TS Nguyễn Tuyết Phương (bìa trái) thảo luận và hướng dẫn sinh viên thực hiện các thực nghiệm tại phòng lab do chị thành lập - Ảnh: Q.L.
Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Tuyết Phương (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) bộc bạch:
- Nếu nói tôi không phân vân, không có chút tiếc nuối khi quyết định về nước từ bảy năm trước là nói dối. Thời điểm đó, tôi nhận được lời mời làm việc tại châu Âu, đúng với lĩnh vực tôi đeo đuổi, nghiên cứu từ ngày đặt chân ra nước ngoài học. Gia đình cũng khuyên tôi ở lại. Nhưng tôi đã về.
Sợ nhất mình tự tụt hậu
* Kết quả nghiên cứu của chị lúc đó còn khá mới, sao lại chọn con đường mạo hiểm?
- Pin năng lượng mặt trời phổ biến trước giờ là loại pin hoạt động theo cơ chế vật lý. Còn với pin quang điện hóa tôi nghiên cứu, phải đến những năm 1990 thế giới mới có những nghiên cứu thành công đầu tiên. Tôi thấy thú vị với hướng đi này, khởi nguồn từ một gợi ý của thầy hướng dẫn tại Đan Mạch.
Tôi biết rằng về nước sẽ thiếu thốn nhiều so với nước ngoài, nhưng ngay lúc làm việc tại nước ngoài, tôi luôn tự hỏi mình làm vì cái gì, vì ai và để làm gì. Lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản tôi theo đuổi - với nước ngoài, người ta làm nhiều rồi - nhưng trong nước còn khá hạn chế.
Tôi bắt đầu xin các tài trợ đề tài trong nước và quốc tế, công bố các bài báo khoa học. Sau hai năm, tôi được phê duyệt một đề tài của ĐH Quốc gia TP.HCM, một đề tài Nafosted (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia), một đề tài quốc tế của Viện hàn lâm Khoa học thế giới (TWAS). Nhờ đó có được kinh phí sắm dần trang thiết bị, vật liệu nghiên cứu cho phòng lab của mình tại trường.
Tôi giữ mối liên lạc với các giáo sư, đầu mối khoa học có được ở các nơi. Từ đó, bên cạnh tự cập nhật thông tin cho chính mình còn là để trao đổi thời sự, xu hướng nghiên cứu mới của thế giới với các nhà khoa học mà mình biết. Cái đáng sợ nhất là mình tụt hậu đẳng cấp khoa học so với chính mình.
* Chị nói gì về khả năng ứng dụng của nghiên cứu mà chị được trao giải nhì Giải thưởng sáng tạo TP.HCM đầu tháng 6 vừa rồi?
- Tôi nghĩ khả năng ứng dụng nghiên cứu Các giải pháp tăng cường độ bền và hiệu năng hoạt động của pin quang điện hóa sử dụng chất màu nhạy quang của tôi rất cao. Nếu pin năng lượng mặt trời phổ biến hiện nay chỉ có thể lắp trên mái nhà, pin quang điện hóa hoàn toàn cơ động trong việc lắp đặt. Có thể sản xuất trên tấm nhựa, cuộn tròn, gấp khúc được nhưng không làm vỡ cấu trúc của pin.
Vì tính cơ động và chất màu nhạy quang sử dụng, loại pin tôi nghiên cứu có thể dùng như một loại vật liệu trang trí cho bức vách các tòa nhà kính đang có xu hướng nở rộ trong kiến trúc hiện nay.
Bạn thử hình dung khi dán vào kính, ngoài trang trí với nhiều màu sắc khác nhau, pin còn giúp giảm nhiệt do hấp thu tia hồng ngoại, giúp ngăn tia UV nguy hại cho sức khỏe chúng ta và có thể sinh ra dòng điện, vậy có nên dùng không?
Tôi đã thử nghiệm và vẫn đang mở rộng hướng nghiên cứu của mình với nhiều vật liệu khác nhau để chọn ra loại tốt nhất kèm tiêu chí thân thiện môi trường, giá rẻ. Nên nếu có đơn vị nào ở lĩnh vực kiến trúc, xây dựng quan tâm đầu tư sản xuất với quy mô lớn, tôi tin giá thành sẽ chấp nhận được khi thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.
Các bạn trẻ hãy mạnh dạn
* Nhưng đòi hỏi nghiên cứu đồng nghĩa với phải ứng dụng được ngay, "cầm nắm" được kết quả vẫn đang rất phổ biến hiện nay.
- Nghiên cứu không chỉ là ứng dụng ngay, còn cho bạn giá trị về kiến thức, tư duy khoa học làm cơ sở để cập nhật kiến thức mới, là nền tảng quan trọng để phát triển tiếp lên ứng dụng một cách chắc chắn và đúng hướng.
Tôi cũng muốn nhắn gửi rằng không nên chỉ đòi hỏi kết quả nghiên cứu phải có tính ứng dụng ngay hoặc ứng dụng nghĩa là phải cầm, nắm được. Chẳng hạn nghiên cứu của tôi là cơ bản nhưng nhà sản xuất có thể dựa vào đó để chế tạo pin với thành phần chất điện ly đúng để cải thiện độ bền cho pin.
Về lâu dài, tôi có niềm tin rằng lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản trong nước phải có chỗ đứng xứng đáng.
* Lâu nay vẫn hay nghe phàn nàn của những người làm nghiên cứu, nhất là các nhà khoa học trẻ. Chị có như vậy không?
- Sẽ vẫn còn phàn nàn dài dài nếu chúng ta tiếp tục vận hành các cơ chế, chính sách hiện có cho nghiên cứu khoa học.
Làm sao người nghiên cứu biết chính xác số lượng, khối lượng từng loại hóa chất, vật liệu ở giai đoạn viết đề xuất khi chưa bắt tay nghiên cứu? Vậy mà trong hồ sơ của bất kỳ đề tài nào cũng bắt phải kê chi tiết số lượng, khối lượng chính xác vật liệu cần dùng. Và nhiều điều khác nữa.
Tôi nghĩ cần phải có sự mạnh dạn để "gỡ trói" cho các nhà nghiên cứu mới thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu - phát triển mà chúng ta đang theo đuổi.
* "Gỡ trói" cho nhà nghiên cứu, điều tưởng như quá cũ rồi hóa ra vẫn thời sự.
- Chính xác là vậy! Cần phải có một cơ chế tài chính hợp lý hơn và giảm bớt giấy tờ, hành chính. Trong khi với khoản kinh phí cấp cho mỗi đề tài, chỉ cần giao cho chủ nhiệm cân đối, dự trù các khoản chi, họ sẽ biết cách sử dụng hợp lý.
Thực tế trong quá trình làm, nếu thiếu, tự nhà nghiên cứu cũng phải bỏ tiền túi thêm mà làm thôi.
Nhưng tôi vẫn khuyến khích các bạn trẻ nếu thật sự đam mê và muốn khám phá khoa học, hãy mạnh dạn bước vào con đường nghiên cứu. Có rất nhiều lối đi sẽ mở ra mà ngay từ khi bắt đầu bạn khó hình dung hết được. Ngay cả khi bạn gần như mất phương hướng trong thời gian tìm tòi hướng đi của riêng mình, cũng đừng quá hoang mang.
Nhiều bạn sinh viên trong nhóm nghiên cứu của tôi đã bắt đầu viết được bài báo khoa học ngay từ năm thứ ba, thứ tư, điều mà ngày đi học tôi không dám mơ.
Trong khả năng có thể, tôi luôn giúp sinh viên, học viên của mình tiếp cận những nơi có điều kiện nghiên cứu tốt nhất. Tôi đã gửi được một số bạn ra nước ngoài, có khi chỉ là khóa học vài tháng, nhưng sẽ giúp các bạn được nhiều đấy.
Với đồng nghiệp cũng vậy, nếu có thể giúp được gì cho họ, tôi luôn sẵn lòng.
Phòng lab 2 tỉ đồng
Được đơn vị ủng hộ, TS Nguyễn Tuyết Phương đã hình thành một phòng lab nhỏ ngay tại bộ môn hóa vô cơ và ứng dụng, khoa hóa học với thiết bị nghiên cứu khoảng 2 tỉ đồng. Nhờ tham gia thực hiện đề tài, Viện hàn lâm Khoa học thế giới (TWAS) đã hỗ trợ một phần kinh phí mua thiết bị cho phòng. Cộng với mối quan hệ thân tình, phòng lab của TS Phương còn nhận được một số thiết bị do GS Torben Lund (ĐH Roskilde, Đan Mạch), Công ty Reecotech (của một người bạn) tặng, số còn lại do chị... tự bỏ tiền túi mua.
Được vinh danh nhà khoa học trẻ
TS Nguyễn Tuyết Phương
* TS Nguyễn Tuyết Phương được Viện hàn lâm Khoa học thế giới (The World Academy of Sciences - TWAS) thuộc UNESCO vinh danh là Nhà khoa học trẻ (Young Afiliate) trong mạng lưới các nhà khoa học trẻ của TWAS giai đoạn 2013-2017, vì đã có đóng góp xuất sắc trong khoa học. Đến nay chị đã công bố 16 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế, tham gia 7 đề tài các cấp, trong đó chủ nhiệm hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐH Quốc gia TP.HCM, một đề tài Nafosted và một đề tài quốc tế do TWAS tài trợ.
PGS.TS Trần Lê Quan
* PGS.TS Trần Lê Quan (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM):
"TS Tuyết Phương đã để lại hình ảnh của một bí thư Đoàn trường năng động, đầy nhiệt huyết, đến giảng viên tận tâm với công tác giảng dạy và nghiên cứu. Nghiên cứu của Phương đã cung cấp một phương pháp kiểm tra nhanh độ bền của các chất màu nhạy quang mới được tổng hợp, cho phép tính toán, dự đoán độ bền sử dụng của nó trong pin thật với độ chính xác cao, chi phí thấp, góp phần đẩy nhanh quá trình thương mại hóa sản phẩm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận