Phóng to |
Một lớp học cắm hoa thu hút đông nhân viên văn phòng tham gia - Ảnh: T.T.D. |
“Công ty mình thường đặt hoa ở chỗ chị Quỳnh Anh. Mỗi giỏ hoa là một bất ngờ. Hoa luôn được phối rất phóng khoáng và tinh tế” - anh Đại Phước (nhân viên chăm sóc khách hàng Công ty quảng cáo Grey) nói. Sự đặc biệt này đã kéo anh Đại Phước đến với lớp dạy cắm hoa vào mỗi chiều thứ bảy của tiệm hoa Padma de Fleur (Q.1, TP.HCM).
Như học cắm hoa ở nhà bạn...
"Chúng tôi đến những địa chỉ được bạn bè giới thiệu cho nhau chứ không phải đến những lớp học ở nhà văn hóa vì tính thân thiện, cảm giác thoải mái khi học và mọi người đều cùng trẻ" NGUYỄN QUỲNH TRANG |
Đặt chân đến căn chung cư cũ trong ngách nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn, khách lạ dễ dàng cảm thấy như về đến nhà mình. Gian phòng thoáng với nhiều cửa sổ, thoang thoảng mùi hoa và cỏ, du dương giai điệu Pháp lãng mạn. Khách sẽ được mời một ly nước mát trước khi chị Quỳnh Anh, đồng chủ tiệm, nói về quy chuẩn chung trong nghệ thuật cắm hoa. Mỗi khách được nhận một lọ hoa thủy tinh hoặc bằng sứ tối giản và ra quầy tự chọn hoa sẽ cắm.
“Cái đẹp phụ thuộc nhiều vào chủ quan, nên tôi không hướng dẫn các bạn cắm hoa theo bất kỳ khuôn khổ nào”, chị Quỳnh Anh nói. Khởi đầu bằng những buổi chia sẻ nghệ thuật cắm hoa từ người bạn cùng trường trong những năm sống ở Pháp, chị Quỳnh Anh nhen nhóm những mê đắm với hoa cỏ. Sau khi từ bỏ công việc khá tốt ở một công ty nước ngoài, chị mở shop hoa và kéo chị Nhị Hoàng cùng tham gia.
Ngày cuối tuần gần đây của Nguyễn Quỳnh Trang, SV năm 2 ĐH Kiến trúc TP.HCM, cũng khác hơn thường lệ khi điểm đến vẫn là những quán ăn, cà phê nhưng không phải để thưởng thức ngày nghỉ mà để đi... học làm bánh ở Tạp Dề Kitchen Boutique (Q.3, TP.HCM). “Là con gái nên biết nấu nướng, nội trợ để khi có cơ hội có thể trổ tài được”, Trang nói và cho biết thêm: “Chúng tôi đến những địa chỉ được bạn bè giới thiệu cho nhau chứ không phải đến những lớp học ở nhà văn hóa vì tính thân thiện, cảm giác thoải mái khi học và mọi người đều cùng trẻ”. Điều thân thiện mà Trang nhắc đến chính là việc cả người đứng lớp và người học cùng tầm trang lứa. Bài học được thiết kế theo sở thích của chủ quán kết hợp sự đòi hỏi của khách hàng. Như tại Tạp Dề Kitchen Boutique, mỗi buổi học có khi chỉ nhận vài học viên nhưng dạy số món tùy thích theo yêu cầu của người học.
Bảo Phương, làm nghề thiết kế tự do, chia sẻ: “Dân văn phòng như mình thường bận rộn suốt tuần nhưng vẫn muốn làm gì đó hay ho trong những ngày cuối tuần, vì vậy mình và nhiều người bạn chọn cách đi học nấu ăn. Điều quan trọng không phải là chuyện học hành mà có cơ hội tập tành nấu nướng, rồi mang sản phẩm của mình làm được chia sẻ cho bạn bè”.
Nhiều chỗ học, đa dạng kiểu dạy
Mỗi lớp tại tiệm hoa Padma de Fleur chỉ nhận tối đa năm học viên với học phí 500.000-600.000 đồng buổi. Học phí không thấp nhưng không quá đắt đỏ bởi học xong, học viên có thể mang thành phẩm gồm lọ lẫn hoa đã cắm về nhà.
Chỉ sau một buổi học, mỗi học viên có thể tự phối nhiều loại hoa khác nhau vào cùng một kiểu lọ. Liên Phương (28 tuổi, Công ty bất động sản Jen Tuần Châu) nói rằng việc học cắm hoa giúp cô suy nghĩ thoáng hơn. “Mình thường duyệt hợp đồng. Luôn phải cắt gọt câu chữ sao cho đủ ý và chính xác từng li, dần dần mình cảm thấy như tự bó mình vào khuôn khổ. Dành vài tiếng đồng hồ cho mỗi cuối tuần đến đây, mình làm mới bản thân” - Liên Phương nói.
Chị Nhị Hoàng, đồng chủ tiệm, chia sẻ: “Chúng tôi muốn mang đến một xu hướng mua hoa và học cắm hoa mới. Qua bó hoa, người nhận biết được yêu quý, được chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn như một người bạn đồng hành”.
Nói như chị Minh Phương, chủ quán Tạp Dề, đây không phải là một trung tâm dạy nấu ăn, nơi những người muốn học nấu nướng chuyên nghiệp tìm đến, mà là nơi nhân viên văn phòng xả stress, nơi cả thầy và trò cùng chia sẻ chuyện nấu nướng. Chính vì vậy mà chủ quán cũng hay quên công thức như học viên và sự góp ý, chia sẻ “bí quyết” bếp núc của mỗi người trở thành điểm thích thú thu hút người học.
Những tiệm bánh, quán ăn, shop hoa nhận hướng dẫn học viên thường không quảng cáo ồn ào. Chủ yếu là chủ tiệm bỏ nhỏ với khách quen về lớp học hoặc tự học viên dò hỏi để học. Không được cấp bằng sau khi kết thúc khóa học nhưng nhiều bạn trẻ vẫn kéo đến các nơi “vừa miệng vừa mắt” nói trên để tầm sư...
Trên trang webtretho.com, nickname aki_chan viết về lớp học của anh Tú ở đường Xã Đàn 2 (Hà Nội): “Phương thức học chính là nhìn anh Tú thao tác, xung phong lên thực hành và về nhà tự làm lấy. Có gì bị hỏng thì đến hỏi, thầy sẽ chỉ bảo tận tình, không giấu nghề. Điều thích thứ hai là anh Tú dạy mọi thứ, mỗi thứ một loại, nhằm đảm bảo sao cho học viên có được những cơ bản nhất, để sau 10 buổi đọc công thức và tự mường tượng ra làm như thế nào”.
Một số tiệm bánh ngọt nhận dạy khách hàng thực hiện một số mẫu bánh được yêu thích như: Chérie House (Q.Đống Đa, Hà Nội), Kokotaru (Hà Nội và TP.HCM), Mof Coffee (TP.HCM). Ngoài ra các bạn trẻ có thể học nữ công gia chánh ở các trang Facebook của các tiệm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận