Cách đây gần 25 năm, nữ bệnh nhân Almerina Mascarello mất cánh tay trái trong một vụ tai nạn. Những tưởng không còn có thể sử dụng tay như những người bình thường, giờ đây cuộc sống của Almerina gần như ‘trở lại bình thường’ sau khi được lắp tay giả.
Vào năm 2014, cũng chính nhóm các nhà khoa học quốc tế này nghiên cứu và sản xuất thành công bàn tay nhân tạo đầu tiên trên thế giới cho phép người tiếp nhận cảm nhận được cảm giác. Tuy nhiên, vào thời điểm đó hệ thống cảm biến và máy tính quá cồng kềnh, nên người bệnh không thể mang tay ra khỏi phòng thí nghiệm.
Bốn năm sau, với những kỹ thuật tiên tiến hơn, các nhà khoa học đã thành công khi chế tạo được cánh tay với kích thước nhỏ gọn hơn, cho phép bệnh nhân sử dụng ngoài phòng thí nghiệm.
Bệnh nhân Almerina Mascarello thử uống nước bằng cánh tay giả - Ảnh cắt từ clip
Nhóm nghiên cứu này bao gồm các kỹ sư, nhà thần kinh học, bác sĩ phẫu thuật, chuyên gia điện tử và robot từ Ý, Thụy Sĩ và Đức.
Hệ thống cảm biến của bàn tay giả giúp phát hiện thông tin, sau đó chuyển thông tin này đến máy tính. Máy tính này sẽ "phiên dịch" các tín hiệu sang ngôn ngữ mà não sẽ hiểu, sau đó chuyển tiếp đến một điện cực nhỏ được cấy vào dây thần kinh ở cánh tay trên.
Từ đó, thông tin được chuyển tới bộ não của Almerina, cho phép cô cảm nhận vật thể họ đang cầm cứng hay mềm.
Trong các cuộc thử nghiệm, dù bị khiếm thị nhưng Almerina có thể nói đúng được về tính chất của các vật liệu mà cô cầm nắm là cứng hoặc mềm.
"Tôi cảm thấy như đó là bàn tay thật của mình. Cuối cùng tôi cũng có thể làm những việc mà trước đây mình nghĩ rất khó như mặc quần áo, mang giày, những điều bình thường nhưng rất quan trọng" - cô nói.
Phát minh này còn cho thấy sự tiến bộ trong thần kinh học, khả năng kết nối giữa máy và cơ thể con người.
Giáo sư Silvestro Micera, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết họ đang tiếp tục tìm tòi để chế tạo ra các cánh tay giả nhưng trông hoàn toàn tự nhiên, hệt như bàn tay con người mà trong các phim khoa học viễn tưởng hay đề cập.
Một cánh tay robot nhưng lại có thể sử dụng tốt hơn cả tay người thật là điều khá xa vời và còn cả một chặng đường dài để phát minh, nhưng nhóm nghiên cứu tin rằng điều này có thể trở thành hiện thực.
Giáo sư Paolo Rossini, nhà thần kinh học tại Bệnh viện Đại học Agostino Gemelli, cho biết: "Một khi bạn có thể dùng não để kiểm soát một cánh tay giả bằng robot, bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến việc phát minh ra một bàn tay phức tạp hơn với đầy đủ 5 ngón".
Almerina có thể giữ cánh tay giả trong 6 tháng, nhưng sau đó phải trả lại cho nhóm nghiên cứu vì đây là phiên bản mẫu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận