa thấy một số tác phẩm lớn cỡ Chiến tranh và hòa bình, cỡ giải thưởng Nobel?".

Theo bà Phạm Phương Thảo, TP.HCM được xem là địa phương có đầu tư, có dành một số cơ chế chính sách, một số dự án xây dựng cơ sở vật chất và duy trì giải thưởng sáng tác văn học, nghệ thuật...

Tuy nhiên sự đầu tư cho văn hóa, cho sự phát triển văn học nghệ thuật vẫn chưa tương xứng, thiết chế văn hóa chưa đáp ứng và thiếu vắng những tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao.

Để phát huy vai trò đầu tàu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, TP.HCM cần tăng tốc phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Ở lĩnh vực văn học - nghệ thuật, bà Thảo đề xuất TP.HCM cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc và ưu đãi cho lực lượng sáng tác, tạo điều kiện cho các ý tưởng sáng tạo, có tính tư tưởng, thẩm mỹ ra đời.

Ngoài ra cần sự chỉ đạo tập trung làm nổi bật một số lĩnh vực mà TP.HCM có thế mạnh như văn hóa đọc, ca nhạc, điện ảnh... gắn với xây dựng các thiết chế cho việc hình thành "Thành phố sách", "Thành phố điện ảnh".

Nhiều đại biểu cũng đồng ý với đề xuất của bà Thảo rằng hoạt động văn hóa - nghệ thuật cần được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trên cơ sở rà soát, địa điểm nào cần nâng cấp, dự án nào cần xây mới để xem xét đưa vào danh mục đầu tư, tạo điều kiện để có thêm nhà hát, phim trường, rạp chiếu, không gian trưng bày, sinh hoạt văn hóa...

Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của truyền thông - báo chí trong việc quảng bá những tác phẩm hay cho công chúng hay ngành giáo dục cần chủ động đưa các loại hình văn học nghệ thuật vào nhà trường, xây dựng văn hóa đọc cho người trẻ và xã hội...

Bà Quách Thu Nguyệt - nguyên giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ - kể bà đến các nhà sách như Fahasa, Phương Nam hoặc tiếp cận các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada thì dễ dàng bắt gặp sự chiếm lĩnh vị trí trưng bày trên các quầy sách là các bộ sách văn học Việt Nam của các tác giả gen Z.

Bà Nguyệt cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học, các đơn vị xuất bản cũng không thể "ngó lơ" trước làn sóng mạng, nhu cầu viết, đọc và giải trí của gen Z hiện nay: "Vấn đề là làm sao khai thác những thế mạnh của tác giả gen Z cũng như cần có những tiếp sức định hướng để những thể nghiệm táo bạo và sáng tạo phát huy được hiệu quả tích cực".

Tri ân đóng góp của văn nghệ sĩ trong 50 năm

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết lãnh đạo TP.HCM bày tỏ lòng biết ơn, tri ân với những đóng góp to lớn của lực lượng làm công tác văn học, nghệ thuật trong kháng chiến và các văn nghệ sĩ suốt 50 năm qua đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và tài năng của mình cho nền văn học, nghệ thuật TP.HCM.

"Cột mốc 50 năm văn học, nghệ thuật TP.HCM vừa là dấu son tinh thần yêu nước của thế hệ văn nghệ sĩ đi trước vừa là thông điệp gửi đến những người đang nắm giữ tương lai văn học, nghệ thuật hôm nay.

Đó là sứ mệnh của người nghệ sĩ - chiến sĩ, trên mặt trận nào giai đoạn nào chúng ta cũng sẽ sống, lao động, cống hiến hết mình cho nền văn học, nghệ thuật TP.HCM", ông nói.

TP.HCM sẽ là thành phố điện ảnh

Nửa thế kỷ văn học, nghệ thuật TP.HCM: Dấu son truyền thống, sôi động hôm nay - Ảnh 3.

Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy - Ảnh: H.HẠNH

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy khẳng định đề án Phát triển công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030 cần gắn mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa với định hướng xây dựng đô thị sáng tạo.

"TP.HCM đang đăng ký gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh... được nhìn nhận như mục tiêu phát triển nhằm nâng tầm thành phố tới vị thế một đô thị toàn cầu", bà nói.

Nửa thế kỷ văn học, nghệ thuật TP.HCM: Dấu son truyền thống, sôi động hôm nay - Ảnh 4.50 năm văn học, nghệ thuật TP.HCM phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai

Chiều 16-4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm 50 năm văn học, nghệ thuật TP.HCM - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên