Người nhà của chị T. đau lòng khi nhắc đến cái chết của chị sau khi vào bệnh viện khám vì ngứa, nổi mề đay - Ảnh: HOÀNG LỘC
Ngày 21-4, bà Phan Thị Thúy Hằng (ngụ phường Phước Long B, Q.9, TP.HCM) cho biết gia đình vừa làm thủ tục đưa em dâu tên L.N.T. (30 tuổi) về nhà để tổ chức tang lễ sau 2 ngày vào bệnh viện điều trị ngứa và tử vong.
Sốc thuốc hay sốc thức ăn?
Theo tường trình của bà Hằng, ngày 17-4 sau khi ăn cơm với cá, uống trà sữa thì chị L.N.T. (em dâu bà Hằng) bị dị ứng, ngứa nổi mề đay khắp người.
Đến chiều 18-4, do ngứa không dứt nên chị T., được chồng chở vào Bệnh viện An Sinh (phường 12, quận Phú Nhuận) để khám. Tại đây, bệnh viện cho lấy mẫu máu xét nghiệm, truyền dịch và có chích một mũi thuốc.
Lúc này, anh Phan Nguyễn Phước (chồng chị T.) để chị tại bệnh viện để về đón con. Đến khoảng 20h cùng ngày, anh Phước vào bệnh viện đón thì tá hỏa khi biết vợ được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng ngưng tim.
"Em trai tôi hỏi y tá chỉ bị ngứa thôi sao lại phải cấp cứu thế này nhưng không ai chịu trả lời. Khi em tôi làm dữ lên họ mới nói sốc phản vệ do thuốc, sau đó lại nói sốc do thức ăn. Sau mũi chích đầu tiên, bệnh viện còn chích thêm hai mũi thuốc rồi em tôi không còn biết gì nữa", bà Hằng nói.
Trong quá trình nằm theo dõi, gia đình cho biết chị T. khó thở và luôn phải gắn ống thở.
Nhắc về sự ra đi đột ngột của em dâu chị Thanh không kìm được nước mắt - Ảnh: HOÀNG LỘC
Theo bà Hằng, đến ngày hôm sau (tức 19-4) chị T. tiếp tục rơi vào hôn mê.
"Khi bác sĩ vào rút ống thở dịch phổi bắn ra rất nhiều, ướt hết cả người bệnh nhân và bác sĩ", bà Hằng nói. Khoảng 9h chị T. được chuyển qua Bệnh viện Nhân Dân 115 cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu.
"Sau khi được các bác sĩ điều trị em tôi có tỉnh lại, tôi còn nói em cố gắng chống chọi cố gắng vượt qua.
Thế mà đến hơn 10h ngày 20-4, bác sĩ lắc đầu bảo rằng ca này nặng quá và em tôi không thể qua khỏi", chị Phan Thị Thanh Thanh, chị chồng của chị T. òa khóc nói.
Ngồi lật giở từng hình ảnh gia đình em dâu, chị Thanh không kìm được nước mắt bảo rằng dù là em dâu nhưng gia đình quý T., như con ruột.
"Em nó xinh xắn, hiếu thảo, giỏi giang lắm vậy mà...", bỏ lửng câu nói chị Thanh bảo rằng vợ chồng chị T. rất hạnh phúc, có hai con (bé gái 3 tuổi, trai 1 tuổi). Hiện em dâu đang là nhân viên ngân hàng, vừa mới lấy bằng thạc sĩ.
"Vợ mất đột ngột em trai tôi suy sụp vô cùng, hai con còn quá thơ dại rồi đây không biết chúng tôi phải làm sao để bù đắp. Gia đình tôi muốn biết bệnh viện đã chích thuốc gì và đâu là nguyên nhân khiến em tôi tử vong đột ngột", chị Thanh bức xúc.
Do cơ địa của bệnh nhân
Trong giấy ra viện của Bệnh viện Nhân Dân 115 xác định tình trạng của chị T. lúc nhập viện là mê sâu, thở máy qua nội khí quản, rối loạn huyết động năng.
"Sốc phản vệ có ngưng hô hấp tuần hoàn, suy đa cơ quan, phù phổi cấp tổn thương, bội nhiễm phổi", giấy ra viện kết luận nguyên nhân tử vong.
Theo giấy ra viện, chị T., tử vong do sốc phản vệ có ngưng hô hấp tuần hoàn, suy đa cơ quan, phù phổi cấp tổn thương, bội nhiễm phổi. - Ảnh: HOÀNG LỘC
Vậy ba mũi thuốc được Bệnh viện An Sinh chích cho chị T. là gì? Kết quả xét nghiệm tầm soát chất độc trong máu và nước tiểu của Trung tâm Pháp y TP khẳng định có sự hiện diện của hai biệt dược gồm chlorpheniramine (giảm ngứa) và diazepam (an thần).
Trao đổi với Tuổi Trẻ online về vụ việc nêu trên, đại diện Bệnh viện An Sinh cho biết nguyên nhân sốc thuốc là do cơ địa của bệnh nhân, có thể dị ứng do ăn phải cá biển.
Theo đại diện này, bệnh viện đã cứu bệnh nhân thoát khỏi dị ứng cấp và bệnh nhân đã tỉnh táo. Tuy nhiên, sau đó không hiểu vì sao lại rơi vào hôn mê.
"Bây giờ thông tin đang ngược nhau do đó phải làm việc để xác định cái nào đúng cái nào sai, quan điểm của bệnh viện là đều cố gắng cứu chữa hết sức mình, còn cơ địa bệnh nhân quá mẫn cảm thì rất khó.
Bởi có thể cùng một loại thuốc có người uống vào không sao nhưng có người uống vào lại dị ứng, sốc thuốc", đại diện Bệnh viện An Sinh nói.
Kết quả xét nghiệm tầm soát chất độc trong máu và nước tiểu của Trung tâm Pháp Y TP khẳng định có sự hiện diện của hai biệt dược gồm chlorpheniramine (giảm ngứa) và diazepam (an thần) - Ảnh: HOÀNG LỘC
Khi chúng tôi đặt vấn đề là gia đình khẳng định bệnh nhân khỏe mạnh, không có bệnh lý tim mạch? Đại diện bệnh viện này cho rằng, chị T. vào bệnh viện đã bị dị ứng phù nề.
"Do đó, mọi thứ còn lệ thuộc vào cơ địa từng người. Tôi cũng mới chỉ nghe báo cáo vụ việc và rất chia sẻ, thông cảm trước sự bức xúc và đau buồn của gia đình", đại diện Bệnh viện An Sinh nói.
Về vấn đề chuyên môn, đại diện bệnh viện hẹn đầu tuần sẽ có trả lời chính thức.
Có hiện diện của thuốc an thần
Theo chuyên gia dược phẩm, chlorpheniramine có tác dụng làm giảm đỏ, ngứa, chảy nước mắt, ngứa mũi hoặc cổ họng… Loại biệt dược này, ngoài việc ngăn chặn các triệu chứng gây dị ứng còn giúp kiểm soát các triệu chứng cảm lạnh hoặc dị ứng.
Trong khi đó, diazepam có tác dụng an thần, điều trị các triệu chứng cai rượu và co giật. Biệt dược này tác động lên não bộ và dây thần kinh (hệ thống thần kinh trung ương) tạo ra tác dụng an thần giúp giảm co thắt cơ và giảm đau trước các thủ thuật y khoa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận