Bà Niimura Yoko vuốt ve voi Thoong Ngân - Ảnh: Tiến Thành |
Bà tên là Niimura Yoko, năm nay đã 75 tuổi. Những ngày đầu tháng 9, bà Niimura Yoko trở lại Việt Nam khi nghe tin chú voi Thoong Ngân bị kẻ gian vào vườn quốc gia cưa trộm ngà.
Vừa đến Việt Nam, bà lên ngay Buôn Đôn để thăm Thoong Ngân. Tại đây, bà cứ đưa tay xoa đầu voi, vừa sờ vào chỗ chiếc ngà bị cưa cụt vừa nhẹ nhàng nói với con voi: “Orikosan! Orikosan! Orikosan!” (có nghĩa là cậu bé ngoan).
Con Thoong Ngân như hiểu tiếng người, cứ đưa vòi cuốn lấy bàn tay bà Niimura và nước mắt từ khóe mắt nó bỗng trào ra. Nài voi Y Vi Xiên bảo nhìn cảnh tượng ấy giống như hai bà cháu lâu ngày mới gặp mặt nhau.
Nghe tin voi Thoong Ngân bị kẻ xấu cưa trộm ngà, tôi rất sốc vì tôi đã có nhiều kỷ niệm đẹp với chú voi này. Tôi luôn hi vọng voi Thoong Ngân sẽ sống khỏe mạnh nhưng không ngờ nó lại bị kẻ xấu tìm cách hãm hại |
Bà NIIMURA YOKO |
Cơ duyên với voi Tây nguyên
“Vào tháng 5-2002, khi đang chụp hình một bé gái trong một buôn ở huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk, tôi bỗng thấy một chú voi nhanh nhẹn lướt qua khu vườn phía sau lưng cô bé.
Quá ngạc nhiên, tôi vội vàng bấm máy nhưng chỉ chụp được ba kiểu thì chú voi đã biến mất. “Voi về rừng đấy” - người phụ nữ dân tộc thiểu số đứng gần đó giải thích cho tôi hiểu. Tôi bị cuốn hút mạnh mẽ bởi cụm từ “về rừng”.
Ở Nhật, tôi chỉ thấy voi trong sở thú, bao quanh bởi bốn bức tường chật hẹp. Còn ở đây, thật kỳ lạ khi voi được thả tự do, sống hòa đồng với con người và dường như chúng rất hạnh phúc.
Vì vậy, tôi nghĩ thế nào mình cũng phải gặp lại voi ở nơi đây” - bà Niimura kể về lần đầu tiên thấy voi Tây nguyên.
Sau lần gặp gỡ “chớp nhoáng” với chú voi lạ, bà Niimura được người dân chỉ đến Vườn quốc gia Yok Đôn sẽ gặp rất nhiều voi. Và chính tại đây, bà đã gặp Thoong Ngân, Thoong Khăm, khi ấy là hai chú voi con được đưa về từ rừng Suối Kiết (Bình Thuận) để thuần dưỡng.
Quá ấn tượng với hai chú voi này, bà Niimura đã theo các nài voi để chụp hình về cuộc sống của voi suốt từ đó đến nay.
“Tôi không nhớ chính xác mình đã tới Đắk Lắk bao nhiêu lần, có lẽ là khoảng 30 lần. Con gái tôi bảo người ta đi vài lần đã chán, mẹ đi mãi thế mà chưa thấy chán sao?” - bà Niimura nói, vừa nở nụ cười tươi rói làm những nếp nhăn ở khóe mắt giãn ra.
Gắn bó với voi Tây nguyên đã 13 năm, bà Niimura tâm sự có rất nhiều kỷ niệm đẹp về voi. Trong đó, kỷ niệm đáng nhớ nhất là mỗi lần tới Vườn quốc gia Yok Đôn luôn được voi chào đón.
“Tôi biết voi Y Kung là mẹ nuôi của voi Thoong Ngân và Thoong Khăm nhưng nó chẳng ưa tính nghịch ngợm của voi Thoong Khăm nên cả hai không bao giờ đi cùng nhau. Vậy mà mỗi lần tôi đến thăm, ba mẹ con nhà voi đều giơ vòi lên chào đón khiến tôi vô cùng hạnh phúc” - bà Niimura kể lại.
Nài voi Y Mứt (47 tuổi), buôn Jang Lành, cho biết cảm thấy tự hào khi được bà Niimura Yoko chụp hình từ những ngày đầu thuần dưỡng hai chú voi Thoong Khăm và Thoong Ngân. “Mình quen gọi là bà Yoko. Bà ấy yêu quý voi lắm.
Ở Buôn Đôn, hầu như nài voi nào cũng biết bà ấy. Người cao tuổi thường dành thời gian để nghỉ ngơi, vậy mà năm nào bà Yoko cũng lặn lội sang đây để chụp ảnh voi cả ngày lẫn đêm” - nài voi Y Mứt chia sẻ cảm nhận về nhiếp ảnh gia người Nhật.
“Voi cũng như người”
Bà Niimura Yoko cho biết trong suốt thời gian lăn lộn và chụp ảnh tại các nước châu Á, đến nay bà đã có hơn 20.000 bức ảnh chụp về voi, trong đó chủ yếu là hình ảnh về voi Tây nguyên. Năm 2006, bà tổ chức triển lãm ảnh “Sống cùng voi” tại Tokyo (Nhật Bản).
Sau cuộc triển lãm, nhiều nhà xuất bản đã liên hệ với bà để in sách ảnh. Từng là một giáo viên tiểu học, bà Niimura nghĩ ngay đến việc dùng hình ảnh voi Việt Nam để giáo dục học sinh ở Nhật bảo vệ loài động vật thông minh này.
“Năm 2006, sách ảnh Zou to Ikiru (Voi Tây nguyên) của tôi đã được xuất bản với 15.000 bản, sau này tái bản thêm 7.000 bản và hiện là sách tham khảo có ở hầu hết thư viện của các trường tiểu học trên toàn nước Nhật” - bà Niimura chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, năm 2009 tại Nhật Bản, bà Niimura đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ voi với sự thành lập của Hội rừng Yok Đôn do bà làm trưởng đại diện.
Đến nay, hội đã có 80 thành viên với mục đích hỗ trợ về tài chính, chuyên môn để bảo tồn voi, đồng thời nâng cao nhận thức của người Việt Nam trong việc bảo vệ voi.
“Trong những năm qua, các thành viên trong hội đã nhiều lần đến Việt Nam gặp gỡ voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn và giao lưu với người dân, học sinh ở các trường tiểu học để nâng cao nhận thức của họ đối với việc bảo vệ voi và môi trường sống.
“Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản để hỗ trợ phía Việt Nam thành lập khu chăm sóc và bảo tồn voi” - bà Niimura nói.
Bà Niimura nhận định: “Voi cũng như con người, cần có không gian sống riêng. Việc con người can thiệp quá nhiều vào rừng, nơi sinh sống của voi, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến chúng. Cần có những khu vực giới hạn với môi trường hoàn toàn hoang dã cho voi sống và sinh sản”.
Bà Niimura đề xuất Chính phủ Việt Nam cần phải mạnh tay hơn trong việc thực thi pháp luật, tuần tra, giám sát bảo vệ loài voi, đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân về loài động vật này.
Theo bà Niimura, có một loài vật nuôi trung thành, tình cảm và hữu ích như loài voi là niềm hạnh phúc và may mắn của người dân Yok Đôn.
Khuyến khích học sinh yêu thương và bảo vệ voi Ông Võ Đức Giỏi - phó giám đốc Trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn - cho biết sau khi cuốn sách ảnh Voi Tây nguyên được xuất bản tại Việt Nam (năm 2013), vào tháng 9 năm ngoái, bà Niimura Yoko đã tặng trung tâm 200 cuốn để phục vụ việc giáo dục môi trường sống cho thiếu nhi ở huyện Buôn Đôn. “Điều thú vị nữa là trong các buổi giao lưu, bà Niimura luôn khuyến khích các em học sinh trường tiểu học vẽ và viết cảm nghĩ của mình về những con voi đang sống ở Buôn Đôn, từ đó giới thiệu với học sinh Nhật Bản hiểu thêm về voi. Bà Niimura Yoko đích thực là một người yêu voi Tây nguyên” - ông Giỏi nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận