14 tuổi, Chu Thúy Quỳnh trúng tuyển vào Đoàn văn công nhân dân trung ương - Ảnh: HÀ THANH chụp lại
Bước sang tuổi 80, NSND Chu Thúy Quỳnh chậm rãi từng bước chân lên cầu thang, lần giở lại những bức hình về những năm tháng không mỏi mệt đi biểu diễn, phục vụ chiến trường thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Là cô gái Hà Nội gốc, bà không quản ngại vất vả, gian khó "vào sinh ra tử" cùng với cố NSƯT Mạnh Hùng - là chồng, là bạn và cũng là tri kỷ. Những năm tháng cuối đời, mỗi lần nhắc đến chồng, nữ NSND Thúy Quỳnh vẫn không kìm được xúc động.
Từ "hiện tượng" của ngành múa đến nữ đại biểu Quốc hội
Bước sang tuổi 80, nữ nghệ sĩ khó khăn trong việc di chuyển nhưng nhắc đến múa, dường như những ký ức vẫn còn vẹn nguyên - Ảnh: HÀ THANH
"Cả cuộc đời của mình là đây, đi múa ở chiến trường, vừa là dân quân tự vệ ở đơn vị ấy. Không những nhớ mà còn rất nhớ, như những năm tháng ở Quân khu 4, đi vào bất cứ nơi đâu người ta cũng quý cũng thương" - NSND Thúy Quỳnh, nguyên giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa IV, VIII, IX, X nhớ lại.
14 tuổi, bà trúng tuyển vào Đoàn văn công nhân dân trung ương, trúng tuyển cùng đợt với nữ nhà thơ Xuân Quỳnh. Như "cánh chim không mỏi", NSND Chu Thúy Quỳnh nói múa với bà là cả cuộc đời.
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cô gái Hà Nội cùng người yêu - NSƯT Mạnh Hùng, xung phong biểu diễn phục vụ kháng chiến ở tuyến lửa Quân khu 4.
Ở chiến trường, đoàn văn công "lấy tiếng hát át tiếng bom", động viên, khích lệ bộ đội ta quyết tâm chiến đấu, chiến thắng quân thù, làm nên đại thắng Mùa xuân lịch sử năm 1975. Bà là solist múa được nhiều người ái mộ với những tác phẩm múa như Tiếng gọi quê hương, Gặp gỡ bên mâm pháo, Lựu đạn gỗ, Bà mẹ miền Nam, Vợ chồng dân quân bên cây súng trường…
Tại nhà riêng, nữ NSND Chu Thúy Quỳnh treo bức hình đoàn nghệ sĩ chụp chung với Bác Hồ - Ảnh: HÀ THANH chụp lại
Năm 1955, Thúy Quỳnh được gặp Bác Hồ lần đầu tiên, nhiều năm sau đó bà được vào gặp Bác nhiều lần cho đến lúc Bác mất. Bà bộc bạch, suốt những tháng ngày ở chiến trường luôn khắc ghi lời Bác dạy: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".
Ở mặt trận, anh chị em đoàn văn công không nề hà gian khó, vượt khó khăn. Bà tâm tình nếu nghĩ cho bản thân một thì nghĩ cho tập thể 10.
"Suốt những năm tháng vào chiến trường, lúc nào tôi cũng nghĩ mình phải làm thật tốt nghĩa vụ, nhiệm vụ của một người nghệ sĩ mà không có chuyện riêng tư cho cá nhân. Bác đã dặn phải sống khiêm tốn, giản dị, phải biết thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Tất cả những điều đó lúc nào tôi cũng nhớ, không dám làm sai", nữ nghệ sĩ tâm niệm.
Ở chiến trường, cùng sống và phục vụ ở đơn vị, Thúy Quỳnh luôn được mọi người quý mến. Ở Quân khu 4, có thức gì ngon, đồng bào cùng cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị luôn "ưu ái" tặng cho Quỳnh, lúc thì hoa quả, lúc thì mớ rau tươi xanh hay gói lương khô.
Năm 1971, bà được tập thể, anh em nghệ sĩ tin tưởng giới thiệu và trúng cử làm đại biểu Quốc hội khóa IV (1971 - 1975). Sau này khi đất nước thống nhất, bà vẫn tiếp tục được tin tưởng và trúng cử đại biểu Quốc hội liên tiếp các khóa VIII, IX, X.
Đi đến đâu, coi mình là công dân ở đó!
Những ngày này, khắp nơi ở thủ đô đều tưng bừng cờ hoa chào mừng ngày hội lớn của đất nước - ngày toàn dân đi bầu cử, nữ nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh nhớ lại giây phút cầm trên tay lá phiếu đi bầu cử sau ngày đất nước thống nhất.
Những năm đầu 1970, NSND Chu Thúy Quỳnh được coi là "hiện tượng" khi trở thành nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của ngành múa Việt Nam. Bà tiếp tục trở thành đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X - Ảnh: HÀ THANH
Cách đây 45 năm, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
"Cầm trên tay lá phiếu đi bầu, lúc đó ai ai cũng hồ hởi, phấn khởi vì đất nước được hoàn toàn giải phóng. Toàn dân nô nức đi bầu cử, người nghệ sĩ chúng tôi cũng hân hoan cầm lá phiếu đi bầu", nữ nghệ sĩ nhớ lại.
Một đời cống hiến cho ngành múa nước nhà cùng với suốt mấy chục năm ở vai trò là nữ đại biểu Quốc hội của các tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), Hòa Bình và Hà Nội, bà luôn khắc ghi lời Bác dạy, luôn giữ thái độ khiêm tốn khi đến tiếp xúc cử tri.
Bức hình thời trẻ của nữ NSND Chu Thúy Quỳnh - Ảnh: HÀ THANH chụp lại
"Lúc đó không phân biệt đại biểu Quốc hội hay nghệ sĩ múa, mà chỉ luôn ghi nhớ làm người có nhân cách, có tư cách, có đạo đức, có đủ điều kiện được giới thiệu làm đại biểu Quốc hội.
Khi đi tiếp xúc cử tri, đến những nơi nào tôi đều xem nguyện vọng cử tri ở đó về văn hóa nghệ thuật nói chung thế nào, về ngành múa nói riêng ra sao. Là đại biểu Quốc hội được giới thiệu ở địa phương nào thì đến những nơi đó, tôi luôn nghĩ mình là công dân ở đó", bà chia sẻ.
Suốt 4 khóa vừa là nghệ sĩ múa vừa là đại biểu Quốc hội, bà chia sẻ người dân ở bất kỳ giai đoạn nào cũng đòi hỏi ở một người đại biểu của nhân dân phải có đủ nhân cách, trình độ để đáp ứng được những đòi hỏi, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân.
Nghệ sĩ nhân dân Chu Thúy Quỳnh là hậu duệ của danh nhân Chu Văn An, là diễn viên, biên đạo múa, đạo diễn chương trình, nguyên là chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, nguyên giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Bà được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1988, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận