28/01/2016 06:00 GMT+7

Học trò tiểu học bị thầy giáo xâm hại, làm sao tránh?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG

TTO - Dư luận vô cùng phẫn nộ trước việc thầy giáo xâm hại tình dục nữ sinh lớp 2 ngay trong lớp học ở một trường tại Tây Ninh. Làm sao có thể bảo vệ trẻ?

Hãy giáo dục trẻ về giới tính từ sớm
Hãy giáo dục trẻ về giới tính từ sớm

Không tưởng tượng nổi….

Đó là sự thảng thốt của nhiều người khi đọc thông tin thầy giáo xâm hại học trò. Không ai có thể hình dung tại sao một người được gọi là thầy giáo có thể hành động mất nhân tính như vậy với học trò của mình.

Cảm thấy ghê tởm và lo lắng là cảm xúc của chị Kim Đoan (TP.HCM). Theo chị Kim Đoan, dù cha mẹ có kỳ công dạy dỗ, hướng dẫn con cái cách bảo vệ mình đi chăng nữa thì trong trường hợp gặp người quen (như thầy giáo) thì con trẻ biết xử lý thế nào? Và với sức lực non nớt chúng biết thoát bằng cách nào?

“Khi bị xâm hại, các con sẽ sống thế nào để vượt qua nỗi ám ảnh, nỗi sợ hãi, tổn thương sâu sắc về tinh thần ? Yêu râu xanh cứ nhan nhản thế này liệu chúng ta có đảm bảo được tương lai cho thế hệ măng non? Xin thưa là không. Do đó tôi hy vọng pháp luật nên tăng mức hình phạt cao nhất để không còn những kẻ biến thái làm dơ bẩn xã hội này nữa”- chị Kim Đoan nêu ý kiến.

Bạn đọc Việt Quốc cũng có cùng quan điểm là hãy bảo vệ trẻ em bằng việc tăng nặng hình phạt tù lên tối thiểu 30 năm bởi những kẻ này “đã vĩnh viễn cướp đi sự ngây thơ, trong trắng của các em và quyền được phát triển bình thường của một con người”, bạn đọc viết.

Nhiều người cũng đặt vấn đề về đạo đức của người thầy và những biện pháp cần tăng cường để bảo vệ trẻ em trong trường học.

Dạy trẻ biết bảo vệ mình càng sớm càng tốt

Là người có kinh nghiệm hơn 10 năm trong vấn đề bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, tiến sĩ (TS), chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy cho biết nhiều thầy cô và phụ huynh nghĩ rằng chỉ khi đến tuổi dậy thì mới nên dạy cho trẻ về giáo dục giới tính.

“Theo tôi, đó là quan niệm sai lầm. Thực tế cho thấy nhiều trẻ mầm non, trẻ cấp 1 bị xâm hại nhưng hoàn toàn không biết đó là hành vi xâm hại, nếu cha mẹ không dạy trẻ từ nhỏ. Tổn thương bị xâm hại tình dục sẽ ám ảnh và có thể ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của trẻ. Có những trường hợp phải đưa trẻ ra khỏi môi trường trường học, gặp gỡ các chuyên gia trị liệu để nâng đỡ tinh thần và giúp trẻ phục hồi”, TS Phạm Thị Thúy nói.

Thạc sĩ (ThS) tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân cũng đồng tình với quan điểm nên có những bài học về giới tính phù hợp từng độ tuổi để dạy cho trẻ, không chỉ với bé gái mà còn là cả bé trai.

Theo TS Phạm Thị Thúy, bài học đầu tiên cần dạy trẻ là phải biết quý trọng thân thể và không ai được quyền đụng chạm đến vùng quần lót, áo lót của trẻ, trừ cha mẹ khi vệ sinh thân thể cho bé hoặc bác sĩ khám bệnh, với điều kiện có cha mẹ bên cạnh.

Khi giúp trẻ phân biệt được hành vi nào là tuyệt đối cấm, trẻ mới có được phản ứng tránh xa và la lên khi người khác có ý đồ xâm phạm mình.

Bên cạnh đó, ThS Vũ Cẩm Vân còn khuyên các ông bố, bà mẹ nên để tâm nhiều đến những biểu hiện của con.

Chẳng hạn khi bé tỏ ra không thích một người nào đó, bố mẹ đừng vội phủ nhận. Việc cần làm là tìm hiểu vì sao bé không thích. Ngay cả với những người họ hàng hay hàng xóm khác giới, cũng cần phải giữ một khoảng cách an toàn cho bé.

Bố mẹ cũng có thể dạy trẻ vài thế võ tự vệ và cách cầu cứu khi gặp nguy hiểm.

Cần thêm giám thị, giám sát viên trong trường?

Chia sẻ với TTO, một thầy giám thị trường cấp 2 ở quận 11, TP.HCM cho biết những vụ việc như thế này làm ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh người thầy giáo trong mắt phụ huynh và học sinh.

Theo vị giám thị này, nếu các trường có kinh phí thì nên tăng cường thêm đội ngũ giám thị hoặc những người giám sát để bảo vệ học sinh được sâu sát và kỹ càng hơn, tránh những trường hợp đau lòng xảy ra và cũng là ngăn ngừa những “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành giáo dục.

Về vấn đề này, TS Phạm Thị Thúy cho rằng không nên có tư tưởng chủ quan rằng chuyện xâm hại tình dục trong nhà trường là chuyện rất hiếm khi xảy ra, là chuyện ở đâu đó ngoài kia.

Ngoài sự giáo dục của cha mẹ, các trường cũng nên có nhiều bài học về giáo dục giới tính cho trẻ.

Theo TS Phạm Thị Thúy, mỗi trường đều có đội ngũ bảo vệ, giám thị, những thầy cô làm công tác đội - đoàn và đây là những người sẽ góp thêm vòng tay để bảo vệ trẻ bằng sự tận tâm và đạo đức nghề giáo của mình.

“Tôi thấy một số trường cho lắp camera trong nhà vệ sinh để vừa bảo vệ an toàn cho học sinh, vừa để những kẻ xấu không có cơ hội thực hiện hành vi của mình. Hay như khi hết giờ học thì cũng nên có quy định chặt chẽ về việc quản lý học sinh và đội ngũ thầy giám thị, bảo vệ nhà trường cũng nên đi kiểm soát để tránh nguy cơ xấu cho học sinh của mình”, TS Phạm Thị Thúy bày tỏ quan điểm.

Có nên tăng nặng mức phạt?

Luật sư (LS) Lê Quang Vũ, phó trưởng Văn phòng luật sư người nghèo cho biết Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành quy định hành vi xâm hại tình dục nữ sinh lớp 2 của giáo viên có dấu hiệu phạm tội hiếp dâm trẻ em dưới 13 tuổi, theo khoản 4 điều 112 BLHS mức hình phạt chính từ 12 năm đến 20 năm, chung thân, tử hình. Ngoài ra còn hình phạt bổ sung là bị cấm hành nghề giáo viên tiếp xúc với trẻ em từ 1 đến 5 năm.  

Về ý kiến dư luận cho rằng cần phải nặng trong trường hợp đặc biệt này, theo LS Lê Quang Vũ, BLHS hiện hành cũng như BLHS mới sẽ có hiệu lực từ 1-7-2016 cũng đã có quy định những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và khung hình phạt khá rộng để áp dụng.

LS Lê Quang Vũ đánh giá người làm giáo viên đào tạo, được xã hội tín nhiệm mà phạm tội thế này thì sẽ bị xử nặng hơn những người trình độ nhận thức thấp.

Phạm tội đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc giáo dục, giữa giáo viên với học sinh cũng là tình tiết tăng nặng.

Về tội hiếp dâm trẻ, BLHS mới điều 142 quy định chi tiết, cụ thể hơn nhưng hình phạt nhẹ hơn ví dụ hiếp dâm trẻ dưới 10 tuổi mới bị phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình, thay vì BLHS hiện hành là dưới 13 tuổi.

LS Lê Quang Vũ

Theo LS Lê Quang Vũ, từ năm 1996 bang California (Mỹ) tuyên bố cho phép xử phạt với hình thức "thiến" đối với tội phạm hiếp dâm nhằm vào trẻ em dưới 13 tuổi hoặc phạm tội nhiều lần. Sau đó, nhiều bang khác đã làm theo. Hình thức này Việt Nam chưa áp dụng.

Ở Châu Âu có Đức, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan, các nước khác như Argentina, Úc, Israel, New Zealand... cũng đã áp dụng hình thức xử phạt tương tự.

Năm 2010, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên ở châu Á thông qua luật chống hiếp dâm bằng áp dụng cung hình (thiến). Ngoài ra, Hàn Quốc còn áp dụng việc gắn vòng chân điện tử ở cổ chân để kiểm soát và ngăn ngừa tội phạm tội phạm tình dục.

Indonesia chính thức đưa ra biện pháp thiến áp dụng từ tháng 10-2015 để ngăn chặn vấn đề xâm hai tình dục trẻ em.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> TS Phạm Thị Thúy

>> ThS Vũ Cẩm Vân

>> Luật sư Lê Quang Vũ

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục