Chị Phó Thị Ba cùng các học sinh dọn rác trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tối 21-6 - Ảnh: NGỌC HIỂN |
Em cứ nghĩ nghề quét rác chưa được xã hội xem trọng, nhưng khi trực tiếp cầm cây chổi, nghe các cô chú kể chuyện mới biết nghề này cũng cao quý như bao nghề khác. Họ cũng đánh đổi bằng mồ hôi, thậm chí bằng máu để có những con đường sạch đẹp |
Nam sinh Lê Công Thành |
Đây là chương trình “Một ngày làm công nhân vệ sinh môi trường” do Quận đoàn Bình Thạnh tổ chức cho các chiến sĩ tình nguyện Hoa phượng đỏ trong dịp hè này.
Lần đầu tiên trong đời...
8g tối, người dân sống hai bên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh khu vực chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) tỏ ra ngạc nhiên bởi những công nhân vệ sinh đêm nay có nhiều gương mặt mới toanh, trẻ măng. “Lính mới à chị Ba?” - một người dân hỏi nữ công nhân vệ sinh Phó Thị Ba có 29 năm tuổi nghề. Chị Ba trả lời: “Đâu, tụi học sinh thử làm nghề nhưng mà nhìn thương quá, tụi nó nhỏ xíu à”.
Nói xong, chị Ba cúi người chỉ cho từng nữ sinh cách hốt rác nhanh, không rơi vãi ra dọc đường. Đi thêm một đoạn, nhìn các nam sinh cầm chổi quét không hiệu quả, chị Ba lại đến “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cách cầm chổi tre bởi đây là loại chổi cán dài, dùng sức mạnh cả hai tay quét chéo chứ không đơn giản như quét ở nhà. Chừng 15 phút, các “lính mới” đã quen việc, đi theo chị Ba dọc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, vào khu chợ và các đường hẻm quét dọn lá cây, rác thải sạch sẽ.
Đẩy chiếc xe rác nồng nặc mùi hôi, nữ sinh Nguyễn Phan Huyền Trân cho biết xe rác rất nặng lại cồng kềnh, Trân phải cố gắng hết sức để đẩy đi đúng đường dù mồ hôi nhễ nhại và rất khó thở. “Bình thường em cứ nghĩ mấy người lao công chỉ mệt một chút là vì dầm mưa dãi nắng, làm việc bụi bặm thôi, chứ không ngờ việc quét rác, đẩy rác lại khó và tốn nhiều sức lực đến như vậy” - Trân nói.
Năm ngoái, cô giáo dạy văn của Trân ra đề bài: “Hãy kể lại một việc em từng làm có ý nghĩa nhất cho cộng đồng”, Trân thẫn thờ với đề văn đó bởi nhìn lại 16 năm qua mình chưa có việc làm nào thật sự có ích cho cộng đồng đáng để kể ra trong bài văn đó. Do vậy việc ra đường quét rác, làm sạch đường phố như là một công việc ý nghĩa cho cộng đồng đầu tiên mà Trân tham gia.
Với nam sinh Lê Công Thành, câu chuyện những người lao công phải ở lại nhặt rác sau khi người dân xem pháo hoa mỗi dịp giao thừa khiến Thành rất xúc động, muốn làm một việc nhỏ để chia sẻ cùng những con người thầm lặng đó.
Thấu hiểu để chia sẻ, thay đổi
Say sưa quét rác, trò chuyện cùng các em học sinh nhưng thi thoảng chị Ba la lớn: “Tấp vô sát lề nghe con, coi chừng xe rác đụng ôtô của người ta, coi chừng xe con ơi...”. Dù các công nhân vệ sinh và học sinh đều được trang bị chiếc áo phản quang nhưng chị Ba chia sẻ: “Không ăn thua gì, giờ này say xỉn nhiều lắm, mình phải cẩn thận”.
Ngồi nghỉ chân uống nước trong con hẻm vắng, chị Ba bắt đầu kể về những vất vả của nghề khi hằng đêm hai vợ chồng chị phải chạy hơn nửa tiếng từ Q.12, giáp với tỉnh Bình Dương, lên Bình Thạnh làm việc. Sáu năm trước, chồng chị Ba là anh Nguyễn Văn Sơn, cùng là công nhân vệ sinh, bị tai nạn khi đang quét rác trên đường Bình Quới. Một người đàn ông say xỉn đã tông trực diện khiến anh Sơn bị chấn thương sọ não, mất sức lao động một thời gian dài.
Tuy nhiên, phần vì mưu sinh, phần vì đã gắn với công việc quá lâu nên cả chị Ba và chồng đều cầm cây chổi trở lại với công việc. “Đêm nào cũng phải quét cật lực mới xong việc. Cực thì cực thật nhưng nhìn con đường sạch sẽ không còn cọng rác là mình vui với nghề lắm” - chị Ba kể.
Nghe xong câu chuyện, nam sinh Lê Công Thành giọng chùng xuống, chia sẻ: “Em cứ nghĩ nghề quét rác chưa được xã hội xem trọng, nhưng khi trực tiếp cầm cây chổi, nghe các cô chú kể chuyện mới biết nghề này cũng cao quý như bao nghề khác. Họ cũng đánh đổi bằng mồ hôi, thậm chí bằng máu để có những con đường sạch đẹp”.
Còn nam sinh Nguyễn Phúc Hậu tự hứa với bản thân sẽ không xả rác bừa bãi nữa bởi đó là cách tốt nhất để giảm bớt sức lực cho người lao công. “Trước đây em từng vứt rác ra công viên, ra đường nhưng từ đêm nay em không cho phép mình làm như thế nữa” - Hậu bộc bạch.
Ông Phạm Quang (đội trưởng đội vệ sinh, Công ty Dịch vụ công ích Q.Bình Thạnh) cho biết hành động của các bạn học sinh tuy rất đơn giản, nhỏ nhặt nhưng là một sự sẻ chia rất lớn với những công nhân lao công. “Chỉ vài chục em quét rác thôi nhưng sẽ có sức lan tỏa đến gia đình, bạn bè và những người xung quanh để họ biết nỗi vất vả của người lao công. Từ đó họ có ý thức hơn, bỏ rác đúng nơi quy định thì dần dần đường sá sạch đẹp hơn, xã hội tốt hơn thôi” - ông Quang nói.
Trải nghiệm để trưởng thành Là người lên ý tưởng chương trình này, chị Nguyễn Ngọc Thảo Nguyên, phó bí thư Quận đoàn Bình Thạnh, cho biết mong muốn lớn nhất của chị là để các em học sinh biết đến sự cực nhọc của công nhân vệ sinh, biết quý sức lao động và thay đổi ý thức, giữ gìn môi trường. Bên cạnh quét rác, các học sinh còn vẽ, viết những tấm bảng kêu gọi mọi người giữ gìn vệ sinh trong khu phố. “Hoạt động này đã đem lại những giá trị tốt đẹp, giúp các em trưởng thành hơn nên chúng tôi sẽ nhân rộng trên toàn quận, mở rộng đối tượng tham gia và triển khai đều đặn trong năm” - chị Nguyên nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận