Năm 2024, HUỲNH NGỌC ANH THƯ - một nữ sinh Việt Nam - đã nhận được vinh dự này.
Chinh phục 5 ngoại ngữ
* Nhận đơn ứng tuyển từ toàn cầu nhưng lấy đúng 37 người, tỉ lệ chấp nhận học bổng vỏn vẹn 1,68%. Học bổng này có lẽ có mức độ cạnh tranh quá cam go...
- Đúng vậy. Trước khi vào được vòng xét duyệt của ĐH Toronto, ứng viên cần phải vượt qua vòng trường phổ thông đề cử. Một tiêu chí của học bổng là ứng viên phải được trường phổ thông của mình đề cử, và mỗi trường chỉ được đề cử một học sinh.
Nhưng cuối cùng may mắn đã mỉm cười. Giờ đây, tôi chuẩn bị bắt đầu theo học chuyên ngành thương mại tại ĐH Toronto. Tôi đã tìm ra niềm đam mê này khi mới sang Canada vào học lớp 8 năm 2020.
Thấy nhiều bạn bè có nhu cầu mua đĩa nhạc, quần áo, mỹ phẩm Hàn Quốc, tôi thử liên hệ một vài địa chỉ cung cấp hàng tại Hàn Quốc, sau đó kết nối với các bên vận chuyển để phân phối hàng về Canada. Mấu chốt là phải tìm được nguồn hàng và đơn vị vận chuyển tốt, có chi phí cạnh tranh.
Từ một số bạn bè ban đầu, dự án khởi nghiệp của tôi nhận được thêm các đơn từ những địa phương khác ở Canada rồi ở Mỹ.
Tôi tiếp tục tìm hiểu kỹ hơn các cách thức vận chuyển hàng sang châu Âu, châu Á và châu Úc. Mọi thứ với tôi đều mới mẻ và đều phải tự tìm hiểu. Nhưng nếu gặp khó khăn nào, tôi thường tìm đến những người có kinh nghiệm hơn để được tư vấn.
* Thành thạo đến 5 ngoại ngữ, Anh Thư đã học như thế nào?
- Ngôn ngữ đến với tôi khá tự nhiên. Khi muốn tìm hiểu thêm về văn hóa của một đất nước, tôi sẽ học ngôn ngữ của nước đó. Chẳng hạn, ngay từ lớp 6, tôi đã nhận thấy sự phủ sóng mạnh mẽ của văn hóa phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam, từ âm nhạc, điện ảnh đến ẩm thực.
Chính điều này khiến mình tò mò và muốn hiểu thêm về cách Hàn Quốc mở rộng văn hóa của họ ra nước ngoài.
Tiếng Việt và tiếng Anh tôi đã được cho học từ nhỏ. Tiếng Pháp tôi bắt đầu học trong ba tháng hè trước khi chuẩn bị sang Canada, vì đây cũng là một ngôn ngữ chính thức của nước này bên cạnh tiếng Anh. Tôi chính thức học tiếng Pháp tại trường công ở Canada cùng với các bạn học sinh bản địa.
Trong chương trình học IB, tôi sẽ phải học thêm một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh và tiếng Việt, nên đã chọn tiếng Tây Ban Nha, một phần vì ở châu Mỹ, tiếng Tây Ban Nha khá phổ biến. May mắn khi giáo viên Tây Ban Nha của tôi có rất nhiều bạn bè và họ đã dành thời gian kết nối, nói chuyện, giúp tôi sớm thành thạo.
Và hiện tại tôi chuẩn bị thi bài thi HSK6 tiếng Trung. Ban đầu khi học tiếng Trung, tôi có cảm giác sẽ không thể thông thạo được vì chưa quen với các bộ thủ.
Cuối cùng, thay vì tập trung vào sách vở, tôi tìm kiếm bạn bè người Trung, nhắn tin với họ bằng tiếng Trung. Cách học này không chỉ giúp mình dễ nhớ từ vựng, mà còn giúp mình khám phá sự khác biệt giữa ngôn ngữ trong sách và ngoài thực tế.
Quản lý quỹ thời gian của bản thân
* Với Thư, các ngôn ngữ mình học bổ trợ lẫn nhau hay cản trở nhau?
- Đây là câu hỏi tôi nhiều lần nhận được. Thật ra có đôi lúc tôi cũng nhầm lẫn đấy, đặc biệt là với những từ vựng ít sử dụng. Ví dụ, đôi lần tôi nhầm từ tiếng Trung sang tiếng Hàn. Cũng có khi trên lớp cô hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha nhưng tôi vô thức trả lời bằng tiếng Pháp.
Nhưng có lẽ đó chỉ là một vài lần, còn nhìn chung tôi nhận thấy các ngôn ngữ bổ trợ nhau rất tốt. Nhiều điểm ngữ pháp, từ vựng trong tiếng Hàn và tiếng Trung khá giống nhau, có thể giảm bớt thời gian học nếu đã biết một trong hai. Tương tự với tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.
* Học chính khóa, tự học ngoại ngữ, tham gia hoạt động ngoại khóa... Đâu là bí quyết quản lý thời gian của Thư?
- Tôi ước lượng quỹ thời gian của bản thân, từ đó lựa chọn triển khai vào từng thời điểm sao cho phù hợp nhất. Tôi luôn đặt việc học trên lớp là ưu tiên hàng đầu và xem đó là trách nhiệm lớn nhất, đặc biệt khi tôi chọn thử sức học các môn không phải là thế mạnh như lý, hóa.
Về ngôn ngữ, tôi tự tạo môi trường để làm quen với ngôn ngữ. Còn về những hoạt động ngoại khóa, mỗi ngày tôi chỉ mất khoảng 1-2 tiếng. Tuy nhiên, khi bạn để tâm và dành thời gian cho một việc gì đó, bạn sẽ hoàn thành rất nhanh.
Tôi cũng cần những kế hoạch rất rõ ràng và định hướng dài hơi. Chẳng hạn các mùa hè được mình tận dụng để học thêm ngoại ngữ hoặc làm các dự án cá nhân.
Các dự án cộng đồng còn lại sẽ được ưu tiên hoàn thành trước 2 năm học cuối để mình có thể dồn thời gian cho chương trình IB. Khi có lộ trình rõ ràng, mọi thứ sẽ được sắp xếp dễ dàng hơn.
* Suốt một hành trình học tập và rèn luyện dài như thế, theo Thư, đâu là cột mốc quan trọng nhất với mình?
- Tôi nghĩ cột mốc quan trọng nhất có lẽ là khoảng thời gian học... mầm non, khi mẹ cho đi học các môn nghệ thuật như đàn, hát, múa.
Thật ra lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu được lợi ích của những môn học này, và những bộ môn đó cũng không được nhắc đến nhiều trong thành tích hay công việc hiện tại.
Nhưng về sau, các kỹ năng này lại là nền tảng để mình có thể tham gia vào bất kỳ cộng đồng nào mà không cần lăn tăn đến những rào cản, giúp mình kết nối và giao tiếp tốt hơn dù đi đến bất cứ đâu, trong bất cứ môi trường nào.
* Ông Huỳnh Mẫn (ba của Anh Thư):
Thỏa thích khám phá những gì phù hợp
Chúng tôi không định hướng cháu nhưng luôn cố gắng làm sao để giúp cháu tiếp cận và trải nghiệm môi trường học tập tốt nhất. Quan điểm của tôi và cả mẹ cháu là học đúng tuổi, đúng chương trình và học tốt trong lứa tuổi của mình thôi, không cần học vượt học trước. Tuổi trẻ là để con được thỏa thích khám phá những gì phù hợp với sở thích cá nhân.
* Cô Melissa Brown (chủ nhiệm bộ môn tiếng Anh và nhân văn tại Trường London International Academy, trường phổ thông Anh Thư theo học):
Có trách nhiệm và tư duy cởi mở
Anh Thư thể hiện sự hứng thú và tinh thần học tập bằng tư duy phản biện và kỹ năng hùng biện của mình. Trải nghiệm ngoại khóa giúp bạn trở thành một người có trách nhiệm và có tư duy vô cùng cởi mở. Khi tìm kiếm một "peer leaders" (người lãnh đạo cho một nhóm người cùng tuổi - PV) để hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn về vấn đề giao tiếp xã hội, học tập hay đang nhớ nhà, bạn đã được tất cả các giáo viên, gồm cả tôi, nhiệt liệt đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận