Kiến trúc sư Chu Kim Đức, giám đốc, đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds - Ảnh: HÀ THANH
Bảy năm trước, câu chuyện về một người phụ nữ nước ngoài sang thăm Việt Nam chụp ảnh về những sân chơi trong phố đã thành động lực cho nữ kiến trúc sư Chu Kim Đức cùng cộng sự bắt đầu hành trình tạo ra hàng trăm sân chơi.
"Người phụ nữ ấy đã bay nửa vòng trái đất sang giúp Hà Nội, mình là người ở đây, mình phải làm điều gì đó chứ", nữ kiến trúc sư Chu Kim Đức, 41 tuổi, giám đốc - đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds, nhớ lại trăn trở ban đầu.
Sân chơi "thoát khuôn khổ"
* Từ câu chuyện năm đó, chị cùng cộng sự đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng ra sao?
- Bảy năm trước, trong một lần ghé thăm Hà Nội, bà Judith Hansen (Mỹ) muốn chụp ảnh các sân chơi. Người ta chỉ cho bà những sân chơi trống hoặc công viên giải trí. Bà nghĩ "một thành phố mà quá ít không gian chơi cho trẻ thì rất đáng tiếc", có khoản tiền thừa kế nên bà mong muốn tặng cho Hà Nội một sân chơi cầu trượt hình con rùa ở khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Chúng tôi giúp bà kết nối với chính quyền, tuy nhiên rất khó để đặt một sân chơi vào không gian di sản. Do đó, dự án không thực hiện được.
Nhưng chính bà Hansen đã truyền cảm hứng cho chúng tôi tiếp nối câu chuyện sân chơi cho trẻ. Năm 2014, chúng tôi bắt tay thực hiện dự án đầu tiên ở bãi giữa sông Hồng. Ngay sau đó, tổ chức sự kiện "Ngày vui chơi" để kêu gọi truyền thông, giúp nâng cao nhận thức của người dân thành phố về vấn đề trẻ em cần sân chơi.
Từ sân chơi đầu tiên, đã có rất nhiều cộng đồng, tổ chức tìm đến. Năm 2016, Think Playgrounds đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội, vừa kinh doanh vừa tạo ra lợi nhuận hỗ trợ lại các sân chơi cộng đồng. Đến nay đã có gần 200 sân chơi công cộng và hơn 100 sân chơi cho các cơ sở tư nhân.
* Thời điểm bắt đầu, làm thế nào để nhóm thuyết phục cộng đồng tham gia vào xây dựng sân chơi cho trẻ?
- Chúng tôi chọn bãi giữa sông Hồng là địa điểm khá dễ làm bởi cộng đồng ở đây ủng hộ, hỗ trợ rất nhiều cho nhóm hoàn thiện dự án. Thời gian đầu, chúng tôi huy động tình nguyện viên có kỹ năng.
Sau sân chơi đầu tiên tạo được tiếng vang, rất nhiều người tìm đến yêu cầu hỗ trợ thiết kế, tạo không gian chơi cho trẻ em. Dần dà nhận thấy việc cộng đồng cùng tham gia rất quan trọng để lan tỏa chuyện này. Thay vì kêu gọi tình nguyện viên, chúng tôi kêu gọi chính cộng đồng tại chỗ để họ tham gia vào quá trình làm sân chơi, như thế mới bền vững nhất.
Thực ra khó khăn không nằm ở địa điểm mà làm sao để cộng đồng tự duy trì sân chơi. Think Playgrounds với lợi nhuận ít ỏi có thể hỗ trợ 1 - 2 sân chơi trong thành phố, do đó chúng tôi làm việc với khu dân cư để họ tham gia từ quá trình thiết kế đến việc xây dựng, duy trì sân chơi.
* Để thiết kế một sân chơi cho trẻ cần có những tiêu chuẩn nào?
- Nếu nhìn về sân chơi thì có nhiều góc nhìn khác nhau. Còn về chuyên môn, tiêu chuẩn chúng tôi đặt ra là có nhiều vật liệu tự nhiên được tái chế nhất nhằm giáo dục cho trẻ, góp phần bảo vệ môi trường, giúp phát triển giác quan của trẻ em.
Trước kia chúng tôi dùng gỗ pallet (tấm kê hàng được sử dụng chủ yếu trong ngành công nghiệp), nay chủ yếu tái chế vỏ xe - là đơn vị thiết kế thú vị trong sân chơi, vừa bền vừa tạo được nhiều hình thức khác nhau. Vật liệu tái chế là điều mà chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi.
Tiêu chuẩn thứ hai là an toàn, trong đó mức độ an toàn vừa phải, không cần quá chỉn chu vì sẽ giảm bớt cảm giác phiêu lưu mạo hiểm. Chẳng hạn như chiếc xích đu thường phải làm bay lên cao để tạo cảm giác cho trẻ em nhưng để an toàn, phía dưới cần thiết kế cỏ nhân tạo hoặc cát, nền cao su.
Thông thường với một sân chơi tùy thuộc vào không gian công cộng, khoảng 1 năm nên được sơn sửa lại, bảo trì thường xuyên thì tuổi thọ có thể kéo dài đến 5 năm.
Kiến trúc sư Chu Kim Đức và sân chơi tái chế cho trẻ em mới nhất khánh thành tại Phúc Tân, Hà Nội ngày 27-3 - Ảnh: HÀ THANH
Tôi không hài lòng với những thứ lặp lại
* Trước khi bắt đầu với sân chơi tái chế, chị đã trải qua những công việc nào?
- Tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc, tôi học thạc sĩ ở Pháp về thiết kế sân vườn cảnh quan. Sau đó tôi chọn quay về Việt Nam mở văn phòng kiến trúc. Về nước mình, tôi thấy công việc có ý nghĩa hơn, có nhiều điều để học hỏi, nhiều mạng lưới để kết nối, gặp gỡ tạo thuận lợi trong công việc. Về sau công việc gặp khó, tôi có chuyển sang làm phim tài liệu, phim nghệ thuật trước khi bắt tay vào làm sân chơi tái chế công cộng.
* Phụ nữ thường có nhiều mối bận tâm hơn, hi sinh nhiều hơn cho con cái, gia đình, làm sao để chị vừa làm tốt công việc, vừa chăm lo cho gia đình?
- Trong thực tế cuộc sống, luôn có những người phụ nữ vừa làm việc, vừa chăm sóc gia đình. Tôi nghĩ một cách nào đó, áp lực lại tạo ra những người phụ nữ đa năng, có thể nhìn nhận được nhiều thứ, có cái nhìn đa chiều. Từ đó, giúp họ có khả năng ra quyết định tốt hơn, không bị hạn chế trong một góc nhìn. Trở nên đa năng là một việc tốt, không chỉ riêng phụ nữ mà đàn ông cũng nên thế.
Bản thân tôi có nguyên tắc là cố gắng không mang công việc về nhà, giải quyết hết tất cả mọi thứ trong giờ hành chính để dành thời gian chăm sóc gia đình. Mình cố gắng giữ nguyên tắc đó, tất nhiên sẽ không đơn giản, nhưng khi đặt ra nguyên tắc thì cố gắng làm theo.
* Bên cạnh nguyên tắc đặt ra cho bản thân, một trong những điều quan trọng nhất là chị đã tìm được người cộng sự tốt?
- Đúng là nói đến cá nhân, bản thân tôi rất may mắn tìm được cộng sự như anh Đạt (Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập Think Playgrounds) có tầm nhìn rất tốt về xã hội, về cộng đồng, thấu hiểu trong hoạt động chung, ngoài ra anh phụ trách thêm về truyền thông, thiết kế.
Chúng tôi hiểu nhau, quan trọng nhất là cùng quan tâm đến xã hội, cùng hướng đến việc đóng góp điều gì đó cho Hà Nội. Chúng tôi cùng học hỏi, từ lúc khởi đầu đến nay vẫn không ngừng. Có thể gọi Đạt như là người bạn tri kỷ, vừa là cộng sự tốt nhất.
* Từ sử dụng vật liệu tái chế đến thay đổi thiết kế sân chơi phù hợp với từng không gian công cộng, dường như ở chị luôn có sự sáng tạo không ngừng nghỉ?
- Đúng là tôi thường không hài lòng với những cái lặp lại. Ví dụ, mình có ý tưởng và nhận thấy hoàn toàn có thể phát triển được thì sẽ chia sẻ ý tưởng đó cho nhiều người, nhiều nơi cùng học hỏi. Sau đó, tôi suy nghĩ liệu nó có thể cải tiến không và cải tiến như thế nào? Có rất nhiều hướng khác nhau cho không gian công cộng, tôi nghĩ bản thân sẽ không dừng lại.
* Được xướng tên trong top 100 người truyền cảm hứng ở hạng mục sáng tạo, giải thưởng tạo động lực cho chị ra sao?
- Tôi nghĩ đó là sự ghi nhận tầm quan trọng cần có không gian chơi cho trẻ. Tôi hình dung những đứa trẻ ở thành phố chỉ ngồi trong nhà xem tivi, điện thoại vì không thể có một sân chơi gần nhà, việc đó ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất, sự phát triển của trẻ. Giải thưởng có thể giúp cho nhiều người hiểu ra được tầm quan trọng của sân chơi.
Ở trường trẻ đã có quá nhiều bài học trong khuôn khổ, không gian sân chơi là không gian duy nhất ở trong ngày mà trẻ có thể tự quyết định, thư giãn, chơi những thứ gì các em muốn, tự quyết định cùng với nhau, trong quá trình đó các em học được rất nhiều thứ.
* Hướng đi của Think Playgrounds trong thời gian tới?
- Ban đầu chúng tôi chỉ làm sân chơi, nhưng nếu chỉ làm sân chơi sẽ khó bền vững. Hướng đi hiện nay là thiết kế cả không gian công cộng cho nhiều đối tượng, trong đó sân chơi chỉ là một phần. Làm sao để cộng đồng thấy được mình là một phần của không gian đó và cùng tham gia vào - chị Đức nói.
Sau bảy năm, từ Hà Nội, dự án đã lan rộng cả nước với gần 200 sân chơi cộng đồng, hơn 100 sân chơi tư nhân. Mục tiêu của nhóm đặt ra là mỗi tháng tối thiểu khánh thành một sân chơi cộng đồng. Và mới nhất ngày 27-3, chị Đức cùng nhóm cho ra mắt không gian cộng đồng ở Phúc Tân (Hà Nội).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận