Phóng to | |
Võ Thị Hảo | Trần Thanh Hà |
* Các nhà văn nữ TQ tỏ ra phóng túng và mãnh liệt trong việc thể hiện đời sống hiện đại của lớp trẻ hiện nay, nhất là nữ giới. Cảm nhận của các chị thế nào?
- Võ Thị Hảo (V.T.H.): Tôi thích họ. Biết rằng đó là thế hệ nhà văn vừa được giải phóng năng lượng. Một khối năng lượng bị dồn nén quá lâu nay được dịp bùng nổ.
- Trần Thanh Hà (T.T.H.): Họ là những nhà văn của thời kỳ mới của TQ, thời kỳ mở cửa, cải cách, thời kỳ đất nước họ phải hội nhập thế giới, phải tự nhìn lại mình kỹ và sâu để phát triển đi tới. Thời kỳ này TQ có nhiều cái được giải phóng. Văn học nghệ thuật của họ được giải phóng. Và các nhà văn nữ, qua những tác phẩm của họ tôi được đọc, thì càng được giải phóng.
* Là những nhà văn VN, các chị thu nhận được điều gì từ cách viết của các đồng nghiệp viết văn TQ? Sáng tác của họ tác động gì đến các chị không? Các chị thích nhất tác giả nào?
- V.T.H.: Trước hết là phải chúc mừng họ và những gì sau lưng họ. Tôi chúc mừng họ đã có một cái "đế" văn hóa và một khát vọng đủ mạnh để không bị lụi tàn qua rất nhiều khó khăn của thời kỳ cách mạng văn hóa TQ, trong cả một "đêm dài" văn nghệ sĩ phải đi đào đất, vác đá hoặc chăn lợn để tẩy rửa "tính chất tiểu tư sản".
TQ nay đã cải cách và mở cửa, dám nhìn lại tương đối sòng phẳng những món nợ của quá khứ để tiến lên. Sau lưng các nhà văn TQ hiện nay là một "khoảng thảo nguyên" khá rộng để họ tung hoành, để họ không bị quy chụp, và thỏa sức tìm tòi nhằm viết lên sự thực của cuộc sống hiện đại.
Khi mở cửa, khi cởi trói cho nền văn nghệ để các nhà văn có thể bộc lộ chính kiến, nền chính trị TQ đã tự chứng minh rằng họ đủ mạnh và đang đổi mới thực sự bằng hành động chứ không nói suông sáo.
Tôi chưa đọc các nhà văn nữ nhiều nên sẽ là không công bằng nếu nói rằng tôi đã hiểu hết họ. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy tập hợp lại, họ làm nên cả một hiện tượng với diện mạo riêng: Dám gạt bỏ những định kiến. Dám tôn trọng tất cả những gì thuộc về con người. Dám đi đến tận cùng. Đó là họ.
Và trong số các tác giả nữ tôi đã đọc, tôi thích Cửu Đan hơn cả (tác giả của tiểu thuyết Quạ đen). Cửu Đan lớn hơn nhiều đồng nghiệp của chị ở chỗ văn chị có tư tưởng và có tính nhân loại.
- T.T.H: Tôi cũng chưa phải đã đọc hết các tác giả nữ Trung Quốc, nhưng trong cái đọc của mình tôi chú ý đến Vệ Tuệ. Không biết người khác thấy sao, tôi thì thấy chỉ riêng cái việc đặt tên tác phẩm Điên cuồng như Vệ Tuệ cũng đã chứng tỏ tác giả rất khác người rồi. Rất tự do. Và tự tin. Sự tự do, tự tin này còn thấy rõ trong nội dung tác phẩm cũng như cách viết của tác giả.
Đọc Vệ Tuệ thấy đời sống đô thị TQ, thấy những vấn đề của giới trẻ, đặc biệt của nữ giới, hiện lên sinh động và sắc nét. Đặc biệt là khía cạnh tình dục trong sinh hoạt của lớp trẻ TQ hiện nay. Tôi coi đây là một thái độc cởi mở, giải phóng, không phải là khuyến khích thị hiếu thấp hèn như ta thường nghĩ, mà là tự do, tự tin, cho rằng những cái gì thuộc về con người thì không xa lạ với con người.
* Theo các chị, đâu là nguyên nhân bùng nổ những sáng tác của cây bút nữ TQ như vậy? Sáng tác của các nhà văn VN liệu có mạnh dạn bứt phá được vậy không?
- V.T.H.: Thực ra, so với mặt bằng trong nước, thì sáng tác của các nhà văn nữ VN đã có rất nhiều bứt phá. Về tốc độ, theo tôi, không khác gì các nhà văn nữ TQ so với mặt bằng văn chương của nước họ.
Mạnh dạn và bứt phá thì không kém. Nhưng quyết định hay dở và lớn nhỏ lại là nền văn hóa, "khoảng thảo nguyên" sau lưng các nhà văn, và đương nhiên, tài năng từng người một. Thật đáng gờm những bậc hồng quần được hun đúc lâu đời trong một cái nôi văn hóa lớn và chất chứa nhiều khổ đau đến vậy.
- T.T.H.: Nguyên nhân thì tôi đã nói là do có sự giải phóng sức nghĩ sức cảm cho người viết. Hay nói cách khác, xã hội Trung Quốc hiện đại đã và đang thảo bỏ những cấm kị trong cách nghĩ, cách cảm lâu nay, về những vấn đề truyền thống cũng như vấn đề đặt ra cho xã hội đương thời.
Các nhà văn, trong đó nữ giới không kém nam giới, đã dám được nghĩ được viết và nghĩ được, viết được, về những điều mà chỉ mới gần đây thôi còn là cấm kị, là né tránh. Và những cái họ viết ra đã được in, được tiếp nhận, đồng tình hay phản đối, từ đó kích thích trở lại họ.
Về mặt này, so với các đồng nghiệp nữ TQ, các nhà văn nữ còn rất dè dặt. Dè dặt đối với bản thân và đồi với xã hội. Chỉ với một vài thử nghiệm, một vài phá cách, chưa phải là táo bạo gì lắm, nhưng họ đã bị răn đe, nhắc nhở, và có lẽ họ cũng tự thấy xấu hổ với mình nên thôi luôn.
Tôi cũng thấy như chị Hảo, xã hội VN và TQ quá khứ và hiện tại có nhiều điểm tương đồng, gần gũi. Vấn đề là cái nữ quyền ở xã hội ta hiện nay chưa mạnh, do đó nữ quyền trong văn chương nữ cũng chưa mạnh. Nhưng tôi nghĩ có lẽ rồi chị em chúng tôi cũng phải viết thôi. Các tác phẩm của các nhà văn nữ TQ là một khích lệ lớn cho quyết tâm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận