Nhiều người xem việc chị làm như muối bỏ biển, nhưng chị vẫn cần mẫn thực hiện với niềm yêu Sơn Trà vô hạn và mong muốn góp sức mình giữ gìn lá phổi xanh của thành phố này.
Lần theo dấu khỉ ở Sơn Trà
Quá giữa trưa một ngày cuối tuần, chị Tuyết bước ra khỏi rừng, có thêm những vệt xước từ gai rừng ngang dọc quanh mang tai và những vết muỗi đốt. Một buổi lội rừng Sơn Trà của chị Tuyết để lại dăm ba tổn thương như thế là chuyện thường.
Chị Tuyết kể, hôm trước phát hiện trong đàn khỉ có một con khỉ đực dính bẫy, bị thương nặng ở phần chi trước, nên suốt mấy ngày trời chị lần theo dấu để kiểm tra vết thương và báo tin về cho lực lượng chức năng xử lý.
Khi bắt gặp đàn khỉ đi ngang trước cung đường gần chùa Linh Ứng, chị nhẹ nhàng tiến lại gần đưa điện thoại chụp lại hình ảnh phần chi bị thương của chú khỉ rồi huơ tay, gõ chiếc kẹp rác lên taluy đường tạo tiếng động để bầy khỉ di chuyển vào bên trong những tán cây.
Xác định chú khỉ đuôi lợn bị dính bẫy dây phanh, chi trước sắp hoại tử, chị Tuyết báo về cho Hạt Kiểm lâm Sơn Trà để xin phương án xử trí. Được sự đồng ý của cơ quan chức năng, chị kêu gọi thêm một tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cùng hỗ trợ, chú khỉ sau đó đã được đưa đến bệnh viện thú y cứu chữa.
Những pha theo dấu, phát hiện và hỗ trợ khỉ ở Sơn Trà với chị Tuyết không còn quá xa lạ. Chị cho biết vì hiện Sơn Trà chưa có súng gây mê để hỗ trợ nên việc đưa những con khỉ bị thương về chữa trị khá khó khăn. Phải dùng vợt, dụ và vây bắt với nhiều người. Làm sao không khiến bầy khỉ sợ hãi và hoàn thành việc chữa trị để tái thả khỉ về rừng là công việc tốn thời gian và công sức.
Ngoài bị dính bẫy, tai nạn khi thường gặp nhất là khỉ tràn xuống đường lớn kiếm ăn và bị xe cán bị thương. Có trường hợp bị thương nặng không cứu được. Chị Tuyết bảo đây là thực trạng đáng buồn của Sơn Trà trong nhiều năm qua và là vấn đề nan giải chính quyền đang đau đầu tìm cách xử lý. Khỉ bị tai nạn xe ở Sơn Trà một phần do tràn xuống đường chờ xin thức ăn từ du khách.
Lo chuyện bao đồng
Nước da ngăm đen, lưng đeo chiếc túi nhỏ và một chiếc loa cầm tay, một tay cầm chiếc kẹp gắp rác dọc đường đi là dấu ấn của chị Tuyết mà ai thường tới lui Sơn Trà đều dễ nhận ra.
Đang lụi cụi gắp rác bên vệ đường, chợt thấy mấy chiếc xe máy trờ tới mang theo túi đồ ăn chuẩn bị quăng về phía bầy khỉ, chị giơ chiếc loa nhỏ hướng về phía du khách nhắc nhở: "Anh chị ơi, bán đảo Sơn Trà cấm cho khỉ ăn. Mình vui lòng cất hết thức ăn treo trên xe vào cốp giúp em". Vừa nói, chị nhanh chóng tiến về phía họ.
Nhìn thái độ nghiêm nghị với giọng điệu nhẹ nhàng của chị, mấy du khách đều làm theo nhưng không khỏi thắc mắc lý do. Bấy giờ chị Tuyết mới tiến gần hơn, vừa trò chuyện vừa lý giải. Việc cho khỉ hoang dã ăn trước mắt sẽ làm mất tập tính tự kiếm ăn của khỉ. Chúng sẽ chờ đợi được cho ăn và khi thấy du khách mang theo thức ăn, khỉ sẽ lao vào cắn xé, giành giật gây nguy hiểm, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Về lâu dài, khỉ sẽ dịch chuyển ra khỏi rừng, tràn xuống đường lớn rất nguy hiểm trước dòng xe lưu thông liên tục, khỉ cũng tấn công vào các nhà dân trong thành phố để tìm kiếm thức ăn.
Chưa kể khỉ không ăn trái, không nhả hạt thì hạn chế việc phát tán các giống cây trái tự nhiên trong rừng. Nghe chị Tuyết lý giải, ai trong nhóm khách cũng gật gù.
Nhưng không phải lần nhắc nhở nào cũng có kết thúc dễ chịu. Nhiều người làm ngơ các biển cấm cho khỉ ăn dựng ngay trước mặt, lấy việc cho khỉ ăn và xem đàn khỉ xung đột là thú vui. Nhiều phụ huynh khi đưa con đi Sơn Trà tham quan đã cố tình dùng thức ăn để dụ khỉ, cho các em xem.
Không chỉ những trái cây bị giập, hư do hết hạn sử dụng, người dân và du khách bắt đầu cho khỉ ăn cả kẹo cao su, cà phê, thậm chí cả rượu pha nước ngọt. Có du khách vì không được thỏa mãn thú vui khi bị chị Tuyết nhắc nhở đã ném thẳng rác và chai lọ về phía chị, kèm theo đó là những lời chửi rủa, đe dọa.
Hiện chưa có quy định xử phạt người cho khỉ ăn. Chị Tuyết bảo rằng việc tuyên truyền nhắc nhở là giải pháp trước mắt mang lại hiệu quả tích cực khi chờ đợi cơ chế đặc thù cho Sơn Trà. Dù chỉ tạo ra những thay đổi nhỏ nhưng chị vẫn mong muốn góp chút sức mình bảo vệ Sơn Trà.
"Tôi đề xuất những nội dung về việc không cho khỉ Sơn Trà ăn có thể đưa về tổ dân phố để lồng ghép tuyên truyền cho người dân. Khi người dân nắm rõ được tác hại của việc cho khỉ ăn, chính mỗi người dân là một tình nguyện viên, tuyên truyền viên để nhắc nhở bạn bè, du khách các nơi đến Đà Nẵng. Đó cũng là điểm cộng cho du lịch thành phố", chị Tuyết nói.
Ông Lê Văn Việt, tổ trưởng tổ trật tự Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết chị Tuyết là số ít tình nguyện viên không thuộc lực lượng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà nhưng luôn làm việc nhiệt tình, hăng say với trái tim yêu thiên nhiên và mong muốn bảo tồn Sơn Trà.
"Từ khi có sự xuất hiện của các tình nguyện viên và lực lượng ban quản lý thường xuyên bố trí người nhắc nhở du khách, việc cho khỉ ăn ở bán đảo Sơn Trà đã giảm đi đáng kể. Đặc biệt nhiều người dân thành phố cũng nhờ sự xuất hiện của tình nguyện viên mà ý thức nhắc nhở nhau cùng bảo tồn Sơn Trà", ông Việt nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận