14/08/2011 05:14 GMT+7

"Nữ hoàng đường chạy" về đích đường đời

THANH HUYỀN
THANH HUYỀN

TT - Tháng 5 năm nay, Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Manulife đã tổ chức lễ tôn vinh những nhân viên xuất sắc nhất châu Á của mình trong năm 2010 tại Hong Kong. Trong danh sách này có tên Trương Hoàng Mỹ Linh, một nhân vật nổi tiếng của thể thao VN cách đây 20 năm...

Read this on Tuoitrenews.vn

c4Gr1QFN.jpgPhóng to

Mỹ Linh nhận giải “Nhân viên xuất sắc châu Á 2010” của Manulife - Ảnh: nhân vật cung cấp

Thời gian gần đây, báo chí đề cập nhiều đến những VĐV thể thao đỉnh cao VN đã hết sức vất vả trong cuộc sống khi giã từ thể thao. Chính vì vậy, chúng tôi tìm gặp chị Trương Hoàng Mỹ Linh - một trong những nhân vật hiếm hoi của thể thao VN thành công sau khi giã từ sự nghiệp. “Nữ hoàng tốc độ” ngày nào giờ đã về đích trên đường đời.

Chạy giỏi và học tốt

Năm 1983, Mỹ Linh đến với điền kinh khi bắt đầu vào lớp 9. Chị bảo mình mê chạy, nhưng bố mẹ không muốn cho con gái phơi nắng trên đường piste, đồng thời cũng ngại lắm chuyện theo nghiệp thể thao vốn khắc nghiệt và bạc bẽo. Vì vậy, Mỹ Linh phải hứa “tập nhưng không chểnh mảng học hành” mới được chấp thuận.

Chỉ sáu tháng sau, Mỹ Linh đã thể hiện tố chất đặc biệt của mình khi đoạt 1 HCV, 1 HCB ở Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần 1, đồng thời nhờ thành tích học tập tốt, chị được tuyển thẳng vào lớp 10 Trường PTTH Trưng Vương.

Mỹ Linh trong mắt đồng nghiệp

* HLV Nguyễn Đình Minh (đồng đội của Linh thời VĐV): Mỹ Linh là một tài năng bẩm sinh, một VĐV đầy ý chí. Cô ấy là đại diện cự ly ngắn đầu tiên của điền kinh VN khi trở lại hội nhập với SEA Games (1989)... Trong điều kiện khó khăn thời kỳ đó, điều cô ấy làm được là quá tuyệt vời.

* Ông Kim Fleming (giám đốc điều hành Manulife tại VN): Linh đã mang vào lĩnh vực kinh doanh niềm đam mê và sự kỷ luật mà cô đã thể hiện trong sự nghiệp thể thao đỉnh cao, nơi cô đã hoạt động với 100% nỗ lực, thời gian và sự tập trung để tạo nên vốn liếng quý báu giúp cô chuyển đổi mình sang lĩnh vực kinh doanh. Tất cả những điều trên cùng với sức mạnh và tính cách của cô vượt quá mong đợi của tôi. Tôi rất tự hào về cô ấy.

Giỏi sắp xếp, suốt ba năm trung học chị luôn đảm bảo thời gian để vừa học vừa tập. Ba qua đời khi chị đang học lớp 10 cũng chính là lúc chị bước vào tập luyện thể thao đỉnh cao. Khó khăn không làm chị nản mà ngược lại càng tăng thêm nghị lực phấn đấu. Mỗi ngày một buổi tập là không đủ với VĐV muốn thi đấu đỉnh cao, nên mỗi sáng sớm mẹ đưa chị vào sân Hoa Lư. T

ập xong chị đi học, còn mẹ mang đồ về nhà. 13g30, người ta lại thấy chị trên sân tập cho đến tối. Nhiều khi các bạn về nghỉ còn chị ở lại luyện thêm thể lực để “bù cho thời gian buổi sáng đi học”.

Cứ như vậy cho đến Giải vô địch toàn quốc 1984 chị giành HCV cự ly 100m. Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần 2 diễn ra đúng vào lúc thi tốt nghiệp cấp III, thời điểm mọi học sinh đều tập trung cao độ ôn thi, nên “đi tập về, tắm rửa ăn cơm xong là đi ngủ cho lại sức, học lúc 1g sáng, đến 5g sáng lại ngủ tiếp” - Mỹ Linh nhớ lại.

“Nữ hoàng tốc độ” đỗ tốt nghiệp trung học chỉ sau thủ khoa 1 điểm. Theo nguyện vọng gia đình, chị định thi vào đại học y và đương nhiên không thể tập tiếp. Thời điểm đó năm nào Sở TDTT cũng có suất học Đại học Y học thể thao tại Đức. Muốn tạo điều kiện cho chị và để khỏi uổng phí tài năng, lãnh đạo Sở TDTT TP.HCM nói sẽ để dành suất đó cho chị để yên tâm cống hiến.

Được định hướng tương lai VĐV của mình, chị lao vào tập luyện. Thế rồi bốn năm sau (1991), khi chị đặt lại vấn đề thì người kế nhiệm giám đốc sở lúc ấy bảo không biết gì lời hứa của người tiền nhiệm! Đối với một “nữ hoàng” đầy kiêu hãnh, đó là điều không thể chấp nhận.

Nhưng rồi khủng hoảng nhanh chóng qua đi, bản năng vượt khó của một VĐV thôi thúc chị tìm hướng đi mới. Lúc đó, thi đại học đối với chị đã trở thành không thể. Nó đã trôi qua cách đây bốn năm với những kỳ tập huấn, một năm chỉ có một tháng ở nhà.

Không thể dừng tập một cách đột ngột, năm sau chị quyết định thi vào hệ tại chức khoa tiếng Anh Đại học Huflit. Ngày tập và tối đi học, miệt mài bốn năm vô cùng vất vả. Tập luyện mệt mỏi, tối về chân tay “giơ không lên”. Nhiều khi nằm xuống là chị thiếp đi, bỗng sực tỉnh chị lại vùng dậy để học.

Tập mệt, học mệt và trả nợ môn học vì những chuyến thi đấu, tập huấn liên miên cũng mệt mỏi không kém. Chị quay như chong chóng trong mớ công việc và áp lực thi đấu - thi cử ấy. Nhiều khi chị chạnh lòng bên trang sách, nhìn chúng bạn tối tối vui vẻ đi chơi...

6LoH6GGm.jpgPhóng to
Trương Hoàng Mỹ Linh, ngôi sao trên đường chạy cự ly ngắn của VN những năm 1984-1995 - Ảnh: Anh Tài

Bước ngoặt

Tốt nghiệp đại học, chị quyết tâm dồn sức cho trận đấu cuối cùng là muốn có thành tích tốt ở Olympic Atlanta 1996. Nhưng tại cự ly 200m ở Đại hội TDTT toàn quốc 1995, khi đang băng băng dẫn đầu hơn 100m đầu, chị đã bị té khiến chấn thương nặng. Đó là một sự kiện mà báo chí ngày ấy tốn không ít giấy mực tiếc rẻ cho “nữ hoàng”. Có điều trong rủi có may. Bước ngoặt cuộc đời chị đến sau cú chấn thương đó.

“Nữ hoàng tốc độ” đã phải giã từ đường chạy, bắt đầu bước vào cuộc đua mới, đó là đường đời. Một sự tình cờ đã đưa chị đến cộng tác với phòng khai thác vệ tinh của Đài truyền hình TP.HCM. Công việc phiên dịch, biên tập và phát thanh đầy thú vị, chị xem đó là môi trường giúp rèn luyện kỹ năng tiếng Anh một cách chuẩn nhất.

Trong thời gian công tác tại đây, anh Trần Hòa Bình - trưởng phòng khai thác vệ tinh của HTV - nhận xét: “Mỹ Linh là con người của công việc. Cô ấy lao động rất nghiêm túc”.

Nửa năm sau, khi tham gia phỏng vấn tại Công ty liên doanh dịch vụ hàng hóa quốc tế Tân Sơn Nhất, chị được tuyển vào vị trí trợ lý giám đốc. Ở đây chị học được phong cách làm việc chuyên nghiệp của người nước ngoài. Tuy vậy, để tiếp tục nâng cao trình độ tiếng Anh, chị vẫn duy trì tuần hai buổi ở HTV.

Luôn giữ phong cách của một VĐV đỉnh cao, chị tiếp tục tìm tòi, nỗ lực thực hiện một cách tốt nhất công việc của mình và nhanh chóng trưởng thành trong môi trường mới. Từ đây, chị chuyển qua làm việc cho Hãng hàng không Thụy Sĩ. Năm 2001, sau sự kiện 11-9, Hãng hàng không Thụy Sĩ tại VN đóng cửa. Liên tưởng tới cuộc sống đầy rủi ro, chị quyết định chuyển sang lĩnh vực bảo hiểm với chuyên môn hoàn toàn mới.

Trải qua 15 năm phấn đấu, đến nay chị đang có một gia đình hạnh phúc và trở thành giám đốc bộ phận tuyển dụng - dự án của Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife.

Thành công ấy đến với Mỹ Linh không dễ dàng. Chị sinh hai con đều trong tình trạng cấp cứu do cường độ làm việc quá cao, chỉ được ở với con một tháng rưỡi là chị phải quay lại với công việc...

fDIIdQOj.jpgPhóng to

Mỹ Linh hạnh phúc bên chồng con - Ảnh: nhân vật cung cấp

Hỏi chị nghĩ gì trước những câu chuyện nghiệt ngã của các VĐV đỉnh cao sau khi giã từ sự nghiệp thể thao, chị chỉ cười buồn. Chị cũng như nhiều VĐV khác đều thấm thía hai chữ “bạc bẽo” trong thể thao đỉnh cao.

* Thế chị nghĩ gì về thể thao đỉnh cao ở VN hiện nay?

- Tôi rất ngạc nhiên về mức thu nhập của VĐV, nó không chênh lệch nhiều so với thời của tôi. Khi người ta chấp nhận đi tập để có thu nhập thì rõ ràng kỳ vọng đó đã không được đáp ứng. Thể thao ở VN không phải là một nghề, thời của Linh và bây giờ vẫn vậy.

* Nếu con mình ngỏ ý học theo mẹ để tham gia thể thao đỉnh cao thì chị nghĩ sao?

- Không!

* Tại sao?

- Bạn thấy đấy, đã có mấy người sống được bằng thể thao? Tuy đã tiến hành xã hội hóa thể thao nhưng đến nay chúng ta đã có mấy môn thể thao thật sự chuyên nghiệp hóa, khi mà hoạt động của các bộ môn đều trông chờ “bầu sữa bao cấp” của Nhà nước? Vậy thì sao có thể coi thể thao là một hướng đi cho tương lai của mình. Bên cạnh đó, nghiệm lại bản thân, nhiều lúc tôi giật mình vì chặng đường đã qua quá cực và tôi không muốn con mình phải vất vả như tôi.

* Nếu có lời khuyên cho những người đi sau, chị sẽ nói gì?

- Chính ta phải quyết định số phận của mình. Đừng quá tin vào những lời hứa mà mình nghe được khi đang còn đỉnh cao. Tôi khẳng định những VĐV giỏi hoàn toàn có khả năng trở thành những người làm việc xuất sắc ngoài môi trường thể thao. Họ sẵn có sự tập trung cần thiết, sự kiên trì và tham vọng.

* Còn thể thao nước nhà, chị nghĩ phải làm thế nào để thay đổi tích cực hơn?

- Từng là người trong cuộc và với tư duy người làm kinh doanh, tôi cho rằng điều kiện kinh tế thế nào thì nên áp dụng cách làm như thế. Thu nhập đầu người của các nước tiên tiến và ta khác nhau. Giống như một nhà đông con, bố mẹ chỉ có chừng đó tiền nhưng lại phải “bao cấp” hết mọi đứa. Vậy nếu không giỏi làm kinh tế thì sao không “kế hoạch hóa”? Ít con sẽ có thể chăm lo đầy đủ. Ý tôi muốn nói thể thao VN không nên đầu tư dàn trải.

THANH HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên