Bà Thu Hà (hiện là phó viện trưởng Viện nghiên cứu di truyền và giống Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cùng các đồng nghiệp đã lai tạo thành công giống lúa OM6600, được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia năm 2011.
Ông xã tôi người Úc. Ông luôn tôn trọng cũng như hỗ trợ công việc của tôi. Ông nhiều lần bày tỏ ý định sẽ bảo lãnh tôi sang Úc - nơi có trình độ nông nghiệp hàng đầu. Nhưng tôi thường nói với chồng rằng tôi chưa làm được gì nhiều cho viện, cho đất nước nên chưa thể rời đi.
TS Phạm Thị Thu Hà
Tạo ra những giống lúa tốt hơn
* Vì đâu bà đam mê nghiên cứu các giống lúa?
- Gia đình tôi là nhà nông miền Tây nên những gì liên quan tới ruộng đồng, cây lúa đã có trong tôi từ nhỏ. Dần dần tôi đam mê với những hạt lúa, với việc làm sao có thể tạo ra nhiều giống lúa tốt hơn.
Những lần về quê công tác, nghe nông dân khen: giống này trồng tốt lắm, giống kia hiệu quả lắm tôi rất vui. Nhất là khi họ bàn nhau về giống của mình, có người nhớ cả tên tôi. Tôi chọn theo ngành di truyền giống từ khi còn là sinh viên. Đến lúc ra trường thì làm việc cho Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, rồi tiếp tục đến lúc học thạc sĩ, tiến sĩ.
* Bà có phải lội ruộng nhiều không?
- Rất nhiều. Theo nghề này, tới mùa thì kỹ sư, tiến sĩ đều phải lội ruộng, cấy lúa, rồi tự mình đo đạc các chỉ tiêu, phân tích, đánh giá... Năm 2006, khi mới ra trường về An Giang lần đầu gặp cây lúa ma, chúng tôi cũng phải lội nước mùa lũ để khảo nghiệm.
Gần 10 năm làm việc bên ruộng đồng cho tôi nhiều kinh nghiệm thực tế trước khi học lên tiến sĩ ở ĐH Hiroshima (Nhật). Tôi biết mình cần thêm gì, phải làm gì và không thấy nản khi về nước tiếp tục nghiên cứu. Nếu học cao học ngay khi tốt nghiệp, có thể tôi sẽ ngại ra ruộng mà chỉ thích nghiên cứu cơ bản.
* Đã nhận được giải thưởng rồi, bây giờ bà còn đang ấp ủ những dự án nào?
- Nhà chọn giống lúc nào cũng phải đi trước nông dân. Chẳng hạn trước đây nhà chọn giống tiên đoán trước sẽ tạo ra các giống lúa kháng rầy nâu thì nay phải chuẩn bị các giống sinh trưởng tốt trong điều kiện ngập mặn, nhất là khi hiện tượng này ngày càng có xu hướng khắc nghiệt ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài lúa, chúng tôi cũng bắt đầu quan tâm đến các đối tượng khác như cây ăn trái, hoa màu, đặc biệt là các loại rau xanh. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ mà tôi được giao khi về viện.
Hiện các giống rau màu ở Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu, tốn một khoản tiền không nhỏ hằng năm. Vì thế, nhiều loại rau Việt Nam xuất khẩu không từ "gốc", mà chỉ xuất sản phẩm. Nguyên nhân một phần do chúng ta chưa có thói quen để hạt các loại rau, việc bảo quản khó khăn. Trong khi nhập khẩu giống khá dễ dàng.
TS Phạm Thị Thu Hà (thứ hai từ trái qua) cùng các sinh viên trong phòng thí nghiệm nghiên cứu các loại giống - Ảnh: TỰ TRUNG
Xây dựng cơ chế làm không được thì bồi thường
* Nhà nữ khoa học trẻ ắt hẳn gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu?
- Khi về nước, tôi gặp nhiều khó khăn khi xin các đề án nghiên cứu từ các đơn vị, các tỉnh. Có lẽ không chỉ tôi mà không ít nhà khoa học trẻ, nhất là phụ nữ, cũng gặp khó. Không ít nơi chưa đủ tin tưởng, hoặc chỉ đánh giá khả năng thành công của đề án dựa vào các bài viết. Thành ra nhiều lúc mình muốn làm, muốn nghiên cứu mà như đang xin xỏ, trong khi mình đề xuất làm cho nước nhà sử dụng chứ mình có bán đâu. Thậm chí có đề tài tôi đưa ra, một nơi lại giao cho người khác làm.
Theo tôi, có thể xây dựng cơ chế làm không được thì bồi thường để thúc đẩy nghiên cứu. Trong khi mình muốn làm giống, muốn cho Việt Nam có giống và nông dân có giống thì mình làm thôi.
* Theo bà, những khó khăn đó có phải là cản ngại khiến nhiều bạn trẻ không muốn theo ngành nông nghiệp?
- Đúng vậy. Như chính ở viện chúng tôi, tìm các bạn trẻ đam mê rất khó. Số sinh viên theo ngành di truyền và chọn giống ở Việt Nam khá ít, có chăng chỉ là những bạn học ngành liên quan như trồng trọt, khoa học di truyền...
Một phần nữa là do vấn đề kinh tế. Việc làm nông nghiệp không thiếu nhưng thu nhập khá thấp, nên nhiều bạn trẻ ngại theo. Thậm chí nhiều bạn sẵn sàng làm các công việc trái ngành với mức thu nhập tốt hơn.
Nhiều bạn cũng "sợ" ra nước ngoài học tập, nghiên cứu vì tự ti tiếng Anh yếu. Tôi thường động viên các bạn bằng câu chuyện mình. Từng sang Philippines tập huấn năm 2007 nhưng tiếng Anh còn chưa tốt. Lớp học chỉ toàn tiến sĩ, giáo sư, chỉ có mình là kỹ sư. Vậy mà nhờ đó tôi học "lóm" thêm từng chút, từ cách giao tiếp, cách viết báo cáo, tất cả đều là tự học.
"Giáo sư Hàn Quốc tưởng tôi là nông dân"
TS Hà hướng dẫn sinh viên nghiên cứu lúa giống - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Năm 2014, tôi có dịp sang Hàn Quốc hỗ trợ nghiên cứu ngắn hạn về loại lúa nóng. Các giáo sư người Hàn ai cũng nghĩ tôi là... nông dân phụ việc do đen quá, mà lại còn tự đi ruộng. Khi đó, tôi mang ra bộ đồ nghề lai giống bằng tay, đồng nghiệp ai cũng ngạc nhiên bởi bên đó giờ đã lai bằng máy cả. Có người còn nói nước họ đã dùng phương pháp này... 50 năm trước. Cũng may, do chịu khó và kỹ lưỡng, các giáo sư bên đó ai cũng thương.
Ở trường, tôi tạo nhiều điều kiện cho sinh viên cơ hội nghiên cứu, tham dự các sự kiện, hội thảo khoa học về nông nghiệp để tiếp thêm đam mê. Mới đây, khi ra Hà Nội nhận giải L’Oreal, tôi không ngại lấy tiền túi dẫn theo 8 sinh viên, mong cho các em có cảm hứng với nghề. Trước đó, tôi cũng dành tiền hỗ trợ 2 em sang Thái Lan tham dự hội thảo về nông nghiệp để tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu và khuyến khích các bạn đi theo con đường này.
L'Oréal - UNESCO là giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ trẻ có nhiều thành tích và đóng góp cho cộng đồng. Năm 2019, giải thưởng L’Oréal - UNESCO năm 2019 vinh danh 3 nhà khoa học trẻ Việt Nam bao gồm TS Trần Thị Hồng Hạnh - nghiên cứu viên, Viện Hóa sinh biển, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, TS Hồ Thị Thanh Vân - trưởng phòng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM, TS Phạm Thị Thu Hà - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu di truyền và giống, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận