Nina Phạm tại Bệnh viện Texas Health Presbyterian, trước khi chuyển đến Maryland - Ảnh: Reuters |
“Tình trạng sức khỏe của cô Nina Phạm đã được nâng từ mức trung bình lên tốt” - NIH tuyên bố. Cô đã nói lời cảm ơn với những người ủng hộ mình.
Nina Phạm được chuyển từ Bệnh viện Texas Health Presbyterian ở Dallas (Texas) tới trung tâm điều trị của NIH ở Maryland hôm 16-10.
Bác sĩ Anthony Fauci thuộc NIH cho biết ông hoàn toàn tin tưởng Nina Phạm, 26 tuổi, sẽ bình phục hoàn toàn. Ông tiết lộ mẹ và một vài người thân khác của Nina Phạm hiện cũng đã có mặt ở Maryland.
“Cô ấy sẽ trở về với gia đình sau khi virút Ebola không còn trong cơ thể” - bác sĩ Fauci nhấn mạnh.
Trong khi đó, phóng viên tự do Ashoka Mukpo, người bị nhiễm Ebola khi làm việc ở Liberia cho hãng NBC, cũng đã bình phục hoàn toàn sau khi được điều trị tại Trung tâm Y tế Nebraska. Anh Mukpo, 33 tuổi, sẽ trở về nhà trong hôm nay 22-10.
Xét nghiệm cho thấy virút Ebola đã biến mất khỏi cơ thể Mukpo. “Khỏi bệnh Ebola thực sự là một trải nghiệm khó quên. Tôi rất hạnh phúc vì được sống. Đáng tiếc là có quá ít người có được may mắn như tôi” - anh Mukpo nói.
Ngược lại, Bệnh viện ĐH Emory ở Atlanta vẫn chưa công bố về tình trạng sức khỏe của nữ y tá Amber Vinson, đồng nghiệp của Nina Phạm tại Bệnh viện Texas Health Presbyterian. Hai hôm trước mẹ của cô cho biết cô vẫn còn rất yếu ớt.
Mới đây cơ quan y tế Texas công nhận 60 người từng tiếp xúc với bệnh nhân Thomas Eric Duncan ở Bệnh viện Texas Health Presbyterian không có nguy cơ nhiễm virút Ebola sau 21 ngày theo dõi. Vẫn còn 112 người nữa, chủ yếu là các nhân viên y tế, bị cách ly để theo dõi cho đến ngày 7-11.
Đến nay, theo thông báo chính thức, virút Ebola đã sát hại hơn 4.500 người trong tổng số hơn 9.000 trường hợp nhiễm bệnh.
Phòng khám lưu động dùng năng lượng mặt trời chống Ebola ở Liberia Tổ chức phi lợi nhuận “Clinic in a Can” có trụ sở tại Wichiata (Kansas, Mỹ) đang sang sửa những chiếc container cỡ lớn thành các phòng khám chữa bệnh lưu động sử dụng năng lượng mặt trời để đưa tới Liberia chống dịch Ebola.
Theo AP, Clinic in a Can bắt đầu chế tạo các phòng khám chữa bệnh lưu động như thế này từ năm 2005. Họ cũng đã gửi chúng tới Nam Sudan, tới Haiti sau trận động đất năm 2010, tới Phillipines sau siêu bão Haiyan năm ngoái và tới Moore, bang Oklahoma (Mỹ) sau trận lốc xoáy tàn phá năm 2013. Gần đây, tổ chức cũng đã gửi một trong các phòng khám chữa bệnh lưu động của họ tới sân bay quốc tế ở Lagos, Nigeria để điều trị bệnh nhân Ebola. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên “Clinic in a Can” chế tạo các phòng khám chữa bệnh lưu động vận hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời với tuổi thọ có thể lên tới 20 năm. Nếu không có gì trục trặc về tài chính, 8 phòng khám như thế sẽ hoàn thành trong vòng 3 tuần tới và được chuyển đến Liberia. Ý tưởng sử dụng năng lượng mặt trời theo anh Mike Wawrzewski, sáng lập viên của tổ chức là vì tình trạng thiếu điện ở Liberia. Kèm theo các container sẽ là trang thiết bị y tế, trong đó có cả thiết bị bảo hộ cho nhân viên chăm sóc người bệnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận