TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai là vùng tam giác phát triển, đang có khoảng 1 triệu lao động, phần lớn là lao động nhập cư và 70% trong số này là lao động nữ.
Với đặc điểm mất cân bằng giới tính cùng với chất lượng cuộc sống thấp, ít có điều kiện vui chơi, giải trí, kết bạn nên một bộ phận nữ công nhân sau những năm tháng miệt mài trong xưởng đã để tuổi thanh xuân của mình đi qua, nhiều người không còn cơ hội lập gia đình và đó sẽ là một lượng lớn phụ nữ khi về già sẽ phải chăn đơn gối chiếc.
Phóng to |
Sau giờ tan ca, các bạn nữ công nhân chưa có người yêu ở KCX Linh Trung 1 (Q.Thủ Đức, TP.HCM) thường ra khu vực hầm chui Linh Trung ngồi đọc báo, hóng gió, tán gẫu - Ảnh: PHƯỚC TUẦN |
Đó là một căn trọ nhỏ xíu. Không tivi, đài, không Internet, báo chí... Sải tay sải chân cho đỡ mỏi, Cúc với chiếc điện thoại di động, nghe vài bản nhạc trên kênh VOV, phương tiện giải trí duy nhất. “Ngày nào cũng làm gần 12 tiếng, sáng 7g30 vào ca, tối 8-9g mới về. Một tháng lại làm thêm ít nhất hai ngày chủ nhật. Thời gian nghỉ ngơi còn không có hơi đâu nghĩ đến chuyện yêu đương...” - Cúc lý giải cho tình trạng độc thân của mình.
Ngày làm, tối ngủ
Ngày chủ nhật, khu xóm trọ của Cúc yên ắng lạ thường. Ở đây mọi người thường tranh thủ ngày nghỉ hiếm hoi ngủ bù. Ra lan can tạm trốn cái nóng hầm hập dưới mái tôn phòng trọ, Cúc chỉ tay về hướng Suối Tiên nói: “Lễ Quốc khánh 2-9 năm ngoái, mình và mấy chị chung xóm rủ nhau... leo mái nhà xem bắn pháo bông. Đẹp lắm! Nhưng chỉ thấy được ba phát đầu bắn cao nhất, còn lại chỉ nghe tiếng lụp bụp. Lúc đó ước gì có người yêu chở mình đến tận nơi để xem thì thích biết mấy!”.
Tìm niềm vui qua radio Cả ngày làm trong xưởng, sân chơi cho công nhân không nhiều nên phần lớn công nhân tìm niềm vui ở các chương trình “Quà tặng âm nhạc” trên các kênh radio. Ở đó họ có thể chia sẻ công việc, tặng nhau những bản nhạc và giao lưu kết bạn với mọi người. Lê Thị Phượng (24 tuổi, quê Quảng Bình) làm công nhân tại Công ty dệt may Phong Phú (Q.9, TP.HCM) cho biết: “Ở đó mình có thể nghe các chuyên gia tư vấn tâm lý, sức khỏe và còn có cơ hội kết bạn với nhiều công nhân cùng hoàn cảnh”. |
Còn với Loan (29 tuổi, quê Nghệ An) đang làm tại Công ty TNHH Dae Yun, Khu chế xuất Linh Trung I (Q.Thủ Đức, TP.HCM), sau giờ tan ca cô ghé vội khu chợ công nhân dưới chân hầm chui Linh Trung mua bó rau, trái cà tím và vài con cá nục cho bữa cơm tối.
Trong căn phòng trọ chật hẹp ở hẻm 64 đường số 4 (KP3, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức, TP.HCM), Loan cặm cụi nấu nướng, tắm giặt xong thì trời cũng đã tối, ăn vội chén cơm rồi lăn ra ngủ.
“Thời mới vào Sài Gòn, tôi ở chung với nhóm bạn, tối về dù sao có tiếng nói, tiếng cười đỡ tủi thân. Giờ lứa bạn ấy, người lấy chồng, người về quê chẳng còn ai. Mình lớn tuổi nên thích sống một mình cho thoải mái, nhưng những đêm đi làm về đối diện với căn phòng trống trơn thấy lẻ loi, cô đơn lắm” - Loan tâm sự.
Chị Tám (công nhân may Công ty TNHH Sơn Tùng, Q.Thủ Đức, TP.HCM) nói về cuộc sống của mình: “Đi làm và tăng ca cả tuần, tối về mệt mỏi rã rời nên tôi chỉ muốn ngủ. Chủ nhật được nghỉ tôi cũng quanh quẩn ở nhà, bạn bè không có nên ít đi đây đi đó. Cuộc sống cứ đều đặn và nhàm chán như vậy thôi”.
Nguội lạnh tuổi xuân
Chị Tám đã ngoài 30, từng yêu nhưng không thành và đến nay Tám vẫn chưa tìm được bến đỗ hạnh phúc. Cô gái này gắn bó với nghề công nhân đã hơn chục năm nay, kể từ ngày chân ướt chân ráo vào Sài Gòn lập nghiệp.
Nhớ về mối tình xưa cũ, đến nhanh rồi đi cũng nhanh, chị Tám ngậm ngùi: “Làm quần quật từ sáng đến tối mịt, tôi ít có thời gian dành cho người yêu. Rồi qua vài lần giận hờn không êm ấm, chúng tôi chia tay. Từ đó đến nay tôi cũng không yêu ai, mà thật ra là ít có cơ hội ra ngoài gặp gỡ và tìm hiểu ai khi công ty chủ yếu toàn nữ”.
Tuổi xuân chị Tám qua đi, gắn liền với những tháng ngày mưu sinh vất vả kiếm tiền gửi về quê nuôi em út, đỡ đần mẹ cha nay đã già yếu. Không riêng gì chị Tám, các nữ công nhân ở cùng khu trọ với chị cũng đi làm, tăng ca rồi lủi thủi ở nhà.
Lê Thị Miên, công nhân một công ty may mặc tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), ngại ngần khi chia sẻ về chuyện tình cảm. Miên từng có hai mối tình nhưng đều gãy gánh giữa đường. Anh chàng thứ nhất quen nhau khi ở cùng khu trọ, cũng mặn nồng nhưng khi biết tin cô mang thai đã quất ngựa truy phong. Miên suy sụp một thời gian dài, cô lao vào làm việc để lãng quên quá khứ. Mấy năm sau cô mới mở lòng yêu người khác. Nhưng rồi cứ thế đơn điệu, tình cảm nhạt dần và lại chia tay.
“Giờ đã quá tuổi băm, chẳng ai để ý đến mình, lòng tôi cũng nguội lạnh” - Miên hững hờ.
Với những nữ công nhân này, sau những mối tình dang dở cộng thêm công việc vất vả, thường xuyên tăng ca khiến không ít người ngại ngần với chuyện tình cảm. Để rồi khi đã lớn tuổi họ vẫn sớm hôm trong xưởng mà vẫn chưa lập gia đình.
Ông Lê Văn Thành (trưởng ban văn hóa - xã hội Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM): Bệnh phụ khoa, nạo phá thai và nhiều hệ lụy Trong xã hội học, lao động nhập cư được xếp vào dạng đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là lao động nữ. Cùng những yếu tố xã hội tác động nhưng nhóm này dễ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực, từ đó phát sinh nhiều vấn đề xã hội hơn các nhóm khác. Qua điều tra sơ bộ, thái độ trước tình yêu của công nhân nữ chia làm hai khuynh hướng khá rõ rệt: một nhóm bởi khao khát sự yêu thương nên có lối sống khá cởi mở, nhóm còn lại - chiếm đa số - do không thể hòa nhập hoàn toàn vào xã hội đang sống nên có thái độ khép kín. Với nhóm khép mình, do bị ức chế nên nếu có điều kiện họ cũng dễ dàng sa đà vào các mối quan hệ mà không lường trước được hậu quả. Cộng với sự thiếu hụt kiến thức quan hệ tình dục an toàn, chuyện chị em công nhân nói chung mắc các bệnh phụ khoa, bệnh lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục, tỉ lệ có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai cao... trở nên phổ biến. |
_______________
Kỳ tới: Những cuộc tình dang dở
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận