15/04/2021 16:09 GMT+7

Nữ sinh bị đột quỵ sau khi đi học về: Làm sao phòng tránh?

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Áp lực công việc, học tập, căng thẳng kéo dài, thiếu thời gian quan tâm sức khỏe, lười vận động hay lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá... có thể dẫn đến đột quỵ ở người trẻ, bác sĩ cảnh báo.

Thời gian qua, các bệnh viện tiếp nhận nhiều người trẻ đột ngột bị đột quỵ, không có bệnh lý nền và không có dấu hiệu báo trước. 

Một trong các trường hợp mới nhất là nữ sinh lớp 12 ngụ Long An bị đột quỵ sau khi đi học về. Theo lời kể của người nhà, cách đây khoảng hai tuần, sau khi đi học về, nữ sinh vào phòng tắm thay quần áo. Vừa bước ra ngoài, em bất ngờ lên cơn co giật mạnh, bất tỉnh rồi rơi vào hôn mê. Nhờ được cấp cứu và phẫu thuật kịp thời, em đã được cứu sống. 

Trường hợp khác là một phụ nữ 30 tuổi ở TP.HCM, được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM trong tình trạng hôn mê, mất ý thức. Thời điểm nhập viện, chị đang mang thai ở tuần thứ 34. 

Theo người nhà, trong lúc ăn cơm tối, đột nhiên chị H. bị méo mặt, nuốt sặc, yếu liệt nửa người rồi hôn mê sâu. Các bác sĩ đã thực hiện hai cuộc phẫu thuật mổ bắt con và “sửa chữa” mạch máu dị dạng, giúp sản phụ và thai nhi thoát chết.

Kém may mắn, một thanh niên 25 tuổi quê Bình Định làm việc tại Phú Quốc cũng đột ngột bị đột quỵ không qua khỏi dù trước đó không có dấu hiệu bất thường, sức khỏe tốt. 

Bác sĩ Trương Thái Dương - trưởng khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Xuyên Á - cho biết đột quỵ gồm đột quỵ tim và đột quỵ não. Đối với não thì có hai dạng: xuất huyết não và tắc nghẽn mạch máu não. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhưng thời gian gần đây có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Nguyên nhân chính gây đột quỵ là do tăng huyết áp, tiền sử gia đình có người bị đột quỵ hay dị dạng mạch máu não kèm theo. Đối với người trẻ, đột quỵ xuất huyết não chủ yếu do dị dạng mạch máu não hoặc dị dạng mạch máu não kèm theo tăng huyết áp, rất hiếm gặp chỉ vì tăng huyết áp.

Ngoài ra, dưới áp lực công việc, học tập, căng thẳng kéo dài, thiếu thời gian quan tâm sức khỏe, lười vận động hay lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá... cũng có thể dẫn đến đột quỵ ở người trẻ. 

"Phần lớn trẻ ở lứa tuổi học sinh, áp lực, căng thẳng đến từ kỳ vọng của gia đình và điểm số. Trẻ phải chạy đua và dành nhiều thời gian học tập, từ đó làm mất cân bằng thời gian sinh học cơ thể, tăng nguy cơ đột quỵ" - bác sĩ Dương nói.

Theo bác sĩ Dương, người bị đột quỵ nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Với trường hợp đột quỵ do xuất huyết não, bệnh nhân chỉ được cấp cứu và hồi phục tốt nhất trong thời gian vàng (3 - 6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ). 

Nếu can thiệp quá trễ, dù có thể giữ được mạng sống nhưng khả năng hồi phục rất thấp, trở thành gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.

Để phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ, bác sĩ Dương khuyến cáo cần khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt đối với những người có yếu tố tiền sử gia đình có người bị đột quỵ, cao huyết áp. 

Khi có dấu hiệu đột ngột đau đầu dữ dội, giảm tri giác, bất tỉnh, hôn mê sâu, người nhà nên đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa ngoại thần kinh. Bên cạnh đó cần duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống, sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng kéo dài, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá...

Nữ sinh lớp 12 bất ngờ đột quỵ sau đi học về Nữ sinh lớp 12 bất ngờ đột quỵ sau đi học về

TTO - Đi học về, nữ sinh lớp 12 đột ngột co giật mạnh, bất tỉnh rồi rơi vào hôn mê sâu. Được cấp cứu kịp thời, nữ sinh đã may mắn thoát chết.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên