27/01/2019 08:30 GMT+7

Nữ đại gia Diệp Bạch Dương là ai?

TRẦN MẠNH - TIẾN LONG
TRẦN MẠNH - TIẾN LONG

TTO - Bà Diệp Bạch Dương, tên thật là Dương Thị Bạch Diệp, vừa bị Cơ quan CSĐT khởi tố về tội 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' theo điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015. Vậy người phụ nữ này là ai?

Nữ đại gia Diệp Bạch Dương là ai? - Ảnh 1.

Bà Dương Thị Bạch Diệp - tổng giám đốc Công ty đầu tư kinh doanh địa ốc Diệp Bạch Dương - bên chiếc siêu xe Phantom bà nhập về tại sân bay Tân Sơn Nhất năm 2008 (giá xe lúc đó hơn 1,32 triệu USD) - Ảnh tư liệu

Cuộc đời của nữ doanh nhân gắn liền với bất động sản và siêu xe này có những thăng trầm cả về tiền tài và tù tội.

Thăng trầm bất động sản

Bà Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1954, bà Diệp là một trong số các con em cán bộ miền Nam được chọn cho ra miền Bắc học tập. Vào những năm 1964-1965, bà chuyển về học cấp III ở Trường Thái Phiên, Hải Phòng.

Năm 1971, bà Diệp tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương Hà Nội và nhận công tác tại Chi nhánh Thủ công mỹ nghệ Hải Phòng ở vị trí cán bộ lao động tiền lương. Sau đó, bà chuyển công tác vào Tổng kho Trung Trung Bộ (có trụ sở tại Bình Định), rồi về quê chồng công tác tại Công ty Vận tải thủy An Giang.

Sau sự cố bị mưu sát vì phát hiện vụ ăn cắp xăng dầu tại đây, vợ chồng bà Diệp chuyển công tác về Công ty Bao bì xuất khẩu của Bộ Ngoại thương tại TP.HCM.

Đầu tháng 12-1982, bà Diệp bị Công an quận Tân Bình bắt giam với tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản riêng của công dân", nhưng sau đó được thả vì không có chứng cứ.

Sau vụ việc này, bà Diệp xin nghỉ việc ở cơ quan nhà nước và bắt đầu buôn bán bất động sản, sau đó sở hữu hàng chục biệt thự, khu đất vàng tại trung tâm TP.HCM.

Đến năm 1993, bà Diệp một lần nữa vướng vòng lao lý nhưng rồi sau thời gian tạm giam, do không tìm ra bằng chứng phạm tội, vì thế đến năm 1995 bà Diệp được trả tự do.

Năm 2002, Dương Thị Bạch Diệp thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn bất động sản Diệp Bạch Dương (đường Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TP.HCM) với nhiều dự án bất động sản có giá trị. 

Tuy nhiên, cái tên Diệp Bạch Dương thực sự được biết đến nhiều hơn với chiếc xe Rolls-Royce biển số tứ quý 7 (77L-7777) có giá lăn bánh gần 1,4 triệu USD, là chiếc xe đắt nhất Việt Nam thời điểm đó. 

Cuộc tranh chấp về căn nhà số 36 Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TP.HCM cũng mang đến những tai tiếng cho nữ đại gia đất võ này.

Những món nợ khổng lồ

Cuộc đời đổi chiều, từ một doanh nhân nổi tiếng về sự giàu có, nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp liên tục "dính" vào tai tiếng với những khoản nợ khổng lồ. 

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đã lan đến Việt Nam và bất động sản trở thành một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều dự án của Diệp Bạch Dương cũng vì thế mà bị chậm trễ hoặc không thể triển khai.

Tháng 7-2014, Kiểm toán Nhà nước kết luận tại Agribank chi nhánh TP.HCM, dư nợ của Công ty bất động sản Diệp Bạch Dương đến hết tháng 12-2012 là 3.700 tỉ đồng, khó có khả năng thu hồi, trong số này nợ gốc là 2.968 tỉ đồng, tiền lãi 732 tỉ đồng.

Trong cuộc trao đổi với báo chí vào tháng 8-2014, bà Dương Thị Bạch Diệp khẳng định thông tin nợ gần trăm ngàn tỉ đồng ở trong và ngoài nước tới mức phải bán công ty là sai sự thật.

Cụ thể, vào cuối năm 2014, Diệp Bạch Dương có 6 dự án lớn tại TP.HCM, trong đó 4 dự án ở trung tâm quận 1, 2 dự án ở trung tâm quận 3. Riêng dự án khách sạn 5 sao Senla Boutique tại vị trí 111 Hai Bà Trưng, quận 1 đang trong thời gian hoàn thiện. 

Khu đất trên đường Lê Văn Hưu (quận 1) rộng 1.100m2 đang sử dụng làm trụ sở công ty sẽ được giữ lại để làm dự án căn hộ và văn phòng cho thuê.

Bà Diệp nói rằng tổng tài sản trên giấy tờ của bà khi đó ước khoảng 10.000 tỉ đồng. Do đó, với thông tin công ty đang nợ Agribank 3.700 tỉ đồng thì chỉ cần bán một số dự án lớn là đủ để giải quyết.

Tháng 3-2016, dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique được rao bán với giá khoảng 900 tỉ đồng. Sau đó, đến năm 2017 được Công ty TNHH bất động sản và thương mại Hồng Phúc Quang mua lại.

Nhưng rồi khoản nợ "khủng" của bà Diệp một lần nữa "phát lộ" khi chính bà Diệp gửi đơn đề nghị trả nợ gốc và miễn toàn bộ lãi vay đối với khoản vay tại Agribank. 

Cụ thể, tháng 10-2008, Agribank cho bà Diệp vay 14.000 lượng vàng SJC để mua nhà số 57 Cao Thắng, quận 3 (hiện nay là trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM), hạn trả nợ vào ngày 31-10-2009. 

Do không có khả năng trả nợ đúng hạn nên Diệp Bạch Dương làm đơn và được Agribank chi nhánh TP.HCM đồng ý cho gia hạn nợ đến 30-10-2010. Dù vậy, phải ba tháng sau thời hạn đó, Diệp Bạch Dương mới trả nợ xong khoản vay trên.

Trong tháng 12-2008 và tháng 1-2009, Agribank lại cho Công ty Diệp Bạch Dương vay 67.000 lượng vàng SJC và một lần nữa công ty của bà Diệp lại không trả nợ đúng hạn, kể cả sau khi được cơ cấu lại thời hạn. Dư nợ gốc và lãi của công ty tại Agribank đến ngày 30-4-2017 là: nợ gốc 2.912,8 tỉ đồng, nợ lãi 1.848 tỉ đồng và trở thành khoản nợ xấu.

Lùm xùm tiền nợ của công ty gắn liền với nữ doanh nhân Bình Định chưa dừng lại ở đó. Mới đây, vào cuối năm 2018, trong danh sách 256 doanh nghiệp nợ thuế được Cục Thuế TP.HCM công bố có tên Diệp Bạch Dương với số tiền 35 tỉ đồng.

Và chiều 18-1-2019, bà Dương Thị Bạch Diệp bị Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vì những sai phạm liên quan đến Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương, Agribank chi nhánh TP.HCM.

Bắt bà Dương Thị Bạch Diệp và một số cựu quan chức TP.HCM

TTO - Trong vụ án này, ông Nguyễn Thành Tài cùng một số lãnh đạo cấp sở của TP.HCM cũng bị khởi tố vì những sai phạm liên quan đến Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương, Agribank chi nhánh TP.HCM.

TRẦN MẠNH - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên