03/07/2019 13:55 GMT+7

Nữ sinh vượt khó nhờ Room to Read - Kỳ 4: Giúp đỡ các thế hệ sau

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Trước mặt chúng tôi là cô gái 27 tuổi xinh đẹp, rạng rỡ, đang làm quản lý kinh doanh bất động sản và có một cửa hàng thực phẩm riêng ở quận 9, nhà riêng tại quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Nữ sinh vượt khó nhờ Room to Read - Kỳ 4: Giúp đỡ các thế hệ sau - Ảnh 1.

Các em nữ sinh đang được Room to Read hỗ trợ - Ảnh: RtR

Mình tham gia vào quỹ là để tăng trách nhiệm xã hội cho chính bản thân. Ngoài lo cho gia đình, mình nghĩ phụ nữ cũng là thành phần đóng góp quan trọng cho xã hội.

Võ Thị Thùy Dung

"Mình đã cố gắng để chứng minh rằng các cô gái cũng có thể làm việc như đàn ông. Và giờ mình tin điều lớn hơn thế là phụ nữ có thể làm rất tốt tất cả các việc cho thế giới" - Võ Thị Thùy Dung, người đang tham gia góp quỹ vào chương trình hỗ trợ giáo dục nữ sinh của Room to Read, nói.

Chia sẻ nối tiếp

Tháng 10-2018, Dung đã đến Zurich, Thụy Sĩ để phát biểu trong một buổi gây quỹ hỗ trợ các em nữ sinh nghèo khó. Cô từng là một nữ sinh mà nếu không nhận được sự hỗ trợ đúng lúc, cuộc đời đã rẽ sang ngả khác, không như hôm nay.

"Nhà mình ở Hóc Môn, hồi mình nhỏ thì khu vực này chẳng khác gì một vùng quê nghèo" - Dung kể. 

Cả gia đình lúc ấy chỉ xoay xở sống dựa vào thu nhập chính từ việc chạy xe ôm của người cha. Dung là con giữa và cũng là con gái duy nhất trong ba người con.

 Nghèo, từ nhỏ Dung đã biết đến việc thiếu tiền của gia đình. Cấp I, ý nghĩ ba anh em không thể cùng đủ tiền đi học, và là con gái thì phải nghỉ học để anh em trai được đi học đã ám ảnh Dung. 

Đó cũng là động lực duy nhất để Dung luôn cố gắng đạt thành tích học thật giỏi trong nhiều năm liền.

"Chương trình hỗ trợ nữ sinh đến với mình như một phép mầu vào năm lớp 6. Nhưng sau này nghĩ lại thì việc nhận được những món quà xe đạp, học phí, trang phục... chỉ đủ để mình cân bằng cuộc sống với những bạn bè trong lớp. Điều may mắn nhất mình nhận được từ chương trình là những buổi học kỹ năng, giúp đánh thức được bản thân" - Dung nhận định.

Nhờ những buổi học kỹ năng ấy đã giúp Dung nhận ra phụ nữ cũng có thể đóng vai trò chủ chốt trong gia đình và cả xã hội, nếu có thể kiếm được thu nhập ổn định dựa trên trình độ tri thức. 

Từ đó, Dung đã xông pha làm việc từ thời sinh viên, để đến khi tốt nghiệp thì Dung đã nhận được một mức lương khá từ công việc của mình trong một công ty bất động sản.

"Dung thông báo tốt nghiệp cũng là lúc Dung nói về việc tham gia chương trình hỗ trợ cho nữ sinh. Thực sự lúc đó tôi rất cảm động. Lúc ấy biết em còn phải lo cho gia đình nên tôi khuyên can" - cô Vũ Thị Bích, nhân viên Room to Read, kể lại.

Dung bộc bạch: "Những người giúp đỡ mình thì thường không cần mình trả ơn. Mình tham gia quỹ là để tăng trách nhiệm xã hội cho chính bản thân. Ngoài lo cho gia đình, mình nghĩ phụ nữ cũng là thành phần đóng góp quan trọng cho xã hội".

Nữ sinh vượt khó nhờ Room to Read - Kỳ 4: Giúp đỡ các thế hệ sau - Ảnh 3.

Một buổi tọa đàm của Room to Read dành cho các nữ sinh tuổi 18 - Ảnh: RtR

Hành trình khó khăn đánh thức nữ sinh nghèo

Việc theo suốt các em cũng là một trong những điểm khác biệt trong chương trình hỗ trợ giáo dục của Room to Read so với các tổ chức thiện nguyện khác. 

"Có quá nhiều vấn đề ngoài tưởng tượng của mình xảy ra với một em nữ sinh vùng quê" - Nguyễn Thị Diệu Sương, điều phối viên chương trình Room to Read tại Vĩnh Long, cho hay.

Tốt nghiệp ngành xã hội học, hơn sáu năm trước Sương tình nguyện xuống ở trọ một mình tại thị trấn Trà Ôn, Vĩnh Long - nơi cô chưa từng đặt chân đến. Đinh Thị Kim Thùy - sinh viên vừa tham gia gây quỹ 2,88 triệu USD mà chúng tôi nhắc đến đầu tiên ở loạt bài này - chính là lứa nữ sinh đầu tiên mà Sương nhận "đỡ đầu".

"Khóa của Thùy, Sương điều phối hỗ trợ cho 234 em lớp 6" - Sương nhớ lại. 

Sinh ra trong một môi trường được cha mẹ tạo mọi điều kiện chăm lo cho việc học từ nhỏ, khi bước chân lên cù lao Mây, xã Lục Sĩ Thành, Trà Ôn, Sương mới biết được cuộc sống của một bé gái lớn lên trong căn nhà không có điện. 

Nhưng nghèo khó không phải là vấn đề duy nhất, mà các em gái nơi đây hầu như sinh ra đều có sẵn ý nghĩ bỏ học trong đầu.

"Vì việc bỏ học diễn ra nhan nhản xung quanh. Mối mang lấy chồng xuất ngoại luôn sẵn. Những lời kể phiêu lưu tại Sài Gòn, Bình Dương của các cô gái từ quê ra đi rồi lâu lâu mang đồ đẹp trở về thăm nhà khiến các em ngưỡng mộ" - Sương nói.

Mỗi một chương trình mà Sương thực hiện phải mất sáu năm, khi các em tốt nghiệp phổ thông thì được xem là thành công. 

"Nhưng tốt nghiệp phổ thông chỉ là bước đầu, quan trọng nhất là đào tạo cho các em có các kỹ năng sống cần thiết để có thể nhận thức được giá trị bản thân, đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc đời" - Sương nói. 

Việc điều phối hỗ trợ vật chất thì khá dễ, nhưng việc thay đổi nhận thức thì trái lại.

"Đôi khi một bé gái bỏ học chỉ vì không thích một giáo viên. Hay đơn thuần là bị xếp chung chỗ ngồi với một bạn mà em không thích và cảm thấy chán. Nhưng thường các em không muốn nói ra, và mình phải làm sao để hiểu được những chuyện đó và tháo gỡ đúng thời điểm. 

Sáu năm là một hành trình dài để mình giúp các em qua được những va vấp này, để các em trưởng thành hơn trong suy nghĩ" - Sương kể.

Đặc biệt là giai đoạn từ lớp 9 lên lớp 10. Khi các em nghĩ mình đã đủ tuổi trưởng thành, khi những xưởng may vá trong các khu công nghiệp chỉ cần nhân viên tốt nghiệp lớp 9, thì con đường đi học ba năm cấp III trở nên vô ích và mất thời gian trong mắt các em gái 15 tuổi. 

Đây cũng là thời gian mà những người thực hiện chương trình như Sương phải nhận tin buồn nhiều nhất.

Hướng nữ sinh đến mục tiêu cao hơn thoát nghèo

Hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh là luôn mong muốn thấy được các em thành công hơn trên con đường học vấn. Bởi vậy, những thành viên Room to Read luôn làm thêm một công việc ngoài chương trình, là nỗ lực để tìm kiếm nguồn tài trợ học bổng cho các em khi vào đại học.

"Trên phạm vi toàn cầu thì chương trình chỉ cần tốt nghiệp phổ thông là đủ. Nhưng thực tế là con nhà nghèo vẫn phải xoay xở rất chật vật với chương trình đại học. Các em vốn mạnh mẽ nhưng không dám hoài bão gì lớn lao hơn ngoài suy nghĩ thoát nghèo. Nếu bớt lo về kinh tế, các em có thể sẽ hướng đến những mục tiêu cao hơn" - Nguyễn Thị Diệu Sương cho biết.

__________________________________

Kỳ tới: Người sáng lập Room to Read

Chuyện cô giáo Tây Thi

TTO - Những người đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật... đã hoàn toàn bất ngờ và không giấu được vẻ thích thú khi được một học sinh lớp 4, học trò của cô Tây Thi, dẫn họ đi tham quan và giao tiếp bằng tiếng Anh.


SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên