13/10/2024 06:00 GMT+7

Nữ tân SV y khoa Điện Biên từng mong chữa bệnh cho mẹ, mà mẹ đã mất một cách đau lòng

Cô bé bán rau Đặng Kim Thu ở bản nghèo biên giới Huổi Cơ Dạo, xã Nà Hỳ, huyện Nâm Pồ, Điện Biên - đỗ Đại học Kỹ thuật - Y tế Hải Dương. Từ nhỏ cô đã ước mơ trở thành bác sĩ, chữa bệnh cho mẹ, nhưng mẹ đã ra đi đau đớn.

Nữ tân SV Điện Biên đậu ngành y: Học để chữa bệnh cho mẹ, mà mẹ ra đi đau lòng - Ảnh 1.

Đặng Kim Thu quyết tâm học ngành y vì muốn chữa bệnh cho mẹ - Ảnh: VŨ TUẤN

Bàng hoàng vì mẹ qua đời

Thu khóc khi nhắc đến mẹ. Ngày ấy Thu đang thi học kỳ hai năm lớp 8, chỉ còn vài ngày nữa là cô tha hồ cắt rau ngót xuống chợ bán giúp mẹ. Vừa bước khỏi phòng thi, Thu được một cô giáo đón ở sân trường, rồi ai gặp sau đó cũng động viên "cố lên em nhé!".

Nhà Thu lúc ấy đã rất đông người, hàng xóm có nhà đốt đống lửa ngoài cổng theo phong tục đám ma. Thu về, bố đã bế mẹ xuống khỏi một sợi dây treo trên xà nhà, mẹ đã tự làm đau mình và ra đi như thế, cô bé lả đi trong nước mắt.

"Tôi không thể nào quên được ngày mẹ ra đi. Tôi còn nhỏ nên sau đó còn trách mẹ, sau này đọc lại bệnh án mới hiểu mẹ bị trầm cảm" - Thu tâm sự.

Ngày bé, Thu chỉ thấy bố hay đưa mẹ đi viện. Nhà cô cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 130km. Mỗi lần mẹ cô đi viện về, Thu lại thấy bà mang về lỉnh kỉnh những bọc thuốc. Nghe bố kể lại mẹ cô ốm vì nhiều bệnh, cả viêm dạ dày, cả khớp, và cả bệnh rối loạn lo âu.

Cả chục năm trời, mẹ cô chống chọi với bệnh tật. Bố mẹ ngâm rượu bán kiếm được đồng nào dành dụm thuốc thang đồng nấy.

Rồi bố Thu lặn lội đi tận Sơn La học tập mô hình chăn nuôi lợn rừng. Ông Sơn vét hết những đồng vốn trong nhà, vay mượn thêm ngân hàng và anh em bạn bè quyết tâm làm giàu.

Thế nhưng sau bao nhiêu công sức của bố mẹ Thu lên rừng lấy chuối, cắt cỏ, nhổ sắn… chăm bẵm, dịch tả lợn châu Phi ập đến.

Lũ lợn rừng chuẩn bị đến ngày xuất chuồng đang khỏe như máy ủi thì lăn ra chết. Nhìn cả đàn lợn, bao vốn liếng công sức của mình bị tiêu hủy, mẹ Thu khó thở như người lên cơn hen.

"Sau lần ấy, mẹ sốc tâm lý nặng nề. Chúng mình bé quá, mà không ai biết cách an ủi mẹ, chăm sóc tinh thần cho mẹ để mẹ vượt qua… Đến bây giờ thì…" - cô sinh viên không nói được nữa, ngăn giọt nước mắt sắp rơi trên khóe mắt.

Năm nay, khi có kết quả xét tuyển, Thu vừa mừng vừa lo. Cô đắn đo lựa chọn mãi giữa các trường sư phạm và giấc mơ trường y. Nếu cô học sư phạm, bố cô sẽ đỡ vất vả hơn nhiều vì không phải lo học phí cho con. Tiền sinh hoạt hằng tháng cũng được nhà nước hỗ trợ. Cô còn hai đứa em đang tuổi ăn học, một đứa năm nay vào lớp 10, đứa út học lớp 8.

Tân sinh viên Đặng Kim Thu

Tôi từng có ý định sẽ đi làm công nhân hoặc đi học nghề để kiếm tiền giúp bố trả nợ, nuôi em. Nhưng tôi nhận thấy chẳng có con đường nào bền vững hơn con đường học tập. Làm bác sĩ sau này sẽ giúp được nhiều người hơn, nhất là những người phụ nữ ở vùng cao biên giới như mẹ.

Cô bé nghèo bán rau là học sinh giỏi tỉnh Điện Biên

Từ ngày mẹ mất, bố cô già đi nhiều. Chút vốn liếng trước đó đã bị dịch dã cuốn đi mất, vốn liếng không còn lại gánh thêm cả khoản nợ. Lo tang ma cho vợ xong, ông Sơn dọn dẹp lại khu vườn nhà, nhân thêm giống lan rừng để bán. Nhiều lần ông livestream bán hàng trên mạng, Thu ngồi cạnh ghi chép rồi đóng hàng cho bố.

Nữ tân SV Điện Biên đậu ngành y: Học để chữa bệnh cho mẹ, mà mẹ ra đi đau lòng - Ảnh 2.

Ước mơ của Thu là chữa bệnh cho người dân nghèo biên giới Điện Biên - Ảnh: VŨ TUẤN

Bán trên livestream được số lượng nhiều nhưng giá rẻ, có đêm giới thiệu khô cổ cũng chỉ lãi được vài trăm nghìn đồng.

Sau dịch COVID-19, vườn lan vẫn còn nhưng không còn khách mua nữa. Ông Sơn lại vay mượn, gom góp đi học nghề lái máy xúc.

Sát đến ngày cô con gái cả phải đi nhập học, ông Sơn gõ cửa hết thảy nhà anh em, bạn bè vay tiền cho con nộp học phí.

Thầy cô giáo cũ của Thu động viên nhiều. Ông Sơn cũng mở mày mở mặt với hàng xóm. Cô con gái bé loắt choắt bán rau ở chợ ngày nào sắp trở thành bác sĩ! Ông cười nói, siết chặt tay với người trong bản. Nhưng tối về, đôi mắt ông đăm đăm. Thu biết bố lo nhưng giấu con.

Ngày mẹ Thu còn sống, những lúc bố cô đưa mẹ đi viện, Thu ở nhà cắt rau ngót gùi xuống chợ bán. Thu không thể nào quên những đồng tiền đầu tiên cô kiếm được ấy. Mỗi mớ rau cân đủ sáu lạng, hai bàn tay cô bé ôm không xuể chỉ bán được 5.000 đồng.

Cái gùi của người lớn Thu đựng vừa đủ 20 mớ rau, nặng gần hai chục cân. Nếu bán hết, cô kiếm được 100.000 đồng cho mẹ. Những hôm ế khách, cô phải bán rẻ một phần cho những hàng rau khác ở chợ. Cả gùi rau chỉ thu được vài chục nghìn đồng.

Thu cũng theo bố lên rừng lấy măng. Ở bản nghèo biên giới, mỗi cân măng mai bán được 1.000 đồng. Cả buổi đi rừng, muỗi đốt, vắt cắn, một gùi măng xuống chợ chỉ có vài chục nghìn đồng. Cô thương bố vẫn phải vào rừng tìm măng, tìm cây về bán. Có lần cô giật bắn mình vì trong cái gùi ông mang về có thêm con rắn hổ.

Cô bé bán rau ở chợ Nà Hỳ ngày ấy năm nào cũng được học sinh giỏi. Đến lớp 10, cô thi đỗ vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Điện Biên. Lớp 11, Thu đoạt giải C học sinh giỏi cấp tỉnh môn sinh học. Thu quyết đỗ trường y để trở thành bác sĩ. Cái nghèo, cái bệnh tật đã cướp đi người mẹ của Thu, cô không còn con đường nào khác là phải bước tiếp.

Hành trình vươn tới ước mơ của cô gái nghèo vùng cao biên giới còn sáu năm nữa. Một hành trình dài vừa nỗ lực vừa cần cộng đồng tiếp sức đến trường để cô bé bán rau ở bản nghèo năm xưa trở thành bác sĩ "cứu" mình và cứu người. Mong Thu thực hiện được mơ ước xuất phát từ một nỗi đau quá lớn của mình. 

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên"; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Sùng A Hồng vượt cổng trời Mường Lát đi học đại học ngành tiếng Anh - Ảnh 7.

Không được nhận cha, mẹ đi bước nữa, Cháng Thị Hương quyết vào đại học đổi đời  - Ảnh 7. Tân sinh viên Dương Thị Kim Duyên: Bà ngoại đặt tên để chữ Duyên neo cháu với đời

Mẹ tâm thần bị lạm dụng, sinh con được 8 tháng thì mẹ qua đời. Đứa trẻ lớn lên không biết cha là ai, bà ngoại một tay nuôi dưỡng với bao cực khổ. Nay bà đã 85 tuổi, cháu mới bước vào năm nhất đại học.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên