05/11/2011 10:15 GMT+7

Nửa thế kỷ "giữ" cột mốc biên cương

LAM GIANG - MINH LỢI
LAM GIANG - MINH LỢI

TT - Không ai biết chính xác Hồ Mút giữ gìn cột mốc biên giới N11 (Việt - Lào) trên đỉnh núi Giăng Màn từ ngày nào, kể cả bản thân ông cũng vậy. Chỉ biết Hồ Mút đã gắn bó với cột mốc này 50 mùa rẫy rồi, từ khi tóc còn xanh, nay ông đã sang tuổi 73.

Read this on Tuoitrenews.vn

U8wCcCGa.jpgPhóng to
Nụ cười thanh thản của già làng Hồ Mút bên cột mốc biên giới N11 - Ảnh: M.L.

Ông Hồ Mút ở bản Xòn, xã Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) được coi là người Mày giữ nhiều “kỷ lục đầu tiên” nhất ở xã: kết nạp Đảng, có nhiều huân chương, huy chương, kỷ niệm chương... Với những “đầu tiên” đó ông đã tự hào lắm rồi. Nhưng khi kể chuyện đời mình gắn liền với cột mốc N11 thì ông Hồ Mút càng tự hào thêm.

Chân quen lối, mắt quen rừng

Sáng nay, như đã bao lần trong đời mình, ông Hồ Mút lại dậy trước khi con gà rừng gáy. Bên bếp lửa đượm, bà Hồ Thị Đăn - vợ ông - đã thức dậy để nắm cơm cho ông làm cái ăn đường. Bà biết rất rõ công việc của ông là lên với cột mốc trên đỉnh núi cao Giăng Màn. Bà Đăn không nhớ được đã bao lần nắm cơm cho chồng ra đi như vậy. Bà bảo: “Ngày nắng hay ngày mưa dầm ông cũng đi. Đi mãi từ ngày trẻ, nay già rồi ông cứ sắp sắp nửa tháng là lại chống gậy đi thăm cột mốc. Có nhiều khi bị đau chân không lên cột mốc được, ông Mút lo lắng, cứ ngóng chờ bộ đội lên để hỏi thăm cái cột mốc ra răng rồi trên nớ”.

Biết bao mùa rẫy qua rồi gia đình quen với sự vắng mặt của ông Hồ Mút trong nhà. Dân bản cũng quen với hình ảnh Hồ Mút đeo xắc cơm nắm, bình toong nước uống, một mình lầm lũi lên với cột mốc. Từ căn nhà sàn nhỏ bên dòng suối muốn lên tới cột mốc N11, ông Hồ Mút phải vượt qua độ cao hơn 2.500m. “Ngày xưa miềng đi mau lắm, gần nửa ngày là tới thôi. Nay miềng già rồi, phải mất gần một ngày đường mới lên tới nổi. Nhưng chân miềng quen lối, mắt miềng quen với cây rừng rồi nên túc tắc đi là tới thôi” - ông Hồ Mút bảo.

Đường lên cột mốc nhỏ lắm, len lỏi qua những dòng suối sâu, những dốc đá lởm chởm dựng đứng luôn làm mỏi gối ông Hồ Mút. Nhưng ông không ngại. Vì ông Hồ Mút lên đó còn bằng cả tấm lòng chân thành của đồng bào Mày với cách mạng, với quê hương bản Xòn ngày nay đã có cuộc sống tốt đẹp hơn đời ông, cha của Hồ Mút.

Ông Hồ Mút kể có một lần đi rừng về, như mọi lần ông sắp bước chân đến bên cột mốc thì thấy một nhóm bộ đội áo quần, súng đạn chỉnh tề sắp hàng đứng chào cái cột ximăng. Ông Hồ Mút lạ lắm. Rồi ông biết đó là cái cột mốc định vị một bên là đất của nước Việt Nam mình với một bên là đất của nước Lào mà lâu nay đôi chân ông vẫn bước qua, đi về trong vô định.

Lên cột mốc, ông Hồ Mút làm những việc không có trong lịch trình công tác hay phân công của bất cứ đơn vị biên phòng, chính quyền cấp nào. Công việc chỉ lặp đi lặp lại: lau chùi bốn mặt cột mốc cho sạch, cho nổi rõ những dòng chữ và con số in trên hai mặt chính của cột mốc, dọn và phát quang cỏ cây mọc lộn xộn xung quanh khu vực cột mốc. Nhưng ông Hồ Mút vui và tự hào nhất sau khi trở về từ cột mốc là cho đồn biên phòng biết đã có những gì ở bên cạnh cột mốc, còn đọc rõ chữ hay đã bị ai đó làm mờ đi và cột mốc còn hay mất... Cái cột mốc bằng ximăng thành nơi cật ruột của cả đời ông Hồ Mút rồi.

“Người lính” của những người lính

Các chiến sĩ Đồn biên phòng Ra Mai vẫn coi ông Hồ Mút là một “biên chế không danh sách”, “người lính biên phòng” không lương, là đồng đội mẫn cán và đáng tin cậy của đồn. Họ vẫn xem ông là một người lính... vượt khung tuổi quân.

Thượng tá Hồ Quang Phúc, đồn trưởng Đồn biên phòng Ra Mai, nói về ông Hồ Mút: “Gần 50 năm tự nguyện gắn bó với đường biên, với cột mốc N11, già làng Hồ Mút là tấm gương cho những người lính biên cương chúng tôi. Ông xem nơi cột mốc như là nhà của mình”. “Nhờ có ông Hồ Mút mà dù cột mốc ở cách xa đồn nhưng vẫn được chăm sóc, bảo quản rất tốt. Khi nào tuần tra lên thấy cột mốc sạch sẽ, phong quang cây cỏ là biết ông Hồ Mút đã lên rồi. Vắng ông Hồ Mút là đội hình biên phòng của chúng tôi như khuyết đi... một vị trí. Ông như cái cột mốc sống bên chúng tôi” - trung tá Nguyễn Đức Thuận, đồn phó chính trị Đồn biên phòng Ra Mai, hóm hỉnh nói.

Bình dị nhưng nhanh nhẹn như con sóc, con chồn trong rừng sâu, ông Hồ Mút nói không hiểu hết tất cả mọi cái liên quan đến cột mốc N11 như bộ đội biên phòng. Nhưng trong sâu thẳm của mình, Hồ Mút hiểu là khi cột mốc N11 còn đứng yên trên đỉnh núi cao Giăng Màn thì bản làng của ông, gia đình của ông đang sống bình yên giữa núi rừng.

Đưa mắt nhìn về góc trời biên giới xanh thẳm, ông Hồ Mút nói mộc mạc như tấm lòng chân chất vốn có của người Mày: “Bác Hồ dặn biên giới là bức phên giậu thiêng liêng của Tổ quốc, miềng ở đây phải có trách nhiệm cùng các con, cháu bảo vệ cột mốc, bảo vệ biên giới. Miềng nghĩ công việc miềng làm là cho người dân miềng đi lên cái rừng, cái rẫy mới được bình yên, mới vững nhiều cái dạ...”.

Niềm vui của ông Hồ Mút hôm nay là thỉnh thoảng lại đưa những kỷ vật của bộ đội biên phòng và Nhà nước trao tặng như Huân chương kháng chiến, kỷ niệm chương Vì chủ quyền an ninh biên giới... ra ngắm nghía, coi như báu vật của gia đình.

Chuyến trở lại cột mốc N11 lần này của ông Hồ Mút có lẽ gần như là chuyến cuối cùng của ông. Bởi sau gần 50 năm gắn bó, nay chân ông đã mỏi rồi. Nhưng trong chuyến đi hôm nay, bên cạnh ông Hồ Mút và những người lính biên phòng ở đồn Ra Mai còn có thêm thành viên mới là Hồ Lê, con trai út của ông Hồ Mút. Hồ Lê sẽ tiếp nối công việc của cha, của người Mày, là cắm thêm lên đường biên của Tổ quốc ở vùng phía tây dãy Trường Sơn của Quảng Bình một cột mốc mới - cột mốc có trái tim và tấm lòng yêu đất mẹ Việt Nam.

Cột mốc như một điểm tựa

Dãy núi Giăng Màn thuộc hệ Trường Sơn Bắc (kéo dài từ phía nam Hà Tĩnh vào đến phía bắc Quảng Bình). Người già ở địa phương giải thích hai chữ Giăng Màn là do khi nào trên núi cũng thấy mây trắng bay như mắc cái màn. Là vùng đất định cư lâu đời của các tộc người Mày, Sách, Khùa... thuộc huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Đã bao lần lên với cột mốc, nhưng hôm nay lên với cột mốc, ông Hồ Mút vẫn thấy bồi hồi như với một chuyến hành hương tìm về cội nguồn đất mẹ. Bởi những ngày xưa trẻ, Hồ Mút sống giữa đất rừng, ăn cái cây, con thú ngọt lành, uống cái nước trong mát của rừng. Mỗi khi đi rừng mệt chân, mỏi gối, ngang qua cột mốc là Hồ Mút lại ngồi nghỉ, lưng dựa vào cột mốc như một điểm tựa. Lâu thành quen. Rồi đi đâu xa trong rừng hoang vắng, ông cũng tìm về với nơi có cái cột mốc ximăng yên lặng ấy như một định vị cho con đường trở về bản Xòn.

LAM GIANG - MINH LỢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên