Trước khi chuyển tới Úc, đầu bếp 34 tuổi này chưa khi nào nghĩ đến việc theo đuổi sự nghiệp ẩm thực. Trong thực tế, khi hỏi cô ấy muốn làm gì khi còn trẻ, bạn sẽ nhận được câu trả lời đầy ngạc nhiên.
“Hầu hết các cô gái đều muốn trở thành công chúa. Tôi muốn trở thành một phù thủy” - cô nói.
Thay vì theo đuổi thế giới nghệ thuật hắc ám khi lớn lên, cô học ngành công nghệ thông tin vì “thích chơi game và giỏi toán”.
Bất chấp những tưởng tượng thời thơ ấu và khát vọng công nghệ, Sam Trần nhận ra mình có thể là người tiên phong cho ẩm thực miền Bắc Việt Nam khi sống ở Melbourne.
Năm 2020, cô mở nhà hàng Gia tại Hà Nội cùng Long Trần.
Năm 2023, Gia là một trong bốn nhà hàng được gắn sao Michelin tại Việt Nam và là nhà hàng duy nhất do một đầu bếp nữ điều hành.
Sam Trần trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trên thế giới nhận được sao Michelin, đồng thời cũng nhận luôn giải Michelin Young Chef - giải đầu bếp trẻ tài năng.
Michelin Guide cho rằng cô cũng “trở thành đại sứ cho ẩm thực Việt Nam”. “Có lẽ, đây là điều đáng ngạc nhiên và xúc động nhất mặc dù cô chưa bao giờ mơ ước một vai trò như vậy nhưng không ai phù hợp hơn với vai trò đó”, trang này cho hay.
Sam Trần ở Úc nhớ vị miền Bắc
Sam Trần đến Melbourne năm 2011 học bằng thạc sĩ ngành công nghệ thông tin. Giống như nhiều người nhập cư thế hệ đầu tiên, cô làm thêm trong một siêu thị rau quả, sau đó làm phụ bếp, rửa bát.
Ở nơi cô sống, có thể kiếm được vài món ăn quen thuộc như phở, bánh mì, gỏi cuốn nhưng lại hiếm khi tìm được những món ăn Hà Nội quê hương cô.
“Vì vậy tôi phải tự nấu nó” - cô kể, cô mang đồ ăn đi làm để chia sẻ với bạn bè, chính họ khuyến khích cô nấu nhiều hơn.
Khi niềm đam mê với ẩm thực đa dạng của Việt Nam ngày càng lớn, cô bắt đầu công việc mới tại Bawa Café, một quán ăn sáng muộn nổi tiếng ở Hawthorn, ngoại ô Melbourne. Sau đó, cô chuyển đến nhà hàng Đông Nam Á có tiếng Sunda Dining.
“Sam Trần chưa bao giờ học nấu ăn nhưng cô ấy có đủ kỹ năng trong nhà bếp và cả bên ngoài nhà bếp”, Michelin Guide viết.
Sam Trần cho biết Melbourne là thành phố đa văn hóa, ở đây có ngành công nghệ thực phẩm và đồ uống phát triển nên cô đã học được những cách thức mới để sử dụng nguyên liệu với các kỹ thuật khác nhau.
“Điều đó khuyến khích tôi cởi mở hơn khi nấu nướng. Bây giờ tôi có thể nhìn thấy một bức tranh lớn hơn”, cô chia sẻ.
Sam kể, cô từng có ý định mở một nhà hàng ở Úc; nhưng đến năm 2020, cô lại mắc kẹt ở Việt Nam do dịch bệnh. Nếu không thể mở nhà hàng ở Úc thì cô sẽ mở nhà hàng ở Việt Nam. Gia ra đời.
“Người Việt như một đại gia đình”
Nằm cạnh Văn Miếu, nhà hàng Gia được xây dựng trên nền của một ngôi nhà hơn 100 tuổi. Cô và Long cố gắng bảo tồn nhiều kiến trúc nguyên bản càng tốt. Theo Sam, ở Việt Nam, kế thừa văn hóa là một giá trị cốt lõi.
Đặc biệt, di sản và truyền thống gia đình này có một ý nghĩa sâu sắc hơn thế.
“Gia” có nguồn gốc từ gia đình, nghĩa là gia đình. Và theo suy nghĩ của Sam, gia đình không bị giới hạn bởi huyết thống.
Sam Trần nói: “Người Việt Nam là một gia đình lớn. Khi mời khách đến Gia, chúng tôi muốn thể hiện lòng hiếu khách của người Việt và khiến họ cảm thấy như đang tham gia một dịp đặc biệt của gia đình”.
Cô kể, mỗi món ăn đưa vào thực đơn, “theo cách nào đó đều là một câu chuyện về cuộc đời tôi”.
Vì thực đơn thay đổi theo mùa, ba tháng một lần nên Sam Trần luôn nghiên cứu và phát triển các món ăn của mình.
Phần lớn công việc đó xoay quanh nguyên liệu, cách nấu và hương vị đến từ nhiều vùng sâu vùng xa của Việt Nam.
Ví dụ năm ngoái, cô đã đưa cả nhóm vào Đồng bằng sông Cửu Long. Ở đó, họ tìm hiểu về đất, người, văn hóa và ẩm thực truyền thống của vùng đất này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận