16/07/2016 10:12 GMT+7

Nửa thế kỷ thù hận sắc tộc - Kỳ 4: Công lý có màu gì?

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Những vụ biểu tình, thường khi rất căng thẳng, thậm chí nhuốm màu bạo lực, nhanh chóng xuất hiện sau khi xảy ra các vụ cảnh sát bắn người da màu. 

Một phụ nữ da màu biểu tình phản đối phân biệt đối xử của công lý. Trên tấm biển cầm theo có tên những người da màu đã thiệt mạng - Ảnh: AFP
Một phụ nữ da màu biểu tình phản đối phân biệt đối xử của công lý. Trên tấm biển cầm theo có tên những người da màu đã thiệt mạng - Ảnh: AFP

Có thể có những ý kiến cho rằng số người da trắng bị cảnh sát bắn cũng không ít nhưng đâu có biểu tình rầm rộ hay căng thẳng đến như vậy. 

Thực tế cũng cho thấy ảnh hưởng lan truyền từ sự phổ biến của truyền thông thời gian gần đây là có tác động không nhỏ trong việc kết nối số đông. Và cũng không phải vô cớ khi người da màu xuống đường như vậy: những vụ việc gây phản ứng thường nằm trong hoàn cảnh khiến người ta nghĩ đến sự phân biệt đối xử và không ít vụ biểu tình xảy ra sau khi tòa công bố kết luận về vụ việc.

Họ đã đối xử với chồng tôi như đối xử với súc vật, thậm chí còn tệ hơn với súc vật. Tôi nghĩ họ cần phải làm gì đó nhiều hơn trong vụ này bởi vì gia đình chúng tôi mất mát người thân còn họ chẳng bị mất gì

Bà ESAW GARNER (vợ của nạn nhân Eric Garner)

Cảnh sát luôn đúng?

Người ta cho rằng những vụ cảnh sát, đặc biệt là cảnh sát da trắng, bắn người da màu ít khi được xử lý công bằng. Điểm qua từ các vụ của Michael Brown, Trayvon Martin cho đến Freddie Gray đều chung một kịch bản như thế.

Ngày 9-8-2014 ở thành phố Ferguson, sĩ quan cảnh sát Darren Wilson đã bắn hạ một thanh niên Mỹ da đen tên Michael Brown. Vụ việc đã gây sự kiện lớn trên toàn nước Mỹ khi người da màu ở bang Missouri bắt đầu biểu tình bạo động dữ dội suốt cả tháng đó.

Lý do khiến họ xuống đường chống đối cảnh sát là việc Brown đã bị bắn đến sáu phát đạn trong vụ việc không lớn lắm: anh ta tính ăn cắp thuốc lá!

Trước áp lực của dư luận, nhiều cuộc điều tra được tiến hành sau đó nhưng sĩ quan cảnh sát da trắng Darren Wilson luôn được minh oan về cách hành xử của mình khi thực thi công vụ. Sau đó, ông ấy đã nghỉ việc nhưng vẫn tin rằng mình đã hành xử đúng.

Trong lần trả lời báo chí hồi tháng 11-2015, Wilson vẫn tuyên bố “đã hành xử đúng quy định” và “cảm thấy lương tâm thanh thản”. Wilson đã được minh oan những hai lần trong vụ việc này, nhưng theo trang BFMTV, hai báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ về vụ này lại cho ra hai kết luận khác nhau.

Một nói rằng Wilson không phạm quy định nào của ngành khi vật lộn với Brown, trong khi báo cáo kia lại phản ánh tình trạng tham nhũng và phân biệt chủng tộc trong giới cảnh sát thành phố Ferguson.

Công lý đâu phải lúc nào cũng chỉ là trắng hay đen, nhiều khi nó có màu bóng mờ khó hiểu. Trong không ít trường hợp, phía cảnh sát hoặc chính quyền địa phương ở Mỹ đã dùng màu của tiền để phủ bóng lên công lý.

Viên cảnh sát Daniel Pantaleo đã gây ra vụ việc nghiêm trọng ở New York tháng 7-2014. Ông ấy muốn bắt giữ một người da đen (sau đó được xác định tên là Eric Garner, khoảng 40 tuổi) trong một vụ buôn bán thuốc lá lậu.

Pantaleo đã sử dụng đòn thế kẹp cổ vốn bị cảnh sát New York cấm dùng, và đã khiến nghi can, mắc bệnh hen, ngạt thở dẫn đến tử vong. Vụ việc đã bị ghi hình và lan truyền khắp các cơ quan truyền thông cũng như mạng xã hội nên gây phản ứng nhanh chóng.

Những câu nói cuối cùng của Garner: “Tôi không thở được, tôi không thở được” đã trở thành câu khẩu hiệu của nhiều cuộc biểu tình chống bạo lực của cảnh sát trong năm đó. Daniel Pantaleo không bị kết tội và cũng không bị đuổi việc.

Các nghiệp đoàn cảnh sát Mỹ cũng bảo vệ Pantaleo quyết liệt. Ông ta chỉ đến xin lỗi gia đình nạn nhân với lời khẳng định “chưa bao giờ có ý định muốn làm cho Garner thiệt mạng”.

Cuối cùng, đúng một năm sau, vào tháng 7-2015, chính quyền thành phố New York tuyên bố bồi thường cho gia đình Garner 5,9 triệu USD. Vụ bồi thường được cho là nhằm kết thúc vụ việc nhưng gia đình nạn nhân không hề hài lòng.

Bà Gwen Carr, mẹ của Eric, tuyên bố với báo chí: “Nhiều người gặp chúng tôi ngoài phố và chúc mừng. Nhưng xin đừng chúc mừng chúng tôi vì đây hoàn toàn không phải là một thắng lợi”.

Gia đình của Garner đã đòi bồi thường đến 77 triệu USD, tuy vậy số tiền đền bồi 5,9 triệu USD là thỏa thuận đền bồi lớn nhất trước nay của chính quyền thành phố New York.

Sau quyết định của chính quyền New York, gia đình của Garner tuyên bố vẫn mong muốn công lý được thực thi, tức Pantaleo phải bị kết tội, nhưng chưa biết họ sẽ phải làm như thế nào.

Kéo dài xử án

Một trong những cách làm nguội những cuộc biểu tình vì chuyện bạo lực của cảnh sát là tuyên bố khởi tố vụ án nhưng sau đó tiến hành xét xử trong thời gian dài. Tháng 4-2015, Freddie Gray đã qua đời vì các vết thương tại Baltimore.

Vấn đề là anh ta bị cảnh sát còng tay chân, bỏ vào xe thùng áp giải về đồn và lý do vì sao anh ta thiệt mạng đến nay vẫn còn mù mờ.

Vụ việc đã gây ra nhiều cuộc bạo động, cướp phá của người da màu khiến chính quyền phải xin cầu viện lực lượng vệ binh quốc gia và ban bố tình trạng khẩn cấp.

Sau đó, sáu cảnh sát (ba da trắng, ba da đen) dính líu trong vụ này bị khởi tố, một người sau đó được tuyên bố ngoại phạm và hai được trắng án.

Viên cảnh sát da trắng Edward Nero được cho là trực tiếp gây ra cái chết của Gray với các cáo buộc nghiêm trọng (cố ý sử dụng bạo lực, gây nguy hiểm đến mạng sống người khác và hành xử nghiệp vụ sai sót) cuối cùng cũng được trắng án vào tháng 5 vừa qua.

Tòa cho rằng Nero đã hành xử đúng quy định của ngành. Ngay sau kết luận của tòa, thị trưởng của Baltimore đã tuyên bố cứng rắn rằng “công lý đã được thực thi đúng đắn” và cảnh báo nếu người dân tiếp tục biểu tình thì chính quyền sẽ “sẵn sàng đáp trả”.

Cũng tương tự vụ Eric Garner, gia đình nạn nhân Gray được bồi thường 6 triệu USD để không tiến hành kiện tụng theo hướng dân sự.

Ngày 4-4-2015, cảnh sát viên Michael Slager dự tính bắt giữ nghi can Walter Scott sau một cuộc kiểm tra bình thường trên đường phố và nghi can đã chống cự.

Khẩu súng xung điện Taser của Slager không hoạt động nên ông ta rút súng ngắn ra bắn đến tám phát vào lưng của nghi can khi người này đang tìm cách chạy trốn và không có khả năng gây nguy hiểm vì không có vũ khí.

Lần này phía cảnh sát phản ứng nhanh chóng đuổi việc viên cảnh sát nhưng phiên tòa xử liên quan vụ việc này vẫn còn tiếp diễn dù vụ việc diễn ra đã hơn cả năm rồi. Bị khởi tố với tội danh giết người, cảnh sát viên Slager có khả năng lãnh án từ 30 năm tù đến chung thân.

Tháng 1-2016, Michael Slager đã được tại ngoại hầu tra sau khi đóng tiền thế chân.

Có thể vẫn có những lập luận cho rằng không hề có sự bất công trong các điều tra liên quan các vụ cảnh sát Mỹ lạm dụng sức mạnh, đặc biệt với những nghi can người da màu, nhưng điều đó vẫn chưa hề thuyết phục được công luận.

Như báo Guardian của Anh cung cấp con số thống kê cho biết trong năm 2015, thanh niên người da đen có nguy cơ bị cảnh sát sát hại cao gấp 9 lần so với những thanh niên các chủng tộc khác.

_________

Kỳ tới: Hiệu ứng Ferguson

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên