Lynsey Addario |
Lynsey Addario là người Mỹ nhưng thường trú tại New Delhi (Ấn Độ), nổi tiếng khi đoạt giải Pulitzer vào năm 2009.
Qua ống kính máy ảnh của mình, Addario lưu lại rất nhiều khoảnh khắc ấn tượng, lột tả những nỗi đau, mất mát của con người ở các vùng chiến sự mà cô đi qua, đặc biệt là đối tượng phụ nữ.
Tên tuổi và “gia tài” của Addario, gồm những bức ảnh chụp ở chiến trường được trang tin CNN giới thiệu trong mục “Leading Women”, ca ngợi những người phụ nữ xuất sắc trong thời hiện đại, dẫn đầu trong tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, thể thao, nghệ thuật, khoa học…
Lynsey Addario cùng các đồng nghiệp ở chiến trường Libya năm 2011 |
Là một phụ nữ, nhưng Lynsey Addario chưa bao giờ cho phép mình ngơi nghỉ, ngay cả vào lúc cô mang thai tháng thứ 5. Addario đến Somali, chụp ảnh những đứa bé gầy đói đến trơ xương. Và lần đầu tiên, cô cảm nhận con mình đang quẫy đạp trong bụng.
“Đứa bé sống trong bụng tôi và cùng tôi đến vùng đất chết Somali”, nữ phóng viên chiến trường viết trong một bài về các nạn nhân nạn hạn hán và đói nghèo ở vùng đất này.
Trong hành trình công việc của Addario, sự sống và cái chết cứ thay nhau xuất hiện. Từ những năm 1990, cô đã bắt đầu chụp ảnh về những chiến binh Taliban ở Afghanistan, chiến tranh tại Iraq, về cuộc khủng hoảng của người tị nạn Syria, và chụp hàng loạt bức ảnh cho các kênh thông tin lớn như Getty Images, The New York Times, hay National Geographic.
Tất cả những bức ảnh ngoạn mục, ấn tượng Addario chụp ở những nơi ít người dám đến đều được in trong quyển hồi ký "It's what I do: A photographer's life of love and war" (Đó là những gì tôi làm: Cuộc đời của tình yêu và chiến tranh của một nhiếp ảnh gia) mới vừa xuất bản tháng 2-2015.
Là một nữ phóng viên, Addario có cơ hội tiếp cận với những câu chuyện ở góc độ táo bạo, mới lạ hơn so với các nam đồng nghiệp. Cô từng trò chuyện với những phụ nữ bị hãm hiếp tại một trại tập trung ở Congo, chứng kiến cảnh bệnh nhân tự thiêu ở Afghanistan, hay trông thấy các trẻ em chết khi vừa sinh ra ở Sierra Leone.
Hồi ký của Addario, mở đầu bằng đoạn miêu tả trận không kích ở Ajdabiya (Libya), cũng cho thấy sự can đảm, bản lĩnh cần có để làm công việc đầy khó khăn này.
“Có một phần não người trên ghế hành khách, và các mảnh sọ vương vãi khắp nơi. Nhân viên bệnh viện mặc đồng phục trắng cẩn thận nhặt từng mảnh và cho vào một chiếc túi”, cô viết.
Addario dấn thân vào những nơi nguy hiểm nhất, khốc liệt nhất, vì chính niềm đam mê dành cho công việc, và vì cái tâm của một phóng viên chiến trường.
Sau khi trải nghiệm những khoảnh khắc nguy hiểm như tham gia vào đợt trao đổi tù binh ở dải Gaza, rồi từng bị bắt cóc ở Libya vào năm 2011, Addario giờ đây vẫn dấn thân vào chiến trường, nhưng cẩn thận và dè dặt hơn.
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, mời bạn xem một số bức ảnh chụp phụ nữ của Addario, trong đó có những bức ảnh nhức nhối phản ánh rằng ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới này vẫn còn rất nhiều phụ nữ sống trong hoàn cảnh khó khăn.
Những bức ảnh của Addario góp phần tác động đến dư luận ở thế giới văn minh và nhắc nhớ sự quan tâm đồng loại của con người.
Một phụ nữ và trẻ em trong trại tỵ nạn ở châu Phi |
Phụ nữ miền Badakhshan, Afghanistan |
Các chiến binh ở Sudan bị bão cát tấn công |
Một cô dâu trẻ ở tuổi 13 ở Syria - nơi mà các bé gái phải cưới chồng rất sớm do ảnh hưởng của nhiều vấn đề xã hội và cả cuộc nội chiến diễn ra nhiều năm qua |
Những phụ nữ Afghanistan nhận bánh mì cứu trợ từ một binh sĩ |
Các thí sinh cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ |
Một cô gái trẻ Syria 15 tuổi và em trai giữa cuộc nội chiến |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận