26/08/2018 10:31 GMT+7

Nữ sinh 13 tuổi Alina Morse và công ty kẹo triệu đô

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Ở tuổi 13, ngoài việc đến trường, khiêu vũ và tán gẫu cùng bạn bè, cô bé Alina Morse còn có một trọng trách 'không giống ai' là điều hành một công ty kẹo tầm vóc quốc gia.

Nữ sinh 13 tuổi Alina Morse và công ty kẹo triệu đô - Ảnh 1.

- CEO kiêm nhà sáng lập công ty Zollipops - Ảnh: Chicago Tribune

Cách thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ hơn 40km về phía tây bắc là trụ sở hãng kẹo trị giá nhiều triệu USD tên Zollipops.

Công ty nằm trong một nhà kho giản dị với rất nhiều hộp kẹo chất chồng chứa đủ loại kẹo cây, kẹo cứng, kẹo bơ cùng một nhóm sáu nhân viên toàn thời gian và nhiều lao động hợp đồng tự do. Các sản phẩm này vừa bán online vừa bán tại hơn 7.500 cửa hàng ở Mỹ.

Ở một góc trụ sở là văn phòng nhỏ với đầy vật dụng trang trí vui mắt, đó là nơi làm việc của CEO kiêm nhà sáng lập Zollipops - cô bé Alina Morse.

Trong năm học, Alina bận rộn hơn nhiều vì phải chia sẻ thời gian giữa việc học và công việc. Song vào kỳ nghỉ hè, em tới văn phòng thường xuyên hơn. Năm nay đã là năm thứ sáu em điều hành công ty kẹo của mình.

Theo trang Entrepreneur, ý tưởng làm kẹo cây, sản phẩm đầu tiên của công ty, nảy ra với Alina từ năm 2012 khi em 7 tuổi.

Lần đó, khi đang cùng cha rời khỏi ngân hàng, em được mời mua một cây kẹo mút. Khi đó, cha Alina - anh Tom - cảnh báo con là kẹo mút có thể làm sâu răng. Cô bé chợt nghĩ tại sao mình không thử làm một loại kẹo khác "thân thiện" hơn với sức khỏe.

Sau hai năm tìm hiểu thông tin trên mạng và ít nhất là 100 lần thử các công thức làm kẹo cây với đủ mọi đồ dùng gia đình như lò nướng, lò sấy, lò vi sóng và nhiều cuộc thử nghiệm khác tại nhà máy, rốt cuộc Alina và cha em đã thương thảo thành công việc đưa sản phẩm của họ vào chuỗi cửa hàng bán lẻ Whole Foods.

"Em hi vọng mọi đứa trẻ ở Mỹ sẽ có miệng sạch, nụ cười khỏe mạnh và một chiếc kẹo Zollipops trong tay"

Alina Morse

"Họ thích sản phẩm của chúng tôi. Họ yêu mến ý tưởng và công việc của chúng tôi" - Alina nói. Kẹo cây của Alina sử dụng các hợp chất làm ngọt tự nhiên như xylitol và erythritol, không những không làm sâu răng mà còn giúp giảm bớt mảng bám và vi khuẩn trong miệng.

Năm 2015, ở tuổi lên 9, Alina được mời tham gia chương trình tìm kiếm tài năng nhí The Steve Harvey Show. Ở đó, em đã nói với người dẫn chương trình: "Em hi vọng mọi đứa trẻ ở Mỹ sẽ có miệng sạch, nụ cười khỏe mạnh và một chiếc kẹo Zollipops trong tay".

Chỉ một năm sau đó, kẹo của em đã đến được với Kroger, một trong những chuỗi cửa hàng thực phẩm lớn nhất tại Mỹ.

Sau thành công với Whole Foods, Công ty Zollipops bắt đầu bán hàng trên Amazon. Đây cũng là nơi mang lại khoảng 1/4 doanh thu thường niên cho họ.

Mùa hè năm nay, các loại kẹo của Alina đã trở thành kẹo không đường bán chạy nhất trên Amazon và bán chạy thứ hai trong số các loại kẹo nói chung bán chạy nhất ở sàn thương mại điện tử này.

Khi công ty ngày càng phát triển với doanh số bán lẻ dự kiến đạt 5-6 triệu USD năm nay, chính cha mẹ Alina đã vào làm việc tại Zollipops, họ trở thành nhân viên của... con gái.

Mẹ em, chị Sue, từng làm việc trong lĩnh vực bán hàng nên giờ cũng giúp con ở chuyên môn đó. Còn anh Tom, sau nhiều năm làm cố vấn cho Tập đoàn Deloitte, giờ trở thành người cố vấn và cũng là quản lý cho Alina.

Quan sát sự trưởng thành của con gái từ nhỏ, cha mẹ Alina thấy rõ chính việc còn nhỏ đã trở thành một lợi thế bất ngờ với cô bé. Nó khiến Alina không sợ hãi. "Cháu không bị giới hạn bởi điều gì cả. Đó là cách tôi có thể mô tả về con" - chị Sue nói.

Đồng tình với quan điểm của vợ, anh Tom cho rằng sau khi từng làm việc với nhiều thương hiệu lớn, anh nhận thấy con gái mình có những lợi thế từ chính sự non nớt, thiếu từng trải của nó.

"Trẻ con thường hỏi những câu rất hay - Anh nói - Chúng không sợ những điều như người lớn thường sợ, vì thế chúng không thấy những giới hạn".

Alina thừa nhận không phải mọi thứ đều đến tự nhiên với em. Cô bé chia sẻ: "Khi em bắt đầu lên tivi, những câu trả lời của em thực sự đã được viết sẵn vì em quá nhỏ. Nhưng khi lớn thêm và học hỏi nhiều hơn về công việc kinh doanh, em đã chủ động hơn".

Dĩ nhiên cũng phải mất vài năm em mới hiểu được việc xuất hiện trên truyền hình là công cụ tiếp thị cho doanh nghiệp của mình mạnh mẽ thế nào. "Em thực sự không thấy nguy cơ vì cảm thấy mình không có gì để mất" - cô bé nói.

Nữ sinh phát minh đèn pin, cốc sạc điện thoại thân thiện môi trường

TTO - Từ năm 15 tuổi, vì muốn giúp một người bạn nhà nghèo không có điện thắp sáng ở Philippines, nữ sinh Ann Makosinski đã phát minh chiếc đèn Hollow Flashlight sử dụng thân nhiệt làm nguồn năng lượng phát sáng.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên