Tính xuất khẩu lao động tìm đường mưu sinh
Hay tin cháu gái đậu vào Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, bà Trần Thị Thương (dì Hai của Huỳnh Như, ngụ xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) mừng rơi nước mắt. Sau từng ấy năm bà chắt chiu cho đứa cháu gái kém may mắn đến ngày nhận lại quả ngọt, dẫu còn đó những lo toan.
Nữ sinh mồ côi cha ở Hồng Ngự, ‘việc gì cũng biết làm’ để được đi học
"Vợ chồng tôi đã chạy vay được mười mấy triệu đóng học kỳ đầu tiên cho trường đại học, tiền trọ ở ghép mất 1,5 triệu đồng/tháng. Đâu đó tôi đã liệu sẵn, khổ thì khổ vẫn phải lo cho cháu", bà Thương nói.
Như mồ côi cha từ nhỏ, còn mẹ rời quê đi TP.HCM làm thuê rồi lập gia đình mới. Gia đình người dì đón cháu về ở hồi Như mới biết đi chập chững.
Vợ chồng bà Thương có hai con, một trai một gái, từ đó có thêm Như. Dượng Hai của Như làm phụ hồ, bốc vác lúa mướn trong thị trấn Thường Thới Tiền, còn dì Hai làm thuê đủ việc, buông cái này bắt cái kia mới có cái ăn trong gia đình.
Huỳnh Như nói từ khi bạn nhận thức được mình côi cút, thương dì Hai vất vả nên nhiều lần muốn nghỉ học sớm tìm đường xuất khẩu lao động.
Nhớ lại năm đó hình như Huỳnh Như mới lên lớp 9.
Ý nghĩ non nớt của đứa trẻ 15 tuổi tìm đường mưu sinh còn dai dẳng đến hôm nay khiến hai anh chị lớn (con dì Hai) chạnh lòng khuyên ngăn.
Như nhớ mãi lời anh Hai nói "không được nghỉ học, mới chừng này tuổi thì kiếm được bao nhiêu tiền, phải đi học mới có tương lai, ráng học giỏi anh phụ lo cho mày". Còn chị Ba nói sẽ vay tiền đóng học phí, em cứ an tâm đi học, sau này có tiền trả chị, không chị sẽ đi làm từ từ trả cho người ta.
Huỳnh Như ngồi khóc ngon lành, kể lại chuyện mình bằng nước mắt, những nghẹn ngào từng ấy năm bỗng vỡ òa.
Nhờ tình thương của gia đình, Như quyết tâm học, ngoài giờ ở trường, bạn nhận làm thêm bán thời gian trong thị trấn.
"Việc gì mình cũng biết làm", Như cười nói trong bếp. Mấy ngày trước khi rời gia đình lên TP.HCM trọ học, bạn tranh thủ phụ dì Hai dọn dẹp nhà, nấu ăn và dạy học cho hai đứa cháu.
"Mình thích những ngày hè, có thể đi làm xuyên suốt, dành tiền sắm sửa đồ dùng học tập. Hè lớp 10 mình nhận livestream bán hàng online. Hè lớp 11 bạn mình giới thiệu phụ việc tiệm làm tóc, mình có thể làm nail, làm cả ngày từ 8h đến 21h được trả 120.000 đồng, hôm nào lễ tết làm đến khuya mình được nhận 150.000 đồng", Huỳnh Như kể.
Mẹ về, Như có thêm một gia đình
Năm 2019, bà Trần Thị Đẹp Em (mẹ Huỳnh Như) từ TP.HCM trở về sống nương nhờ nhà ngoại. Người mẹ ngoài bốn mươi, thân thể gầy còm, tinh thần xác xơ vì bị bạo hành gia đình, tay trắng hồi hương cùng căn bệnh phổi và một bào thai đang lớn.
Vượt qua thời gian khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, em trai cùng mẹ khác cha của Như năm nay lên bốn, đi học trường mầm non. Bà Đẹp Em lãnh vé số đi bán, sức khỏe yếu không chịu nổi nắng mưa, lúc ế ẩm hụt vốn. Rồi bà xin rửa chén quán ăn kiếm được 150.000 đồng/ngày.
Hỏi bà có lo lắng gì cho con gái Huỳnh Như không, người mẹ chỉ khóc, bà nói từng câu ngắt quãng: "Con học giỏi mừng lắm, nhưng biết làm sao để lo cho nó bây giờ. Tôi bệnh, nhà không có, sống nhờ bên ngoại, mong con học thành tài".
Nỗi nhọc nhằn chưa từng vơi trên đôi vai nhỏ nhắn của cô nữ sinh mồ côi cha, hỏi về dự tính tương lai, đôi mắt bạn trũng sâu trong nước mắt. Như nói mục tiêu thoát nghèo đã thôi thúc bạn cố gắng không ngừng.
Rồi Như khoe đã nộp 5 bộ hồ sơ xin việc bán thời gian trên TP.HCM, hy vọng sớm có việc làm thêm.
Đỗ Thị Huỳnh Như trúng tuyển ngành logistics Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM bằng phương thức xét học bạ với 22,6 điểm.
Cô Lê Thị Ngọc Bích, giáo viên Trường THPT Hồng Ngự 3, thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết Huỳnh Như có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, nhà trường rất quan tâm hỗ trợ miễn giảm học phí.
"Tôi là giáo viên bộ môn của em Như từ lớp 10 và chủ nhiệm lớp 12, biết em khó khăn, tôi nhiều lần động viên em đừng nản chí. Những năm qua, ngoài giờ học em xin đi làm thêm nhiều việc như phục vụ quán cà phê, xin phụ việc ở tiệm nail, tiệm tóc… đến kỳ nghỉ hè em nhận làm xuyên suốt. Tôi mong em có thể nhận được suất học bổng, giúp cho việc vào đại học bước đầu dễ dàng hơn", cô Bích nói.
Ngày mai trao học bổng Tiếp sức đến trường cho 110 sinh viên 11 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 21-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành Đoàn Cần Thơ, VTV Cần Thơ, Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 110 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 11 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ.
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,6 tỉ đồng do Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền và Giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (10 học bổng, 150 triệu đồng cho tân sinh viên tỉnh Vĩnh Long) tài trợ.
Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tài trợ quà tặng ba lô cho tân sinh viên, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam tài trợ 6 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị học tập. Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ hỗ trợ 8 suất học bổng tiếng Anh cho khóa luyện thi IELTS miễn phí cho tân sinh viên đang học tại TP Cần Thơ.
Đây là điểm trao thứ sáu trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 572 của báo Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận