Chúng tôi được trưởng ban nữ công Công ty TNHH một thành viên cao su Chưmomray (Kon Tum) đưa đến nhà chị Phương lúc chị đang loay hoay sau nhà chặt mấy cành điều sà xuống sát đất.
"Từ ngoài quê vô với hai bàn tay trắng, khó nghèo thúc giục vợ chồng mình phải học hỏi từng ngày trong nghề cũng như trong công việc ở nhà", chị Phương tâm sự.
Nhiều năm liền là kiện tướng, bàn tay vàng cạo mủ cao su
Dáng người thấp đậm nhưng đôi tay luôn thoăn thoắt khi làm việc, chị Phương cho hay đó là thói quen rèn được sau hơn 10 năm gắn với nghề cạo mủ cao su tại Nông trường Cao su Morai 1 (Công ty TNHH một thành viên cao su Chưmomray).
"Cạo mủ cao su phải có động tác nhanh, dứt khoát thì mới có năng suất, chất lượng cao. Vì rứa (vậy nên) tui mần cái chi cũng lanh lẹ hơn chị em khác", nữ công nhân quê ở Tương Dương (Nghệ An) bộc bạch.
Năm 2011, vì cuộc sống ở quê quá chật vật do ít đất, không có công việc làm thêm, gia đình chị Phương quyết định vào vùng biên giới Ia Tơi tìm hy vọng mới theo lời anh trai. Sau khi tạm ổn định chỗ ở, hai vợ chồng gửi con rồi xin đi làm công nhân cho nông trường cao su.
"Nông trường phát gạo, mắm muối và những vật dụng khác để công nhân ổn định cuộc sống, tập trung chăm sóc vườn cây cao su mới trồng. Sau giờ làm công nhân, vợ chồng tranh thủ cuốc đất ở những bờ lô, ven suối để tỉa bắp, trồng khoai tăng gia cho kinh tế gia đình", chị Phương nhớ lại.
Ông Đinh Bính Nghĩa - phó giám đốc Nông trường cao su Morai 1 - khẳng định không phải vì lo làm kinh tế riêng mà việc chăm sóc cây cao su của chị Phương bị chểnh mảng. Nhiều năm liền, chị là người phụ nữ đi đầu, luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu do đơn vị đặt ra.
Từ năm 2012 đến nay, chị Phương luôn là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhiều năm liền đạt danh hiệu bàn tay vàng trong nghề cạo mủ cao su từ cấp cơ sở đến cấp toàn ngành.
"Chị Phương còn nhận được nhiều giấy khen của nông trường, công ty, tập đoàn về những đóng góp trong công tác chuyên môn, phong trào nữ công của ngành", ông Nghĩa tự hào.
Nói về bí quyết "săn" bằng khen, cúp bàn tay vàng, chị Phương tâm sự điều tiên quyết của nghề cạo mủ cao su là phải chịu khó dậy sớm, canh đúng thời điểm cây cho mủ nhiều nhất để cạo.
Chị Nông Thị Phương - công nhân cạo mủ cao su Công ty TNHH cao su Chư Mom Ray (Kon Tum).
Vào những ngày cạo, tôi đều có mặt trên lô trước 2h và cố gắng cạo hết diện tích được giao trước 6h sáng để đạt năng suất cao nhất. Không chỉ cần cù, người thợ phải tâm huyết với từng nhát cạo để được lượng mủ cao nhất nhưng không gây hại cho sức khỏe của cây những mùa sau.
Nhờ ham học hỏi và cần cù lao động, thao tác kỹ thuật cạo mủ cao su của chị Phương ngày càng hoàn thiện, thuần thục. Nhiều năm liền, năng suất cạo mủ của chị đạt 10-11 tấn mủ khô/năm, trong khi bình quân của các công nhân nữ tại nông trường khoảng 7-8 tấn mủ khô/năm.
"Chị Phương là thợ cạo mủ luôn ở tốp dẫn đầu trong nhóm công nhân nữ và nhỉnh hơn cả nhiều nam giới", ông Nghĩa nhận xét.
Luôn mong con cái tiến xa bằng con chữ
Chị Lê Thị Hiếu - trưởng ban nữ công Công ty TNHH một thành viên cao su Chưmomray - cho biết ngoài công việc hàng ngày ở nông trường, chị Phương rất tích cực trong phong trào nữ công của công ty.
Chị Phương tham gia nhiều hoạt động hướng dẫn để giúp công nhân nữ nâng cao tay nghề, nhiều phong trào do ban nữ công phát động chị đều hưởng ứng, đạt thành tích tốt.
Theo chị Hiếu, không chỉ dẫn đầu trong công việc, chị Phương còn nhận được nhiều lời khen và thán phục vì là điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, đảm đang.
Ngoài việc hoàn thành tốt chăm sóc, thu hoạch hơn 4,8ha cao su với năng suất, chất lượng được đánh giá cao như đã nêu, chị Phương cùng chồng tập trung chăm sóc 4ha điều và nuôi hơn chục con heo, 22 con bò. Nhờ vậy, kinh tế gia đình chị ổn định, khấm khá.
"Là người phụ nữ trong gia đình, mình phải ráng để chu toàn mọi việc gia đình trong ấm ngoài êm. Mình là người ít học, nên luôn nỗ lực hết sức để mong 2 con học tập đến nơi đến chốn, thành công mai sau", chị Phương tâm sự.
Tấm gương khích lệ công nhân cao su
Ông Phạm Du Vương - phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên cao su Chưmomray - cho hay với gần 5.200ha cao su, sản lượng khoảng 9.300 tấn, đơn vị luôn hoàn thành, vượt các chỉ tiêu do tập đoàn giao. Đó là nỗ lực rất lớn của toàn đội ngũ với hơn 1.200 đoàn viên công đoàn và dĩ nhiên không thể thiếu những người tiêu biểu như chị Phương.
"Chị Phương là người chịu thương chịu khó nên luôn là phụ nữ tiêu biểu, nhiều năm được công ty và tập đoàn khen thưởng. Chị cũng là tấm gương phụ nữ mà trong các buổi sinh hoạt công đoàn, chúng tôi hay đưa ra để khích lệ tinh thần công nhân, cán bộ, nhân viên.
"Không chỉ là thợ giỏi, chị còn là người làm ăn kinh tế khá, gia đình luôn hòa thuận và êm ấm, được nhiều người yêu mến", ông Vương nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận