Nữ sinh tiểu học hút thuốc lá trong sân trường, trách nhiệm của nhà trường hay gia đình?

Xung quanh vụ việc nhóm nữ sinh tiểu học hút thuốc lá trong sân trường, đã nổ ra tranh luận trách nhiệm quản lý, giáo dục trẻ là của nhà trường hay gia đình.

hút thuốc lá - Ảnh 1.

Nhóm nữ sinh tiểu học ở An Giang hút thuốc trong sân trường - Ảnh cắt từ clip

Sau phản ánh của Tuổi Trẻ Online về việc nhóm nữ sinh tiểu học một trường ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang phì phèo hút thuốc lá trong sân trường, có nhiều ý kiến của bạn đọc tranh luận về trách nhiệm quản lý, giáo dục trẻ.

Cùng với việc lên án hành vi bán thuốc lá cho trẻ, bạn đọc cũng yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi này.

Đọc tin mà cứ tưởng nhầm, xem cặp con mình đang có gì trong đó?

Bạn đọc Huong Vu tỏ ra kinh ngạc khi thấy hình ảnh nhóm nữ sinh tiểu học vô tư hút thuốc lá.

“Ôi trời! Mới đọc tưởng mình nhầm lẫn, tin này không có thiệt. Ai dè tới năm em học sinh tiểu học cùng hút thuốc. Nguy hiểm quá, phụ huynh cần kiểm tra xem cặp sách của con mình đang có gì trong đó” - bạn đọc Huong Vu lên tiếng.

Bạn đọc Trần Công Thành viết “không nghĩ đây là hành động của những học sinh tiểu học. Hành vi phản cảm này để lại nhiều nhức nhối”.

Cùng quan điểm, bạn đọc tên Trang cho rằng hành vi trên quá phản cảm. Cha mẹ nên quan tâm con cái nhiều hơn, đồng thời nên quản lý chặt chẽ việc bán thuốc lá cho trẻ em.

Bạn đọc tên Phát tỏ ra lo lắng: “Thật sự cho con đi học còn lo hơn con ở nhà. Đi học mà bao tệ nạn rình rập xung quanh”.

Đáp lại, bạn đọc tên Phát và tài khoản có tên Hoang Long cho rằng: "Vậy là lỗi do đi học, do nhà trường hay sao?

Ở đâu các bé có thuốc lá? Tại gia đình, mỗi ngày người lớn có hút thuốc không? Môi trường sống xung quanh các bé có lành mạnh không?".

Bạn đọc Tuấn nhận định việc này xảy ra phần lớn là do quản lý từ gia đình. Rất nhiều trường hợp bố mẹ hút thuốc trước mặt con cái.

“Con tôi học lớp 5 có kể một số bạn lấy thuốc lá điện tử của bố mẹ lên rủ các bạn trong lớp hút” - bạn đọc Tuấn viết.

Trong khi đó theo bạn đọc tên Nhân, sự việc xuất phát do các em tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm mà thiếu sự giám sát, quản lý của gia đình. Các em học theo trên mạng để chứng tỏ mình “trưởng thành”, “chịu chơi” hơn cùng trang lứa.

“Vấn đề đặt ra là gia đình quản lý như thế nào việc sử dụng điện thoại của các em? Cơ quan chức năng làm gì với những video độc hại trên mạng? Nhà trường dạy kỹ năng sống cho các em như thế nào tại trường?” - bạn đọc Nhân góp ý.

Theo tài khoản le_q***@yahoo.com, việc này mà đổ lỗi do nhà trường không giáo dục thì chỉ là lý thuyết. Nội quy học sinh, bài học trong sách các em đều được học. Vậy môi trường gia đình và xã hội như thế nào?

Tài khoản than***@thanhphuoc.com cho rằng “nhiều người cứ đổ lỗi do nhà trường, trong khi thầy cô chỉ cần la mắng học sinh thôi là phụ huynh đã nhảy dựng lên rồi”.

“Người chịu trách nhiệm cho hành vi không đúng của các em trước tiên là gia đình. Người lớn phải làm gương, hạn chế hút thuốc hoặc tốt nhất không dùng đến. Và phải cùng với nhà trường nghiêm khắc răn đe” - bạn đọc Na chia sẻ.

Bạn đọc Trần Đăng Hiến cho rằng để giáo dục một con người phải có cả gia đình, nhà trường và xã hội. Bạn đọc Ngọc Trâm đề xuất cha mẹ cần nên theo sát, theo dõi con em mình. Và nhà trường cũng nên kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tài khoản zaza***@gmail.com hy vọng cơ quan chức năng xem xét các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn.

Học sinh hút thuốc lá, xử lý người bán được không?

Theo luật sư Nguyễn Thị Thu Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Theo đó, dù đã hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm (trong khuôn viên trường tiểu học), nhưng vì chưa đủ tuổi quy định nên nhóm học sinh trong clip không bị xử phạt hành chính đối với vi phạm đã nêu.

Trong trường hợp này, nếu xác định được người đã bán thuốc lá cho các em, chính quyền địa phương có thể xem xét, xử phạt người đó từ 3-5 triệu đồng về việc “bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi” (theo điểm b khoản 2 điều 26 nghị định 117/2020 đã được sửa đổi, bổ sung).

Để thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các trường học, trong đó có các trường tiểu học nên có quy định về việc thực hiện trường học không khói thuốc lá.

Đồng thời với việc chủ động giáo dục, truyền truyền, các trường học còn phối hợp với gia đình, ban đại diện cha mẹ học sinh để giáo dục cho các học sinh về việc phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều này hoàn toàn phù hợp với nghĩa vụ và quyền giáo dục con cái theo luật định. Cụ thể là cha mẹ có nghĩa vụ và quyền phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.

Các trường học cũng nên quy định rõ hình thức xử lý vi phạm dành cho các đối tượng có liên quan. Chẳng hạn, đối với học sinh thì mức độ xử lý nhẹ, nặng tùy thuộc lần đầu vi phạm hay lần thứ hai, lần thứ ba trở lên.

Như vậy, tuy các cơ quan chức năng không thể xử phạt hành chính các học sinh vi phạm nhưng nhà trường, phụ huynh có thể nhắc nhở, lưu ý các em dứt khoát không lặp lại hành vi phản cảm và vi phạm pháp luật tương tự.

Nữ sinh tiểu học hút thuốc lá trong sân trường: Trách nhiệm của nhà trường hay gia đình? - Ảnh 3.Nữ sinh 12 tuổi ở Thái Lan nguy kịch do thói quen hút thuốc lá điện tử

Một nữ sinh 12 tuổi ở tỉnh Buri Ram của Thái Lan nhập viện trong tình trạng khó thở, nôn mửa và suy nhược nghiêm trọng, sau 2 năm hút thuốc lá điện tử.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên