Kiến trúc sư Kotchakorn Voraakhom sử dụng các công cụ kiến trúc cảnh quan để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu - Ảnh: CNN
Bà Voraakhom cho biết lũ lụt đã "thay đổi cuộc đời" mình, giúp bà quyết tâm vận dụng những gì mình đã học được tại Trường Thiết kế sau đại học của Đại học Harvard (Mỹ) để chống lại biến đổi khí hậu.
Theo Đài CNN, lũ lụt năm 2011 đã giết chết hàng trăm người và khiến hàng triệu người tại Thái Lan phải di dời. Trong số 76 tỉnh của Thái Lan, 65 tỉnh được tuyên bố là vùng thiên tai lũ lụt.
Đặc biệt, nằm ở vùng đồng bằng sông Chao Phraya trũng thấp, thủ đô Bangkok với gần 11 triệu dân lại là nơi có nguy cơ bị lũ lụt đe dọa rất cao. Thành phố này chỉ cao 1,5m trên mực nước biển.
Công viên Centenary ở Bangkok lưu trữ một lượng lớn nước mưa và ngăn lũ lụt cho các khu vực xung quanh - Ảnh: CNN
Theo Ngân hàng Thế giới, 40% diện tích Bangkok có thể bị ngập vào năm 2030 do lượng mưa lớn hơn. Thành phố bị lún tới 2cm mỗi năm.
Giống như Bangkok, các thành phố đối mặt với nguy cơ bị nước biển xâm lấn không có cơ sở hạ tầng đô thị hiện tại phù hợp, vì thế có khả năng thích ứng kém với vấn đề này, bà Voraakhom nhận định.
Để khắc phục tình trạng trên, theo nữ kiến trúc sư, cách duy nhất để giúp Bangkok là phải tập cách "sống chung với nước".
Công viên Centenary có thể chứa tới hơn 3.800m3 nước - Ảnh: CNN
Một trong những thiết kế sáng tạo nhất của bà Voraakhom là công viên Centenary, được xây dựng trong khuôn viên Đại học Chulalongkorn ở trung tâm Bangkok.
Được thiết kế để lưu trữ một lượng lớn nước mưa và ngăn lũ lụt cho các đường phố xung quanh, thiết kế mặt phẳng nghiêng của công viên Centenary giúp hướng dòng nước chảy qua những khu vườn dốc. Từ đó, nước chảy vào một hồ chứa có trữ lượng hơn 1.800m3.
Bên dưới mặt đất là một bể chứa nước bổ sung có thể chứa hơn 600m3. Toàn bộ công viên có thể chứa gần 3.800m3 nước.
Được thiết kế nghiêng, công viên Centenary hướng dòng chảy qua những khu vườn dốc vào vùng trũng nhân tạo - Ảnh: CNN
Bà Voraakhom cũng tạo ra "trang trại" trên sân thượng lớn nhất châu Á, Siam Green Sky, biến 22.400m2 mái nhà thành một thiên đường tươi tốt.
Trang trại này tái chế chất thải thực phẩm từ các nhà hàng trong tòa nhà bên dưới và sử dụng nó làm phân bón cho cây trồng, đồng thời có khả năng hấp thụ và lưu trữ nước mưa.
Siam Green Sky tái chế rác thải thực phẩm từ các nhà hàng trong tòa nhà bên dưới và sử dụng chúng làm phân bón để trồng rau và lúa - Ảnh: CNN
Lấy cảm hứng từ cách làm nông nghiệp truyền thống của Thái Lan và ruộng bậc thang, nữ kiến trúc sư đã tạo ra một cảnh quan phức tạp, nhiều tầng lớp cho phép nước mưa chảy xuống và thấm vào các vườn rau, thảo mộc.
Bà cũng là người thiết kế công viên trên cầu bắc qua sông Chao Phraya và công viên bao quanh kênh Chong Nonsi ở trung tâm thành phố Bangkok.
Theo bà Diane Archer - một nhà nghiên cứu tại Viện Môi trường Stockholm ở Bangkok, không gian xanh đô thị của bà Voraakhom là một đóng góp cực kỳ quan trọng đối với cảnh quan của Bangkok, cho thấy các giải pháp dựa trên thiên nhiên có thể đóng góp trong việc giải quyết các vấn đề môi trường.
Một công viên rực rỡ đã được bà Voraakhom tạo ra trên cây cầu bắc qua sông Chao Phraya - Ảnh: CNN
Bà Voraakhom đã biến Chong Nonsi, một con kênh bốc mùi ở khu trung tâm tài chính của Bangkok, thành một công viên sôi động - Ảnh: CNN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận