11/08/2024 16:23 GMT+7

Nữ sinh giành học bổng ngành khoa học hành tinh

Trịnh Hoàng Diệu Ngân vừa giành học bổng toàn phần bậc thạc sĩ khoa học hành tinh và môi trường của Trường Sư phạm Paris thuộc Đại học Paris Sciences et Lettres (PSL).

Nữ sinh giành học bổng ngành khoa học hành tinh- Ảnh 1.

Trịnh Hoàng Diệu Ngân - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trịnh Hoàng Diệu Ngân (21 tuổi, quê Bình Định) hiện là sinh viên năm cuối ngành khoa học vũ trụ và công nghệ vệ tinh thuộc Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Học bổng giúp Ngân có hai năm học thạc sĩ tại PSL. Đây là trường hạng 24 thế giới và đứng đầu ở Pháp, theo QS năm 2024. Ngoài ra, đây cũng là nơi hội tụ của các nhà khoa học lớn với 14 giải Nobel và 11 giải thưởng Fields.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Diệu Ngân cho biết:

- Tôi từng là học sinh lớp không chuyên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Từ nhỏ, tôi luôn có hứng thú với khoa học và đam mê của tôi bắt đầu từ những câu hỏi đơn giản như: Tại sao lại có mưa? Bão hình thành như thế nào? Nơi tôi lớn lên là thành phố biển Quy Nhơn với mùa mưa và mùa khô khá rõ rệt và cũng thường xuyên nghe tin bão lũ trong tỉnh cũng như ở các tỉnh lân cận.

Do đó khi lớn lên, tôi luôn tò mò về các hiện tượng thời tiết và thường đặt câu hỏi về bản chất và nguyên nhân của những hiện tượng này. Đây là lý do chính tôi muốn nghiên cứu về các quá trình và hiện tượng liên quan đến chuyển động của không khí trong khí quyển, hay nói chung là về bất kỳ chất nào có khả năng chảy và có thể thay đổi hình dạng dưới tác động của lực bên ngoài.

Ngoài ra, anh trai tôi đã truyền cảm hứng cho tôi. Anh ấy cũng rất yêu thích vật lý và có nhiều sách về vũ trụ, giúp tôi đọc và khơi dậy sự tò mò về lĩnh vực này.

* Bạn đã theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học như thế nào?

- Cấp III là lúc tôi bắt đầu tìm hiểu về nghề nghiệp liên quan tới đam mê của mình và tôi nhận thấy bản chất của công việc nghiên cứu, tìm kiếm, làm sáng tỏ những vấn đề chưa được giải quyết có sức hút lớn với tôi.

Để hiểu rõ hơn về công việc này và cơ hội nghề nghiệp tương lai, tôi tìm đến những lớp học/workshop được tổ chức ở Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (Trung tâm ICISE, tọa lạc tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Tại đây tôi được tiếp xúc trực tiếp và nghe bài giảng từ những anh chị đang học tập hoặc làm nghiên cứu trong ngành cũng như các nhà khoa học trên thế giới.

Chính điều này đã giúp tôi hiểu rõ hơn cách mọi người tìm hiểu, thảo luận và giải quyết một vấn đề trong nghiên cứu, cũng như một số chủ đề đang được quan tâm.

Trung tâm ICISE là nơi cho tôi những mối quan hệ/kết nối đầu tiên với mọi người trong ngành, được động viên nộp hồ sơ vào Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và sau này vẫn thường gặp lại mọi người tại ICISE.

Sau khi lên đại học, tôi vẫn thường xuyên đăng ký tham gia các sự kiện tại ICISE và mở rộng kiến thức cũng như kết nối của mình. Điều này cũng cho tôi nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm phong phú để ứng tuyển vào các vị trí thực tập và các chương trình thạc sĩ ở nước ngoài sau này.

Diệu Ngân (đứng thứ hai từ phải sang) trong một chương trình tại ICISE năm 2023 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Diệu Ngân (đứng thứ hai từ phải sang) trong một chương trình tại ICISE năm 2023 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi không tự tin rằng mình sẽ đậu nhưng chỉ cần dám thử thì cơ hội thành công luôn tồn tại, dù có nhỏ đến đâu. Tôi luôn tin tưởng và không ngừng hy vọng.
Trịnh Hoàng Diệu Ngân

* Trong quá trình theo đuổi khoa học của mình, bạn đã gặp phải những khó khăn gì và bạn vượt qua bằng cách nào?

- Trải nghiệm nghiên cứu đầu tiên của tôi là khi thực tập tại Đài Loan. Ở đây tôi được giao một bài toán chưa có lời giải. Sau hai tháng làm việc và kiểm tra lại các tính toán rất nhiều lần, cả tôi và người hướng dẫn đều không tìm được một lời giải "đẹp" để mô tả hệ thống của bài toán.

Cô hướng dẫn của tôi cho rằng đây có thể là cái xui vì một bài toán không có đáp án đẹp. Nhưng đó cũng là một cái may vì tôi được trải nghiệm điều này ngay trong lần nghiên cứu đầu tiên của mình.

Đây là bài học lớn vì trong nghiên cứu, không phải lúc nào cũng cho ra kết quả tốt, hay thậm chí không có đáp án cũng là một kết quả có ý nghĩa.

Việc đào sâu vào bài toán, thử nghiệm nhiều hướng đi và kiểm tra toàn bộ quá trình nhiều lần đã giúp tôi rèn tính nhẫn nại và kiên trì, cũng như tạo ấn tượng tốt với người hướng dẫn. Sau này, cô hướng dẫn đã viết cho tôi nhiều lá thư giới thiệu rất tâm huyết.

Nhờ bài học này, khi tôi đến thực tập tại Pháp, tôi cũng không bỏ cuộc khi liên tục gặp trở ngại và cuối cùng cũng thành công giải quyết cả bài toán bổ sung không nằm trong yêu cầu. Tôi cũng học được cách tự công nhận những nỗ lực của mình, bất kể những nỗ lực này dẫn đến thành công hay thất bại.

* Khi nhận được học bổng của trường đại học danh giá nhất nước Pháp, cảm xúc của bạn như thế nào?

- Thời gian cho quá trình ứng tuyển và chờ đợi kết quả rất dài, nên suy nghĩ đầu tiên của tôi thì đây là kết quả xứng đáng với những công sức và tâm huyết mình đã đổ vào. Tôi không tự tin rằng mình sẽ đậu nhưng chỉ cần dám thử thì cơ hội thành công luôn tồn tại, dù có nhỏ đến đâu.

Tôi luôn tin tưởng và không ngừng hy vọng. Ước mơ của tôi là được tiếp tục nghiên cứu những chủ đề trong lĩnh vực mình yêu thích và được giao lưu, hợp tác với những người có cùng đam mê.

Đứng dậy sau vấp ngã

* Theo bạn, để theo đuổi nghiên cứu khoa học, điều gì là quan trọng nhất đối với bạn trẻ?

- Theo tôi, điều quan trọng nhất là luôn đứng dậy sau vấp ngã. Tôi đã trải qua thất bại nhiều lần, bao gồm cả ở những dấu mốc quan trọng như thi vào lớp chuyên, cùng với nhiều thất bại khác khi tìm cơ hội thực tập.

Tôi không buồn vì điều đó và luôn bảo mình không nên để những lần vấp ngã này định nghĩa năng lực của mình và làm mình chùn bước. Mình có thể cải thiện điểm yếu để vững bước hơn, hoặc rẽ sang một hướng đi khác phù hợp hơn với mình. Nếu bạn đam mê khoa học, hãy luôn tìm hiểu và học hỏi. Học càng nhiều càng tốt.

Nữ sinh đoạt giải nhất Olympic cơ họcNữ sinh đoạt giải nhất Olympic cơ học

Mẹ mong muốn con học ngành y, cha lại muốn con học kinh tế nhưng Phạm Thị Huê chọn ngành kỹ thuật cơ khí động lực của ĐH Bách khoa Hà Nội. Cả lớp chỉ mình Huê là nữ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên