Thầy Vũ trao quà tết cho các em học sinh nghèo Trường THCS Nguyễn Bá Loan, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức - Ảnh: Trần Mai |
Cho đến giờ, đã có hàng trăm học sinh nghèo khó được thầy Vũ nối dài ước mơ từ những lời động viên, chia sẻ, từ sự kêu gọi các nhà hảo tâm gần xa giúp đỡ.
Vì đó là duyên
Chữ duyên bắt đầu cho câu chuyện giúp đỡ học trò nghèo của thầy Vũ. Đó là vào mùa đông năm 2007, khi thầy Vũ bắt đầu nhận lớp, làm giáo viên chủ nhiệm. Buổi trưa mưa xối xả ấy vẫn còn nằm trong tâm trí của thầy Vũ.
Hôm đó, cô học trò tên Nguyễn Thị Thu co ro bước vào lớp, quần áo ướt sũng, đôi tay run run vì lạnh. Hỏi ra, thầy Vũ ngớ người khi biết hoàn cảnh khó khăn của Thu, cô học trò chỉ có duy nhất một bộ áo quần đi học.
Ba Thu mất vì ảnh hưởng của chất độc da cam trong chiến tranh, mẹ đau ốm liên miên. Bản thân Thu cũng bị ảnh hưởng di chứng chiến tranh từ cha mẹ, nhưng em phải vừa học vừa đi làm lo cho gia đình.
Rồi chiều hôm ấy, khi buổi học kết thúc, thầy Vũ mời tất cả học sinh trong lớp ở lại, vận động học sinh giúp đỡ bạn mình bằng việc góp tiền may cho Thu một bộ quần áo mới.
Thầy Vũ bảo rằng tự bản thân thầy cũng có thể may cho Thu được, nhưng cái chính là thầy muốn tinh thần tương thân đến từ những cô cậu học trò.
“Bởi gia cảnh của Thu em nào cũng biết nhưng chẳng em nào chịu nói ra, các em thụ động trước hoàn cảnh của bạn bè. Nhưng khi mình phát động thì các em lại tham gia nhiệt tình, tôi thấy rõ ràng học sinh có tấm lòng nhưng không có người dẫn dắt” - thầy Vũ tâm sự.
Sau đó, một bộ áo quần mới cho Thu được may từ chính số tiền các học sinh trong lớp góp. Thầy Vũ đứng nhìn các em tặng đồ cho Thu mà rưng rưng nước mắt, vì thương cô học trò nghèo khó, thương cả tình cảm mà những cô cậu học trò dành cho nhau.
Sau buổi học ấy, thầy Vũ đưa Thu đi giám định y khoa để hưởng chế độ ảnh hưởng của chất độc da cam. “Mọi việc ổn hết, Thu có thêm khoản tiền lo cho gia đình. Vì đó là duyên thì phải, tôi gắn bó với các em học sinh khó khăn từ câu chuyện của cô học trò ấy” - thầy Vũ nói.
Gần chục năm sau lần giúp đỡ Thu, đến giờ thầy vẫn lặng thầm đi trên con đường của mình, giúp học trò vượt qua số phận, vẽ tiếp ước mơ trong khốn khó. Chỉ tính sơ trên trang Facebook cá nhân của thầy, phải có đến hàng trăm cảnh đời khó khăn được đăng tải và nhận được sự giúp đỡ.
Nở nụ cười tươi rói, thầy Vũ bảo rằng giờ công nghệ phát triển, các em học sinh nghèo được hưởng lợi nhiều hơn. Còn ngày trước, để kêu gọi mạnh thường quân rất khó khăn, phải lặn lội ra tận TP Quảng Ngãi vận động, hoặc viết thư gửi vào TP.HCM, rồi chờ đợi các phản hồi, có khi nhận được sự giúp đỡ thì các em đã bỏ dở giấc mơ đến trường vì bạo bệnh, gia cảnh...
Cũng chính từ chỗ khó ấy mà thầy Vũ gắn bó với hai chương trình “Bạn tôi người vượt khó” và “Tiếp sức đến trường” do báo Tuổi Trẻ phát động.
Gắn bó với Tuổi Trẻ
Thầy Vũ thừa nhận mình là người mê đọc báo Tuổi Trẻ từ khi sống quãng đời sinh viên ở TP.HCM. Rồi trong một lần đọc báo Tuổi Trẻ vào năm 2010, thầy Vũ thấy báo phát động chương trình “Bạn tôi người vượt khó”. Thế là thầy Vũ bắt đầu viết những câu chuyện của học trò mình gửi đến báo, có bài được đăng, có bài không.
Đợt đầu tiên phát động chương trình, thầy Vũ dẫn theo ba em học sinh đi nhận giải thưởng ở TP.HCM. “Nhận số tiền mà cả thầy trò mừng quá thể. Lần nào đi tôi cũng gặp nhiều thầy cô khác dẫn học sinh đi nhận học bổng, tôi thấy sự đồng cảm và thêm động lực để tiếp tục. Hóa ra có rất nhiều thầy cô trên cả nước đang hành động như mình” - thầy Vũ trải lòng.
Và cho đến giờ thầy Vũ vẫn đều đặn viết về những cô cậu học trò của mình gửi đến Tuổi Trẻ. Thầy bảo đang chờ chương trình "Bạn tôi người vượt khó". “Tôi chuẩn bị sẵn sàng nhiều bài viết rồi, chỉ cần báo làm tiếp là tôi gửi ngay để các em được xét học bổng” - thầy Vũ cười hiền.
Từ năm 2010 thầy Vũ mang mô hình của báo về trường tổ chức. “Tính đến nay cũng quyên góp được cả trăm triệu đồng rồi, cũng từ số tiền này mà nhiều học sinh đã mạnh mẽ hơn, tiếp tục vượt qua ngày tháng khó khăn của đời mình” - thầy Vũ nói thêm.
Nhớ hôm phát động chương trình “Tiếp sức đến trường”, ngay lập tức thầy Vũ gửi cho báo Tuổi Trẻ danh sách sáu em học sinh nghèo mà thầy chắc chắn là sẽ đậu đại học.
Đi cùng thầy Vũ ra giữa đồng vào buổi trưa để gặp tân sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM Lê Thị Như Huỳnh lúc em đang cùng mẹ làm thuê, nhìn thấy cô học trò nhỏ thó vác trên vai bó rơm nặng trĩu, thầy Vũ nói: “Nhà có ba chị em, đứa lớn đang học ngoại thương, bé giữa đang học y, giờ đến Huỳnh. Hai em trước đã nhận được học bổng "Tiếp sức đến trường" rồi, giờ nhờ báo Tuổi Trẻ giúp thêm, chứ không thì chẳng biết lấy tiền đâu đóng học phí vào trường”.
Tính đến nay, gần chục học sinh thầy Vũ giới thiệu nhận được học bổng "Bạn tôi người vượt khó", và khoảng 30 em được “Tiếp sức đến trường”. Dù bao thế hệ học sinh đã rời khỏi trường, có em hiện là thạc sĩ y tại Pháp, em du học Nhật, em qua tận nước Anh... nhưng trong cuốn sổ cũ của thầy Vũ vẫn có đầy đủ số điện thoại từng em. Thầy bảo phải theo cho đến ngày các em thành đạt thì thôi.
Trò chuyện với Lê Thị Như Huỳnh, em bảo thầy Vũ đã xin cho em một công việc làm thêm ở TP.HCM. “Gia đình em cảm ơn thầy Vũ nhiều. Nếu không có thầy, chẳng biết ba chị em chúng em có thể vượt qua khó khăn mà học hành được không” - Huỳnh nói.
Còn cậu học trò Đặng Nguyễn Hoàng Sơn hiện đang du học y khoa ở Pháp nói về người thầy của mình rằng: “Đó như một người cha, người anh của những đứa mồ côi như em”.
Một người có tâm Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Mộ Đức, đánh giá cao sự nhiệt huyết của thầy Vũ, vừa làm tốt công tác chuyên môn, vừa kết nối các mạnh thường quân khắp nơi giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn huyện. “Đó là một người có tâm trong công tác thiện nguyện. Năm nào hội cũng đề nghị khen thưởng cho thầy Vũ, vì những gì thầy đã đóng góp cho cuộc sống này” - bà Trang nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận