20/06/2016 14:10 GMT+7

Nữ nhà báo điều tra: Nỗi ám ảnh mang tên “chùa Bồ Đề”

THU TRANG - TÂM LỤA ghi
THU TRANG - TÂM LỤA ghi

TTO - Điều tra là công việc nguy hiểm của các nhà báo, nhất là nhà báo nữ. Do vậy, những nhà báo nữ nổi danh nhờ các phóng sự điều tra hiếm thấy hơn các nhà báo nam.

Nhà báo Thu Trang (phải) đi mua gạo cho mấy đứa trẻ mồ côi - Ảnh nhân vật cung cấp
Nhà báo Thu Trang (phải) đi mua gạo cho trẻ mồ côi - Ảnh nhân vật cung cấp

 

Tuổi Trẻ giới thiệu một vài khuôn mặt nhà báo nữ tiêu biểu trong thể loại điều tra, trong nước và quốc tế.

Năm 2013, khi thực hiện loạt bài điều tra Thâm nhập đường dây kinh doanh con nuôi ở Hà Nội, tôi được nghe nhiều lời rỉ tai về việc chùa Bồ Đề (quận Long Biên) là nơi cung cấp con nuôi với giá cao...

Rất tình cờ, tôi được nghe một người bạn kể về việc có người chị làm từ thiện ở chùa Bồ Đề trong thời gian dài. Lợi dụng việc làm từ thiện, chị đã bán hai đứa trẻ trong chùa sang Trung Quốc qua đường biên giới.

Khi nghe thông tin ấy, không hiểu sao tôi có một cảm xúc vô cùng mãnh liệt rằng nó là sự thật. Tôi bắt tay ngay vào việc thực hiện loạt bài điều tra về việc mua bán trẻ em diễn ra ở đây.

Niềm tin của nữ nhà báo...

Trong vai một người đi làm từ thiện bị vô sinh, tôi đến nhà người chị của bạn mình để tìm hiểu sự thật.

Khi nghe tôi trình bày: “Em biết chị làm từ thiện thời gian dài ở chùa Bồ Đề, mong chị giúp em tìm một đứa con nuôi”, người phụ nữ ấy tỏ vẻ giật mình. Sau khi nhìn tôi từ đầu đến chân, chị ta vội đóng cửa và bảo: “Tôi không biết gì hết”.

Nhìn người phụ nữ với vẻ hoảng hốt không chút thiện tâm nào, tôi càng tin chuyện hai đứa trẻ bị bán là sự thật. Kể từ lúc ấy, tôi luôn ám ảnh hai đứa trẻ giờ còn sống hay đã chết, nếu còn sống thì cuộc đời chúng ra sao?

Tôi tìm gặp một số người trong các nhóm từ thiện và những người đã xin con nuôi ở chùa Bồ Đề. Để xin được con trong chùa, họ bắt buộc phải chi rất nhiều tiền (gọi là cúng dường).

Thấy một đứa trẻ trong chùa bị ốm, họ muốn đưa ra ngoài khám cũng bị gây khó khăn, phải để lại tiền cúng dường.

Có những bảo mẫu trong chùa đã nhận 4-5 đứa trẻ mồ côi là con đẻ rồi bán cho người khác với giá 150-500 triệu đồng. Việc cho - nhận trẻ mồ côi không còn sự thiện tâm mà trở thành những cuộc mua - bán.

Tháng 7-2014, khi tôi đang âm thầm điều tra, kết nối các dữ liệu thì một tờ báo mạng đã xào xáo bài viết Trẻ bị bỏ rơi nơi cửa Phật của tôi đăng năm 2013 thành bài viết Chùa Bồ Đề kinh doanh con nuôi trên báo của họ.

Sư trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan đã gửi đơn tố cáo tôi vì lý do vu khống. Đơn được gửi đến cơ quan tôi, Ban Tư tưởng văn hóa trung ương, Văn phòng Chính phủ... Khi biết tin những tiêu cực tại chùa Bồ Đề bị công bố bởi bài báo không chính xác, tôi đã dừng xe lại đứng khóc giữa đường.

Tôi khóc vì tiếc những tư liệu đang thu thập dang dở, tiếc những thông tin đang theo đuổi bị mất dấu sau bài báo đó. Tôi khóc vì sợ loạt bài bị đổ bể, sợ thông tin công khai sớm sẽ không thể tìm được hai đứa trẻ đã bị bán qua biên giới...

Lúc đó không còn cách nào khác, tôi buộc phải công khai thông tin để trả lời đơn tố cáo của sư trụ trì.

Tôi bắt đầu gửi những báo cáo chính xác nhất về tòa soạn. Đồng thời kêu gọi những người làm thiện nguyện ở chùa Bồ Đề ngồi lại với nhau. Họ là những người hiểu rõ nhất, bức xúc nhất về sự biến mất của những đứa trẻ.

Thông qua họ, tôi có danh sách những đứa trẻ được đưa vào chùa rồi bị biến mất. Tôi chắp nối lại những câu chuyện vụn vặt rồi đi khắp nơi để xác minh thông tin. Tôi lang thang từ tỉnh này qua tỉnh khác, từ Quảng Ninh, Phú Thọ đến Hải Phòng...

Có lúc mệt quá phải ngả ghế xe ngủ trên đường. Ngày 25-7-2014, báo Phụ Nữ TP.HCM đăng bài viết đầu tiên về việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề mang tên Sự biến mất khó hiểu của những đứa trẻ.

Bài viết kể về số phận đáng thương của những đứa trẻ bị lợi dụng để trục lợi. Sau đó, tôi tiếp tục viết thêm 12 kỳ đăng liên tục trên báo Phụ Nữ.

Sự phản trắc của đồng nghiệp

Khi bài viết đầu tiên được đăng, nhiều người tự xưng là phật tử đã nhắn tin, gọi điện cho tôi để chửi. Họ rủa tôi sẽ bị chịu đày đọa bao nhiêu kiếp, gia đình tôi sẽ chết thê thảm thế nào...

Những lời đe dọa đầy u mê chẳng làm tôi suy nghĩ gì. Điều khiến tôi buồn bã nhất là đồng nghiệp ở các tờ báo khác. Tôi biết họ được trả tiền để viết bài “đánh” lại tôi.

Cứ hôm nay báo Phụ Nữ đăng bài của tôi về chùa Bồ Đề, ngay lập tức hôm sau các báo đăng bài với nội dung ngược lại những gì tôi viết. Thông tin lúc đó bị nhiễu loạn như một trận chiến. Những người yêu quý tôi nín thở chờ xem tôi phản ứng thế nào, sẽ chiến đấu tiếp ra sao.

Tôi vượt qua mọi thứ bằng cách không đọc những bài họ viết, không quan tâm những gì họ nói. Tôi chỉ tin vào bản thân mình, tin vào những tư liệu điều tra mà mình có. May mắn rằng tòa soạn luôn tin tưởng, ủng hộ tôi và để tôi bình tâm làm việc.

Giữa những ngày căng thẳng và dồn dập thông tin thì anh Nguyễn Thành Long, bố nuôi của bé Cù Nguyên Công (một đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi trong chùa, bị bán sang tay và đã chết), tìm đến tôi cung cấp thông tin.

Anh Long kể cho tôi nghe ngày đầu tiên sư trụ trì gọi anh thông báo có đứa trẻ dính máu be bét, chưa cắt dây rốn được phát hiện ở cổng chùa cho đến ngày đứa trẻ biến mất. Anh Long có đầy đủ ghi âm cuộc truy vấn sư trụ trì xem bé Công đã đi đâu.

Sau khi nghe câu chuyện, niềm tin của tôi về việc mua bán trẻ em diễn ra ở chùa Bồ Đề càng thêm vững chắc.

Đêm đó, tôi gọi ngay về tòa soạn báo hủy bài viết cũ để đợi tôi viết bài dựa trên tư liệu anh Long cung cấp. Sau khi nộp bài lúc 19g, tôi lập tức lên đường về Phú Thọ, quê của mẹ bé Công, để xác minh thông tin.

Những ngày sau đó, tôi di chuyển liên tục. Có lúc tôi tự mình lái xe, có lúc nhờ chồng lái xe đưa đến nhà những người mẹ đã cho con.

Họ thường giấu gia đình nên việc điều tra của tôi khá gian nan. Có lúc tôi phải hóa thân, cải trang để họ không biết mình là nhà báo. Nếu nói mình là nhà báo, tôi sẽ chỉ nhận được thông tin sai sự thật.

Lặn lội đi Phú Thọ nhưng tôi chỉ xin được địa chỉ của H. - mẹ đẻ bé Công - đang sống ở Hà Nội. Tôi lại tức tốc ngược về Hà Nội. Lúc mới gặp tôi, H. rất cứng rắn.

Sau hơn một tiếng đồng hồ, H. đã khóc và kể lại toàn bộ sự thật mình sinh con ra sao, gửi vào chùa thế nào, cho con ra sao để lấy 10 triệu đồng, rồi bé chết như thế nào...

Một mặt tôi báo tin với cơ quan điều tra, mặt khác tôi xử lý bài cho báo. Bằng tài liệu của cơ quan điều tra và tài liệu điều tra của mình, tôi tiếp tục viết bài.

Sau khi báo Phụ Nữ đăng bài thứ 3, cơ quan điều tra đã khởi tố hai đối tượng mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề. Khi hai đối tượng bị khởi tố, một số báo từng đăng bài phản bác tôi mới dừng lại.

Sau khi hai đối tượng bị khởi tố, tòa soạn gọi hỏi han, tôi đã khóc một trận. Những lời đe dọa sau đó cũng bớt đi. Nhưng mọi chuyện không chấm dứt ở đó. Những áp lực thông tin vô hình vẫn bủa vây lấy tôi.

Áp lực khiến tôi và chồng bị căng thẳng khủng khiếp. Đã có lúc chồng tôi - một cảnh sát hình sự - nói rằng: “Em nên dừng lại đi, em không hình dung được những gì em đối diện nguy hiểm như thế nào đâu”.

Những ngày ấy, có người vẫn ngỏ ý muốn gặp tôi để đổi lấy sự im lặng. Tôi không đồng ý và cũng không nghe cuộc gọi nào từ người lạ. Tôi vẫn thực hiện bài về việc mua bán giấy chứng sinh khống, về việc sư trụ trì mua bán đất nông nghiệp trái phép...

Loạt bài về mang đến cho tôi nhiều giải thưởng báo chí, cho tôi tiếng vang trong sự nghiệp, nhưng cũng là loạt bài khiến tôi cảm thấy mệt mỏi nhất. Phiên tòa xét xử hai bị cáo về tội mua bán trẻ em, tôi không đến dự.

Tôi thường tự hỏi liệu tất cả sự thật đã được phơi bày hay chưa? Hay hai cô gái kia phải chịu tội thay cho ai đó? Họ có hận tôi không khi một phần vì tôi mà họ phải vào tù? Tôi thường thấy day dứt với những phận người vướng vào vòng lao lý sau bài viết của mình.

Cảm giác ấy thật trống rỗng và mệt mỏi! Nhưng có lẽ chính vì sự day dứt ấy mà tôi đã không ngừng đấu tranh với cái xấu, cái ác trong từng bài viết của mình.

________________

Kỳ tới: Những pha thót tim

THU TRANG - TÂM LỤA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên