Phóng to |
Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Điều đó cũng có nghĩa bộ sưu tập giải thưởng của Quỳnh Mai dày thêm với tám giải thưởng lớn cho gần 10 năm “hành nghề” đạo diễn của mình. Những dấu ấn ấy trong nghề đã khiến Hoàng Quỳnh Mai, dẫu nữ nhi đấy mà chẳng “thường tình”!
Tháng 9 vào thu, Hà Nội dịu mát. Trong phòng tập lớn của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Hoàng Quỳnh Mai quần quật cày lên xới lại từng chi tiết cho vở cải lương lịch sử Vua Thánh triều Lê. Lại đòi hỏi, lại cầu toàn cho từng nhân vật, từng vai diễn. Đạo diễn và nghệ sĩ vẫn mướt mồ hôi.
Nhẹ nhàng đến... bật khóc
“Không thể lặp lại mình như thế”. “Hát phải bằng trái tim”. “Cười loãng quá”. “Là độc thoại cơ mà”. “Cảm xúc phải bổng trầm”... Không ngồi yên, Hoàng Quỳnh Mai “phi” lên sân khấu với một tràng dài. Rồi thì kéo diễn viên ngồi bệt xuống sàn, Quỳnh Mai kể cho Trọng Bình (diễn viên tập vai Nguyễn Lê) nghe bối cảnh lịch sử mà vua Lê Thánh Tông trị vì, nhân vật Nguyễn Lê là con người như thế nào và tha thiết đề nghị: “Em thoát ra khỏi mình được không? Bay lên cùng nhân vật ấy. Đau nỗi đau của nhân vật, hoảng sợ, giày vò hay đểu cáng cũng là của Nguyễn Lê chứ đừng bắt chước, mô phỏng những vai trước đây”.
“Chị Mai không cáu kỉnh mà luôn nhẹ nhàng. Nhưng sự nhẹ nhàng của chị ấy khiến người ta bật khóc. Chị ấy có thể thuyết trình hàng giờ về nhân vật để diễn viên hiểu rồi ngấm và tìm cách diễn. Không phải diễn một lần cho xong mà là diễn vài chục lần, đến khi nào “bật” ra vai chị mới thôi kèm cặp. Chị ấy buộc chúng tôi phải sống chết với nhân vật, phải mang nỗi khó chịu, ấm ức và trăn trở vào cả bữa ăn giấc ngủ”- nghệ sĩ Trọng Bình - diễn viên giành giải vàng cho diễn viên của năm 2012 (vai ông thiến lợn trong vở Vú cát) - đã “tố” “bà sếp” của mình như thế. Nhưng cuối cùng thì Trọng Bình thán phục: ““Bật” được vai rồi thì diễn sướng lắm. Tự nhiên tôi thấy mình lớn lên rất nhiều”.
“Cô đạo diễn, có gì cho chúng tôi xem?”
Lần này là lần thứ tám nhận giải thưởng nhưng Hoàng Quỳnh Mai vẫn xốn xang bao cảm xúc như buổi đầu tiên.
Đấy là đầu đông năm 2007, từ những chiều ngồi trong ngôi chùa bé nhỏ ở lưng chừng núi Yên Tử thả hồn theo mây gió, đến những buổi bồng bềnh trên cáp treo Hoa Viên, Hoàng Quỳnh Mai bỗng tìm thấy cái tứ cho Cung phi Điểm Bích. Rồi thì chị đọc thấy điều người xưa gửi gắm ở chiếc trống và chuông đồng đặt hai bên lối đi vào chùa Trúc Lâm: chiếc trống là biểu trưng cho dục vọng. Chuông đồng sẽ vang vọng để cảnh tỉnh lòng người. “Như một đứa trẻ, tôi đã sung sướng reo: “Ơ rê ca!”. Ngoảnh lại phía sau thì bắt gặp một cụ già ngạc nhiên nhìn. Ánh mắt cụ chứa đầy thương cảm vì sự... không bình thường của tôi” - Hoàng Quỳnh Mai tủm tỉm kể.
Cung phi Điểm Bích của Hoàng Quỳnh Mai thai nghén và ra đời như thế. Hàng trăm đêm diễn ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... rồi bay vào đến tận Sài Gòn. Khán giả cứ nhớ mãi nàng Điểm Bích đã thổ lộ, quyến rũ sư tổ Huyền Quang như thế nào, nhớ cả sự chống chọi đến nghiêng ngả của sư tổ trong hồi trống thúc dập dồn và chợt bừng tỉnh khi tiếng chuông đĩnh đạc vang lên...
Thời điểm ấy, Cung phi Điểm Bích đã dự thi tài năng trẻ đạo diễn. Quỳnh Mai không tự tin lắm vì dẫu sao đây mới là “đứa con đầu lòng” sao tránh khỏi sự non nớt. Nhưng lúc được xướng danh: giải nhất, lồng ngực của chị muốn vỡ tung. Quỳnh Mai hiểu chị đã giành được một tấm vé danh giá để bước vào nghề. Để tiếp tục nổi lên với vai trò là một đạo diễn cho các vở cải lương như Bến nước Ngũ Bồ, Vú cát, Cổ tích một tình yêu, Hoàng Quỳnh Mai đặc biệt gây ấn tượng khi dựng các vở cải lương lịch sử như Trọn đời trung hiếu với Thăng Long, Gươm thiêng trao trả rùa thần... Vì thế, chưa đầy 10 năm Hoàng Quỳnh Mai đã được nhận giải thưởng nối tiếp giải thưởng: giải đạo diễn xuất sắc năm 2009, giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu năm 2010, HCB và giải B cho vở Vú cát năm 2012...
Nhưng, Hoàng Quỳnh Mai thổ lộ: “Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là khi mỗi sáng nhảy chân sáo trên con phố Bùi Ngọc Dương để đến nhà hát và nhận được lời chào của ông hàng nước: “Cô đạo diễn, dịp này cô có vở gì cho chúng tôi xem không?”. Hay là những đêm diễn thấy khán giả đứng chật lối đi. Thậm chí có đêm cánh màn nhung vừa khép thì có cụ già chống gậy đi lên cánh gà, dúi vào tay tôi túi ổi và dặn: “Cháu hãy dàn dựng những vở như thế này nhé!”. Hoặc có những đêm tôi nhận được cả tập sách cùng lời thủ thỉ: “Biết cháu thích sách, yêu văn học nên ông tặng!”.
Đường vòng đi đến ước mơ
Mấy năm qua khán giả Hà Nội vẫn đổ đến rạp Hồng Hà, Nhà hát lớn hay Cung thiếu nhi khi có vở mới của Hoàng Quỳnh Mai. Lý lẽ của người xem chỉ đơn giản có thế: Quỳnh Mai dựng kịch lịch sử mà chẳng khô khan, giáo huấn hay bi lụy. Sân khấu luôn ngập tràn chất hào sảng không chỉ những chiến công hiển hách mà còn là những góc khuất, những tâm tư rất đời thường mà lại cao cả của mỗi nhân vật lịch sử. Và những chi tiết kịch rất đắt luôn được Quỳnh Mai tìm thấy trong mỗi kịch bản để đẩy lên đến đỉnh điểm khiến cho lịch sử không dừng lại ở việc kể lại mà trở thành những nỗi lòng, những tâm sự về nhân tình thế thái của người ngày nay muốn nói ra. Một cái thú nữa là mỗi vở Quỳnh Mai đều đem đến cho khán giả những chất thơ được quyện trong hương, vị thật lạ: Cung phi Điểm Bích thì nồng nàn giao thoa cõi Phật cõi trần. Trọn đời trung hiếu với Thăng Long ngan ngát hương ngọc lan. Gươm thiêng trao trả rùa thần vang vọng mãi tiếng linh thiêng. Vú cát mặn mòi vị biển...
“Vở này khán giả cần gì ở mình?” - câu hỏi ấy Quỳnh Mai thường tự đặt ra cho mình trước mỗi vở diễn. Và đi tìm câu trả lời từ những pho sử, những cuộc điền dã - niềm say mê của chị ngay từ thuở nhỏ. Quỳnh Mai về làng ven sông Cầu nghe người già kể chuyện Lý Thường Kiệt dựng trận chiến năm xưa. Chị thao thức với những đêm trên cồn cát trắng quê mình. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, phải tìm cái tứ riêng, chìa khóa riêng để giải mã mỗi vở, đặc biệt là những vở lịch sử. “Vì thế, những chiều hạ tôi lang thang nơi hồ Gươm, thả hồn đến cõi xưa. Khát vọng hòa bình của vua Lê Lợi trong vở Gươm thiêng trao trả rùa thần cần thể hiện thế nào đây? Một lời tâm sự, một câu vọng cổ? Phải rồi, trên sân khấu phải có tiếng linh thiêng của ngàn đời, tiếng vọng ngàn đời nơi sóng hồ Gươm xô!” - Hướng mắt xa xăm, Hoàng Quỳnh Mai lắng lại lòng mình.
Trong ký ức của một nữ đạo diễn có những giây phút cứ mãi đọng lại - giây phút Hoàng Quỳnh Mai tìm thấy “đạo cụ” đặc biệt cho vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long: hoa ngọc lan. Chị đã thốt lên: “Thấy rồi, một tâm hồn thanh tao, trong trắng mà lại cô đơn!”. Còn với Vú cát thì: “Tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại những đoạn độc thoại của vai ông thiến lợn: “Cát làng mình đấy, cát tinh khôi đấy, cát đã thấm đẫm bao mồ hôi nước mắt đời đời kiếp kiếp của người làng mình đấy...”. Tôi nhẩm đến hàng tuần với những đêm thức trắng để tìm cho ra cát. Tôi khổ tâm khi tưởng mình đã tìm thấy, tìm được chất liệu mà lại thành không. Những tháng ngày ấy tôi điên cuồng với cát. Không nghĩ được điều gì hơn ngoài cát. Cuối cùng thì cũng thấy. Một tấm vải được tạo hình như những vú cát biết giận hờn, yêu thương...” - nhắc lại chuyện của năm trước mà Hoàng Quỳnh Mai vẫn rơi nước mắt.
Đam mê văn chương. Ước mơ làm phóng viên. Vậy nhưng giờ đây Hoàng Quỳnh Mai lại “đứng chân” và tỏa sáng trong nghề diễn: in dấu ấn trong nhiều vai đào thương và nổi danh với nhiều vở cải lương với vai trò đạo diễn. Vẫn có những lúc Hoàng Quỳnh Mai nhắc: “Nếu ngày ấy...” nhưng ngay sau đó chị lại “bào chữa”: “Tôi đã đi đến ước mơ bằng đường vòng”.
Quả thật , con đường vòng mà Hoàng Quỳnh Mai đi là con đường của một nghệ sĩ đã dốc cả tâm hồn văn chương để “cháy” hết mình trước mỗi trang kịch, trang đời!
Mà không chỉ với cải lương, chị còn đầy khao khát muốn được thử sức mình với cả kịch nói, ca kịch, chèo, tuồng, xiếc... “Tôi tham lam trong nghệ thuật - cái sự tham lam của một đứa trẻ mong được lớn lên!” - cười rất duyên với đôi lúm đồng tiền, Hoàng Quỳnh Mai tự đánh giá về mình như thế.
Dấu ấn Quỳnh Mai
Làng cải lương sau thời gian thống trị của một lớp đạo diễn lớn tuổi bắt đầu xuất hiện một thế hệ đạo diễn mới không có quá nhiều những tên tuổi sáng giá, nhưng Hoàng Quỳnh Mai là một cái tên đạo diễn trẻ hiếm hoi gây được ấn tượng đặc biệt. Quỳnh Mai xuất thân là một diễn viên, từng làm việc với các đạo diễn thế hệ cũ, vì vậy đôi khi người ta e ngại cô sẽ đi theo lối mòn. Thật bất ngờ bởi cô đã bứt phá, thoát ra khỏi cái khung định sẵn. Cách dàn dựng của cô luôn có những tìm tòi, sáng tạo mới, làm khác đi. Cái độc đáo là chất nữ tính luôn phả vào mỗi vở diễn tạo nên nét riêng khó lẫn của Hoàng Quỳnh Mai. Trong số các vở Mai dựng mà tôi đã xem, tôi thích nhất vở Cung phi Điểm Bích (đoạt giải vàng cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc năm 2007 tại TP.HCM) bởi chất nữ tính, đằm thắm và toát lên dấu ấn của cô. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận