11/01/2019 15:48 GMT+7

Nữ ca sĩ hói đầu và thế giới phi lý của Trần Lực

Bài: NGỌC DIỆP - Ảnh: NGUYỄN HỒNG
Bài: NGỌC DIỆP - Ảnh: NGUYỄN HỒNG

TTO - Ca sĩ hói đầu sẽ xuất hiện ở đâu, lúc trong không gian kịch phi lý của Trần Lực? Xem hết vở này khán giả sẽ lý giải được 'hành tung" của cô ấy trong thế giới phi lý.

Nữ ca sĩ hói đầu và thế giới phi lý của Trần Lực - Ảnh 1.

Công diễn vở "Nữ ca sĩ hói đầu" hôm 10-1-2019 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội)

Hôm 10-1, đoàn kịch Luc Team đã ra mắt vở Nữ ca sĩ hói đầu của Eugène Ionesco - nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp gốc Rumani. Đây là vở kịch thứ ba của Luc Team sau Quẫn và Cơn ghen của Lọ Lem.

Đúng theo tiêu chí mỗi lần đến lại mang theo điều mới lạ Luc Team lần này đã chơi một vở "nặng đô" hơn rất nhiều: kịch phi lý, vốn chỉ quen thuộc về mặt lý thuyết đối với giới kịch nghệ, còn lại khá xa lạ với khán giả nói chung.

Nữ ca sĩ hói đầu đã được công diễn vào ngày 11-5-1950 tại rạp Noctambules (Paris). Đây là tác phẩm kịch đầu tay đưa nhà văn gốc Rumani Eugène Ionesco trở thành một tác giả sân khấu nổi tiếng tại Pháp.

Sau đó Eugène Ionesco cho ra đời các vở kịch phi lý khác: Bài học, Những chiếc ghế, Những nạn nhân của bổn phận

Nữ ca sĩ hói đầu và thế giới phi lý của Trần Lực - Ảnh 2.

Các diễn viên, học trò của đạo diễn Trần Lực tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh thử sức với kịch phi lý của Eugène Ionesco.

Bộ sưu tập kịch của Eugène Ionesco đã được diễn tại Paris suốt 60 năm qua và lịch sử sân khấu thế giới ghi nhận Eugène Ionesco như một đại diện xuất sắc của kịch phi lý.

Các nhân vật của Eugène Ionesco gần như không có lý trí, họ kể những câu chuyện không đầu không cuối, phi logic. Nhưng cũng chính ở những đoạn hội thoại "ông chẳng bà chuộc" đó bật lên những triết lý của Eugène Ionesco, khiến người xem kịch của ông phải suy ngẫm.

Lạc vào thế giới đầy rẫy những sự phi lý, ngớ ngẩn nhưng khá thông minh do Eugène Ionesco bày ra, khán giả một lần nữa nhìn thấy cuộc đời thật hài hước, dẫu hơi mỉa mai, chua chát.

Nữ ca sĩ hói đầu và thế giới phi lý của Trần Lực - Ảnh 3.

Sau một hồi trò chuyện cặp đôi này mới nhận ra họ là... vợ chồng đã lâu. Thoại của Eugène Ionesco luôn tỏ ra "ngớ ngẩn" như vậy.

Nữ ca sĩ hói đầu kể về diễn biến trong căn phòng của một gia đình trưởng giả Anh. Nơi bà vợ thao thao bất tuyệt với chồng nhưng thực ra là nói chuyện với chính bản thân vì ông chồng không nghe.

Sự phi lý lên tới đỉnh điểm khi một cặp đôi khác đến thăm cặp vợ chồng này. Những đoạn hội thoại siêu ngớ ngẩn đã diễn ra giữa bốn người. Khán giả sẽ phải kinh ngạc vì sao chuyện vớ vẩn như thế mà kẻ tung, người hứng nhịp nhàng.

Nếu ai đó có phản ứng sỗ sàng với những điều phi lý thì những người còn lại sẽ biến nó thành hợp lý bằng một thái độ ý nhị thảo mai.

Sự giả dối của người này sẽ được người kia tiếp ứng bằng một phản xạ, mà có lẽ chính họ cũng chẳng thể hiểu nổi vì sao mình lại phản ứng như vậy.

Khán giả nhiều lần sẽ phải há hốc mồm, sao chuyện về một con bò lại kết thúc bằng… con chó?!. Nhưng sau bất ngờ, tiếng cười sẽ phải bật ra.

Đạo diễn vẫn trung thành theo đuổi phương pháp ước lệ, biểu hiện của nghệ thuật sân khấu truyền thống như Chèo, Tuồng của Việt Nam và kiên trì áp dụng cho vở Quẫn, Cơn ghen của Lọ Lem và mới nhất là Nữ ca sĩ hói đầu.

Nữ ca sĩ hói đầu và thế giới phi lý của Trần Lực - Ảnh 4.

Sân khấu tối giản, nhân vật vật vờ như bóng ma.

Anh duy trì sân khấu tối giản với ba màu đen, trắng, ghi. Trên tường chỉ có duy nhất một chiếc đồng hồ giấy màu trắng và bên dưới là một chiếc tủ.

Trần Lực chủ trương tiết giảm tối đa động tác của diễn viên; mỗi một động tác của họ đều có nghĩa, không có động tác thừa. Diễn viên của anh đi lại, nói năng như robot, phản ánh sự lặp đi lặp lại của thói quen hàng ngày đến mức nhàm chán.

Phục trang của diễn viên trong vở Nữ ca sĩ hói đầu của Trần Lực cũng tối giản, với những cái tay áo dài khiến người ta liên tưởng đến đồng phục ở trại tâm thần.

Trần Lực trung thành với nguyên tác, anh vẫn giữ nguyên tên nhân vật, nội dung các cuộc hội thoại. Dấu vết Việt được trộn trong lời thoại kiểu "ông ấy vừa biết chơi biết piano, vừa biết khuấy mắm tôm"; những ca khúc Chèo, rap được gài lồng vào tác phẩm.

Tuy nhiên không khí của một gia đình trưởng giả ở Anh dường như đã bị lược bỏ hết sạch bởi ngữ điệu diễn viên thoại tương đối giống với cách họ diễn Quẫn.

Dàn diễn viên trẻ của Trần Lực chưa chuyển tải hết được phong thái kiểu cách trưởng giả của Anh. Trang phục dành cho diễn viên, một dấu hiệu để khán giả biết nhân vật thuộc nền văn hóa nào đã bị biến đổi.

Những thay đổi này sẽ khiến khán giả cảm thấy những khó khăn nhất định để bước vào thế giới phi lý của Eugène Ionesco, để thực sự hiểu ông đang nói gì.

Nhưng Nữ ca sĩ hói đầu cũng rất gây tò mò, và khán giả khó có thể biết vở kịch sẽ diễn tiến như thế nào bởi Eugène Ionesco vẫn rất mới với khán giả Việt Nam. Và Trần Lực vẫn có thể điều chỉnh sau mỗi đêm diễn.

Eugène Ionesco sẽ giúp não của khán giả được vận động theo một cách mới. Luc Team với nỗ lực không ngừng đem tới một thứ sân khấu khác vẫn đang là nguồn sinh khí mới mẻ cho sân khấu trầm lắng phía Bắc.

Kịch phi lý chủ trương phá vỡ cấu trúc của kịch truyền thống. Những yếu tố như cốt truyện, tâm lý nhân vật, tính logic hành động… đều trở thành thứ yếu với kịch phi lý.

Kịch phi lý như một phản ứng nhuốm màu bi quan của tác giả trước các hiện tượng đầy phi lý mà họ chứng kiến trong thế kỉ XX. Trong đó tác giả nhận thấy sự nhỏ bé đến vô nghĩa của con người trước cuộc đời.

Trần Lực quyết tâm sáng đèn "Quẫn" và "Cơn ghen của Lọ Lem"

TTO - Sau những buổi diễn lẻ tẻ trong tháng năm, Trần Lực đã quyết tâm diễn liền ‘Cơn ghen của Lọ Lem’ và ‘Quẫn’ trong ba tháng liên tiếp.

Bài: NGỌC DIỆP - Ảnh: NGUYỄN HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên