TTCT- Hằng đêm, khi mọi người còn ngủ say, những nữ tài xế xe đường dài bắt đầu ngồi bên vôlăng rong ruổi trong những chuyến đi xa. Anh em trong nghề thán phục gọi họ bằng cái tên “bông hồng xa lộ”. Chị Châu Mỹ Huỳnh trên một chuyến xe từ TP.HCM đi Đồng Tháp -QUANG ĐỊNH 4g30 sáng, bến xe (BX) Miền Tây (TP.HCM) còn vắng người qua lại, vài chuyến xe về Bạc Liêu, Sa Đéc... lặng lẽ rời bến. Tôi đang loay hoay tìm chiếc xe từ BX Miền Tây về TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) thì một người phụ nữ nhỏ nhắn khoát tay chỉ về phía chiếc xe màu xanh đậu gần đó nói: “Em đi Cao Lãnh thì lên xe chị ngồi đợi chút nghen, đủ khách chị mới chạy”. Đó là nữ tài xế Châu Mỹ Huỳnh (41 tuổi, quê Đồng Tháp), người đã gắn bó gần 20 năm cuộc đời với nghề chạy xe liên tỉnh. Trốn nhà đi học lái xe “Cả BX Miền Tây này chỉ có một nữ tài xế duy nhất là chị Huỳnh. Nhìn người thì nhỏ xíu vậy thôi nhưng chạy cứng lắm, tính tình lại cẩn thận nên khách đi xe họ thương. Không ít khách thường xuyên đi tuyến này yêu cầu phải chị Huỳnh chạy thì mới chịu đi” - một quản lý tại BX Miền Tây nói. Dưới ánh đèn mờ mờ của BX, chị lắc nhẹ ly cà phê uống cho tỉnh táo rồi trò chuyện vui vẻ cùng lơ xe và mấy người khách quen thuộc. Lát sau, chị lên chiếc xe 45 chỗ ngồi to kềnh càng và nổ máy. Chị đi một vòng kiểm tra lại khách, ổn định chỗ ngồi rồi nhẹ nhàng xoay vôlăng đưa xe rời bến. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có ba đời lái xe, từ nhỏ chị Huỳnh đã theo cha chạy xe khách xuyên suốt các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ từ đó, chị quen dần với việc ăn, ngủ trên xe khách rồi thương mến cái nghề này tự khi nào không biết. Chị Huỳnh và bà ngoại quấn quýt bên nhau trong những ngày chị được nghỉ phép -Thu Dung “Năm 14 tuổi, có lần tôi theo cha chở khách đi Sa Đéc. Lúc xe qua phà, tôi thấy có một phụ nữ tầm 50 tuổi lái chiếc xe tải chất đầy lúa nhìn rất oai. Tự nhiên, tôi thấy ngưỡng mộ người phụ nữ kia lắm và muốn trở thành một nữ tài xế như vậy!” - chị Huỳnh nhớ lại. Những ngày sau đó, suy nghĩ được trở thành nữ tài xế cứ thôi thúc chị và chị quyết tâm trở thành nữ tài xế để nối nghiệp cha. Thế nhưng, chị Huỳnh vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình vì “ai đời con gái lại làm tài xế” nên chị đành học lén. Ban ngày chị đi lơ xe phụ cha rồi để ý coi cha khởi động xe ra sao, lùi xe như thế nào... Đêm đến, khi cha về nhà ngủ say, chị lại tự ra bãi xe mày mò học lái. Nhiều lần, chị mải học rồi ngủ quên trong xe lúc nào không biết. Năm 18 tuổi, chị xin cha mẹ đi chơi xa rồi trốn qua tỉnh Vĩnh Long học chạy xe mấy tháng trời. Ngày chị mang tấm bằng lái về nhà, cha mẹ chị vừa giận vừa thương nhưng đành phải chấp nhận cho chị theo nghề. Từ phụ lái, chị lên lái chính rồi được một công ty tuyển vào làm tài xế có biên chế hẳn hoi. Cũng từ đó, chị trở thành lao động chính nuôi cha mẹ và các em trai ăn học. “Những ngày đầu mới chạy xe, anh em tài xế trong công ty cứ “bán tín bán nghi” không tin tôi theo nghề được. Rồi từ từ, họ thấy tôi cũng chịu khó, xử lý tình huống trên xe còn tốt hơn tài xế nam nên họ rất nể phục” - chị Huỳnh kể. Cùng ngồi trên chuyến xe, bà Phan Thị Liên (63 tuổi), khách quen của chị Huỳnh, gật gù khen con gái mà can đảm chạy xe đường trường là hiếm gặp và đáng quý lắm. “Con Huỳnh nó chạy xe bình tĩnh, cẩn thận, không bao giờ thấy nổi nóng, cáu gắt làm mất lòng ai. Thấy khách mang vác nặng, nó đều vui vẻ phụ chuyển đồ lên xuống tận tình”. Nghe có khách khen, chị Huỳnh cười tươi: “Mình được bà con thương yêu, giúp đỡ nên hạnh phúc cũng nhiều. Nhiều khách đi xe có đồ ăn gì ngon hay món gì lạ họ cũng cho mình”. Nhưng nghề nào cũng gian nan, vất vả, chị nhớ lại cách đây khoảng 10 năm, chị vừa làm tài xế vừa làm lơ rồi kiêm luôn khuân vác. Chị vác từng cần xé xoài cho khách đi xe đỡ mệt và được tặng xoài nhiều vô kể. Nhưng bây giờ, lưng chị vẫn âm ỉ đau nhức sau những chuyến đi xa. Xe về đến Cái Bè (Tiền Giang), trời chợt đổ mưa lâm râm, chị Huỳnh vội ngưng câu chuyện, giảm tốc cho xe chạy chầm chậm. Vài người khách phàn nàn: “Chạy chậm vậy khi nào mới về tới Cao Lãnh”. Dù nghe thấy, chị vẫn cười tươi quay sang giải thích với khách: “Cô bác thông cảm, trời mưa chạy nhanh nguy hiểm lắm. Mình đi chậm chút cho an toàn ạ”. Nữ tài xế Trần Thị Tuyết -NVCC Mỗi người một hoàn cảnh Mấy lần chạy xe trên đường, nhiều tài xế nam xe khác cứ đuổi theo để xem mình có phải con gái thiệt không. Tới nơi, nhìn rõ ràng là con gái thì mấy ảnh chỉ biết giơ tay chào khâm phục Chị Châu Mỹ Huỳnh Ngày hai chuyến xe đi về TP Cao Lãnh - TP.HCM, chị Huỳnh rời khỏi nhà từ tờ mờ sáng đến hơn 12g đêm mới về tới nhà. Gần 20 năm chạy xe, chị ít khi có được bữa cơm với gia đình. “Mình chạy xe đường dài mà, dừng ở đâu thì ăn ở đó. Bữa nào không kịp ăn, mình mua bánh mì hay xôi ăn tạm lót dạ là được. Cơm đường, cháo chợ riết cũng quen” - chị nhẹ nhàng nói. Đón tôi ở phà Cao Lãnh, chị tâm sự từ nhỏ chị sống với bà ngoại. Mấy bữa nay trái gió trở trời, ngoại chị bệnh nên chị xin nghỉ ở nhà săn sóc bà. Căn nhà nhỏ đơn sơ lọt thỏm trong mảnh vườn, bà ngoại chị ngồi ở bậu cửa run run cầm tay tôi nói: “Khó khăn lắm nó mới chịu ở nhà với tui mấy bữa. Cả chục năm nay, hiếm khi nào bà cháu được ngồi chung mâm cơm. Từ ngày nó đi chạy xe, đêm nào tui cũng thức trắng, ra cửa ngồi, đến khi nghe tiếng xe máy quẹo vào ngõ là tui mới nhẹ lòng”. Nhìn hai bà cháu quấn lấy nhau, tôi hỏi khi nào chị mới tính chuyện chồng con. Chị cười vô tư nói trước nay cũng có nhiều người thương, nhưng bà ngoại không chịu nên chị “ở vậy” lo cho ngoại. “Tui chỉ lo nó lấy phải người chồng không ra gì thì khổ cho nó thôi” - bà cụ cười móm mém đáp lời cháu gái. Ngót nghét 20 năm sống bằng nghề tài xế, chị đã lo cho các em trai ăn học thành tài. Chị cười tự hào khi kể về những người em giỏi giang lần lượt đậu vào ĐH Bách khoa TP.HCM. Bây giờ, mỗi ngày chạy xe, chị nhận được 200.000-250.000 đồng để trang trải cuộc sống, lo cho bà ngoại và đứa em út đang học năm cuối ĐH Bách khoa. Chị lạc quan: “Đợi thằng út ra trường, tôi ráng làm để dành tiền rồi mua xe chạy dịch vụ cho đỡ cực hơn”. Cùng là nữ tài xế nhưng cuộc sống của chị Trần Thị Tuyết (45 tuổi, quê An Giang) chuyên chở hàng từ tỉnh An Giang lên chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM) lại có phần khó khăn hơn. Cả nhà năm miệng ăn chỉ chờ vào đồng lương chạy xe của chị. Ba đứa con lại trong tuổi ăn, tuổi lớn khiến chị càng thêm vất vả. Chị chia sẻ: “Đàn bà, con gái mà chạy xe đi đường xa cũng nhiều nỗi lo lắng, lòng không lúc nào yên. May mắn là anh em trong nghề thấy mình thân gái mà phải bươn chải nên các anh hay nhường đường. Thỉnh thoảng, xe hư hay trục trặc gì dọc đường mấy ảnh cũng giúp”. Chị kể nhiều đêm phải chở hàng lên Sài Gòn, đang chạy thì xe chết máy giữa đường. Trời nhá nhem tối, chị tự soi đèn mày mò sửa xe. “Xe sửa xong, mình nhìn lại người toàn dầu nhớt đen thui, tủi thân lắm. Nhưng nhờ có những lần như vậy, bây giờ cứ nghe tiếng động cơ, mình đoán được là xe bị hư ở đâu và sửa như thế nào” - chị Tuyết tự tin. Hơn 11g đêm, tôi gặp chị ở một quán nước ven đường. Chị vừa xếp dỡ hàng lên xe xong, tranh thủ ghé quán nước chợp mắt trước khi chở hàng đi Bến Tre giao cho mối. Xuống xe, chị đi thẳng vào lu nước bên hông quán rửa mặt, chân tay cho sạch bụi đường. Kéo vạt áo lau mặt, chị kể khi chị sinh đứa con thứ ba thì chồng bỏ đi theo người khác. Một mình chị phải gồng mình lo cho cha mẹ và ba đứa con thơ. Thời đó, chị thấy nghề tài xế kiếm được nhiều tiền nên đánh liều vay mượn tiền đi học lái. “Có bằng lái, tôi vào mấy nhà xe xin chạy, chủ xe nào cũng lắc đầu không nhận, họ nói đàn bà con gái chạy xe tải không nổi đâu. Nhiều người đàn ông chạy còn không kham được phải bỏ nghề. Mấy tháng trời đi xin việc, cuối cùng có người chịu cho tôi chạy xe chở dừa ở Bến Tre lên TP.HCM. Tôi chạy quen dần rồi xin chạy những chuyến xa hơn để rèn tay nghề”. Ngoài lái xe ban ngày, có những lúc chị còn phải đi chở hàng thuê ban đêm hoặc làm bốc vác để kiếm thêm thu nhập. Trò chuyện với tôi nhưng mắt chị cứ nhìn xa xăm, lộ vẻ thâm quầng vì thiếu ngủ nhiều đêm. So với tuổi 45, chị già dặn, khắc khổ hơn nhiều. Thỉnh thoảng, chị nhấp ngụm nước trà rồi nhắc tới mấy đứa con chị ở nhà: “Không biết giờ này tụi nhỏ đã ngủ chưa?”.■ Tags: Nữ tài xếTài xế đường dàiBóng hồng xa lộ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.